Quy hoạch phù hợp, tạo đà phát triển

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/8/2014 | 10:10:28 AM

YBĐT - Vùng đất Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) giàu tiềm năng, thế mạnh, đặc biệt ở đây có những rừng chè Shan tuyết cổ thụ nổi tiếng. Tiềm năng là thế nhưng xã vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở. Trước thực trạng đó, xã đã quy hoạch và hình thành 4 vùng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Nuôi dê đang được xã Suối Giàng đầu tư phát triển.
Nuôi dê đang được xã Suối Giàng đầu tư phát triển.

Là xã vùng cao, chủ yếu đồng bào dân tộc Mông sinh sống, trình độ dân     trí không đồng đều, tập quán canh tác lạc hậu nên Suối Giàng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo ở mức cao, trên 55%. Làm thế nào để phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân luôn là bài toán khó đối với chính quyền xã. Xuất phát từ thực tế của địa phương, dựa trên điều kiện tự nhiên, xã quy hoạch và hình thành 4 vùng phát triển kinh tế trọng tâm: vùng trung tâm xã chuyên trồng chè; vùng ngoài thâm canh lúa nước; vùng giáp trung tâm huyện trồng ngô; vùng trong chuyên trồng rừng, chủ yếu là cây quế.

Diện tích lúa nước ít, chỉ vẻn vẹn 57,7ha và xã cũng chỉ có 30ha cấy được hai vụ mỗi năm. Với ngần đó diện tích, để bảo đảm an ninh lương thực quả là bài toán khó. Những lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật được mở đến tận thôn bản; các giống lúa mới, năng suất cao được đưa vào trồng; bà con tích cực phòng trừ sâu bệnh, sử dụng phân viên nén dúi sâu nên cây lúa phát triển tốt, năng suất đạt 45 tạ/ha. Đồng bào Mông Suối Giàng xưa nay gắn bó với cây lúa nương nhưng năng suất, chất lượng đạt thấp.

Những năm gần đây, chính quyền xã vận động bà con chuyển đổi sang trồng cây ngô. Ở đây, ngô là cây lương thực chính. Người dân Suối Giàng cũng đã mạnh dạn khai hoang, mở rộng diện tích. Đến nay, toàn xã đã có 175ha chủ yếu tại thôn Cang Kỷ và Suối Lóp. Hơn 1.000 tấn ngô hạt là nguồn thu chủ yếu của nhiều hộ dân nơi đây.

Ông Mùa A Tủa, thôn Cang Kỷ cho biết: "Được Nhà nước hỗ trợ giống ngô lai, mình đã chuyển hẳn diện tích lúa nương sang trồng ngô. Giờ diện tích tăng gấp đôi, nhà mình trồng mỗi vụ 8 cân giống, thấy năng suất và thu nhập hơn hẳn trồng lúa nương".

Sản phẩm chè Suối Giàng được nhiều khách hàng ưa chuộng.

Song song, xã đã tập trung chỉ đạo người dân thôn Tập Lăng 1 và Tập Lăng 2 - là hai thôn có lợi thế phát triển nghề trồng rừng - tập trung đưa cây quế vào trồng. Đến nay, thôn Tập Lăng 2 đã phát triển và hình thành vùng quế tập trung với diện tích trên 60ha. Cũng từ phát triển cây quế mà đã có nhiều gia đình trong thôn thoát nghèo và khá giả như gia đình anh Vàng A Chư, Vàng A Tồng, Chang A Lờ, Sùng A Tu… Cùng với sự vận động của chính quyền, người dân thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng rừng nên không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà tự bỏ vốn ra trồng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, toàn xã đã trồng được trên 82ha, đạt 105% chỉ tiêu huyện giao, trong đó chủ yếu là quế, xoan, mỡ.

Đối với vùng chè, xã tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về việc phát triển thương hiệu chè Suối Giàng; tăng cường các hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguyên liệu đầu vào, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về sở hữu trí tuệ; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật nhằm bảo tồn, bảo vệ cây chè cổ thụ và phát triển vùng chè bền vững; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến chè cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về sử dụng nhãn mác hàng hóa… Xã vận động nhân dân mở rộng diện tích bằng các giống chè Shan cho năng suất, chất lượng cao.

Từ việc quy hoạch các vùng phát triển kinh tế đang từng bước tạo đà cho Suối Giàng vươn lên xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, thời gian tới, xã cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật và đưa các cây, con giống năng suất, chất lượng cao vào sản xuất… Đối với diện tích chè hiện bị mối xông, xã vận động người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trong khâu chăm sóc, thu hái và bón phân hữu cơ… để cây chè phát triển tốt, có khả năng chống bệnh cao. Địa phương rất mong chính quyền các cấp từ tỉnh đến huyện, các cơ quan, ban, ngành, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, diệt mối hiệu quả cho những cây chè cổ thụ để người dân yên tâm sản xuất.

 H.D

Các tin khác

Trong chuyên mục “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” trên VTV tối 10-8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trao đổi về kế hoạch giảm thủ tục về kê khai, nộp thế và thủ tục hải quan, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh.

Để tăng cường bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2014, ngày 9-8, Cục ATTP đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế - Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các tỉnh/ thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh kẹo phục vụ Tết Trung thu.

Phát triển lưới điện tại Tây Nguyên.

WB sẽ tài trợ xây dựng trên 1.000 km đường tải điện và áp dụng công nghệ tải điện thông minh tại Việt Nam.

Cá ngừ đại dương ngư dân Việt Nam đánh bắt và xử lý theo thiết bị, công nghệ Nhật Bản, được bán với giá cao nhất là 420.000 đồng/kg tại Nhật.

Sáng 8/8, lô cá ngừ đầu tiên của Việt Nam đánh bắt bằng thiết bị, công nghệ Nhật Bản đã được bán đấu giá tại chợ cá Trung tâm bán đấu giá thành phố Osaka, Nhật Bản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục