Măng tre trên đất Kiên Thành

  • Cập nhật: Thứ ba, 12/8/2014 | 9:06:35 AM

YBĐT - Đại Sơn, Viễn Sơn của huyện Văn Yên (Yên Bái) nổi tiếng với cây quế. Tú Lệ của huyện Văn Chấn nổi tiếng với xôi nếp và quả sơn tra. Còn nhắc đến mảnh đất Kiên Thành (Trấn Yên), người ta nghĩ ngay đến cây măng tre Bát Độ - một loại cây không những giúp bà con nơi đây thoát nghèo mà còn giúp cho con em họ có điều kiện để học tập cao hơn, trở thành những người cán bộ giỏi của huyện và xã.

Nông dân Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát Độ.
Nông dân Kiên Thành thu hoạch măng tre Bát Độ.

Trong những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi trở lại Kiên Thành. Mới vào đầu vụ mà đã tấp nập người đi chặt măng, luộc măng. Xe máy chở măng cứ kìn kịt nối đuôi nhau đưa măng về điểm thu mua tập trung. Cùng Chủ tịch UBND xã Hoàng Minh Tú đi khắp các vùng măng của Kiên Thành, từ Kiên Lao, Cát Tường đến Khe Tối, Đồng Ruộng, đâu đâu cũng thấy niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của những người nông dân. Không vui sao được khi kết thúc mỗi vụ măng, nhiều gia đình ở đây đã thu về hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Rồi những ngôi nhà khang trang được xây dựng, những chiếc xe máy đắt tiền xuất hiện ngày một nhiều cũng đều từ cây măng cả.

Chủ tịch Tú cho biết: "Nếu hơn 10 năm về trước, thấy được một nhà xây ở Kiên Thành là chuyện hiếm, ai có nhà xây thì cũng phải cỡ "đại gia" của xã. Còn bây giờ ra ngõ là gặp nhà xây mà toàn nhà xây 3, 4 tầng. Trung tâm xã vào mùa măng còn nhộn nhịp hơn phố huyện".

Gia đình chị Hà Thị Lán là một trong những hộ đầu tiên tham gia dự án trồng cây măng tre Bát Độ trên đất này từ năm 2003. Mới đầu, do chưa có kinh nghiệm nên việc trồng  gặp nhiều thất bại, thiệt hại kinh tế lúc bấy giờ cũng lên đến hơn chục triệu đồng. Nhiều người khuyên chị nên chặt bỏ cây măng thay thế bằng cây trồng khác.

Nhờ kiên trì, chịu khó học hỏi, có sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo xã, cán bộ khuyến nông huyện mà 16ha măng của gia đình chị đã hồi sinh và đến nay cho thu nhập mỗi năm trên 200 triệu đồng. Vừa thoăn thoắt bóc măng cho vào bồ, chị Lán vừa kể: "Để tránh cái nắng chói chang của mùa hè, chúng tôi phải lên rừng chặt măng từ 5 giờ sáng. Sau đó bóc măng, luộc măng, đóng vào bao tải và chờ tư thương đến mua. Giá măng năm nay từ 3.900 - 4.500 đồng/kg, có thấp hơn năm ngoái một chút nhưng vẫn được".

Chỉ vào khóm măng Bát Độ trong vườn, chị Lán khoe: "Tuần trước, tôi vừa chặt khóm măng này có 11 ngọn măng mà ngọn nào cũng cũng to như khúc bồ đề ấy. Ngọn to nhất cân được 15 cân, chỉ nhân với 4.000 đồng thôi là đã được 60 ngàn đồng rồi. 11 ngọn như thế thì chú tính thử xem thu được bao nhiêu? So với các loại cây trồng khác thì cây măng Bát Độ này thắng là cái chắc".

Rồi chị nhẩm tính: "1ha quế sau 10 năm có thể thu được trên 100 triệu đồng nhưng 1ha măng Bát Độ sau 10 năm có thể thu được gần 200 triệu đồng nếu chăm sóc tốt. Bởi sau 1 năm trồng là cây măng đã bắt đầu cho thu nhập, mỗi héc-ta một năm thu trên 15 triệu đồng thì 10 năm chả thu một trăm rưỡi còn gì mà nếu không bán được thì phơi măng khô, làm măng chua để bán, giá cũng cao. Bây giờ, doanh nghiệp còn thu mua cả lá măng non để về xuất khẩu nữa đấy. Cây măng cũng như cây quế, bán được từ gốc đến ngọn. Cũng nhờ làm măng mà nhà tôi đã có nhà xây, có tiền nuôi 3 con đi học cao đẳng, đại học. Nuôi các con học xong thì tôi cũng vẫn làm măng". Nói xong, chị cười rất sảng khoái dù trên khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi.

Vui nhất, mừng nhất có lẽ là các đồng chí lãnh đạo xã Kiên Thành bởi cây măng tre Bát Độ đã mở ra cho người dân trong xã một hướng làm giàu và hơn hết giúp các gia đình có điều kiện nuôi các con đi học đại học, cao đẳng trên cả nước. Nhớ về hành trình hơn 10 năm trước đưa cây măng Bát Độ về đây, Chủ tịch UBND xã Hoàng Minh Tú vẫn ngỡ như là mơ. Đưa cây măng về với Kiên Thành là chủ trương lớn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Trấn Yên lúc bấy giờ. Khi ấy, người dân hoàn toàn chưa biết đến hiệu quả kinh tế mà cây măng Bát Độ này mang lại nên việc vận động người dân tham gia trồng măng rất khó khăn.

Nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và huyện, mô hình trồng măng Bát Độ đầu tiên xuất hiện tại Kiên Thành mà những gia đình đầu tiên tham gia xây dựng mô hình chính là gia đình các đồng chí lãnh đạo xã để nhân dân thấy được hiệu quả làm theo. Tuy nhiên, việc đưa cây măng Bát Độ vào trồng lại trùng với thời điểm nắng nóng, ít mưa, đất khô nên tỷ lệ sống khá thấp. Người dân bắt đầu nghi ngờ về tính hiệu quả thì những cây măng bén rễ được trên đất này đã phát huy hiệu quả, xóa tan những nghi ngờ của người nông dân. Cây măng cứ lớn vùn vụt, 1 năm sau thì cho thu hoạch. Việc những hộ gia đình tham gia dự án trồng măng có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm càng khuyến khích người dân tham gia mở rộng diện tích trồng măng. Khi sản phẩm măng Bát Độ đã nhiều thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm là điều không hề dễ dàng. Chủ tịch UBND xã lúc bấy giờ là đồng chí Hoàng Văn Lũy - bây giờ là Bí thư Đảng ủy xã đã phải rất lăn lộn.

Nghe Chủ tịch Tú kể thì Bí thư Lũy đã phải đi tìm thị trường ở Sơn La, Bắc Giang, Thái Bình để tiêu thụ sản phẩm măng cho bà con. Cơ duyên đã đưa anh đến với Công ty TNHH Vạn Đạt - một công ty của Đài Loan chuyên thu mua, chế biến và xuất khẩu sản phẩm măng. Doanh nghiệp không chỉ thu mua mà còn hỗ trợ nông dân vốn, kiến thức để mở rộng diện tích trồng măng. Nếu như trước đây, cứ trồng 2 gốc măng sống được 1 gốc thì đến năm 2006, có chuyên gia người Trung Quốc sang hướng dẫn người dân kỹ thuật nhân giống, trồng măng nên tỷ lệ sống đạt 100%, giảm được chi phí về giống và công chăm sóc ban đầu. Nhiều nông dân Kiên Thành đã sang giúp các xã bạn, huyện bạn về kỹ thuật nhân giống và trồng măng Bát Độ để mở rộng diện tích.

Từ vài chục héc-ta ban đầu, đến nay, Kiên Thành đã có gần 1.200ha măng tre Bát Độ, sản lượng măng thu mua đạt trên 1.200 tấn. Người nông dân Kiên Thành có thu nhập tiền tỷ nhờ trồng măng. Đầu ra của cây măng ổn định khi địa bàn xã hiện có trên 60 điểm thu mua măng của Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty TNHH Yên Thành với giá cả ổn định từ 3.500 - 4.500 đồng/kg. Bây giờ, chủ trương của xã không mở rộng diện tích măng ồ ạt mà tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm của cây măng. Theo lời Chủ tịch xã Hoàng Minh Tú thì người dân Kiên Thành có được cuộc sống ổn định như hôm nay là nhờ những nghị quyết, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự mạnh dạn của những người nông dân mà hiệu quả từ cây măng Bát Độ là minh chứng rõ ràng nhất.

Hà Anh - Hà Linh

Các tin khác
Da giày Việt Nam có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0% khi Hiệp định TPP được ký kết.

Sáu tháng đầu năm nay, xuất khẩu da giày Việt Nam đã đạt 4,85 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiến tới tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành da giày Việt Nam sẽ có cơ hội hưởng mức thuế bằng 0% và mở rộng thị trường mạnh mẽ hơn nữa.

Chế biến cá tra xuất khẩu ở Tiền Giang.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) vừa thông báo dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu thủy sản vào thị trường Liên Bang Nga và Liên minh Hải quan đối với 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam.

Trước những thắc mắc của người dân về việc vì sao Bộ Tài chính không đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với tiền gửi ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mỗi một sắc thuế có mục tiêu và yêu cầu khác nhau.

YBĐT - Sau 6 năm triển khai mô hình trồng tre măng mai, nhiều hộ gia đình ở xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái không những thoát nghèo mà còn giàu lên từ trên chính những mảnh vườn, đồi nương của mình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục