An Lương khai thác nội lực phát triển kinh tế
- Cập nhật: Thứ tư, 16/9/2015 | 2:33:04 PM
YBĐT - Là xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, song An Lương đã biết phát huy tiềm năng về đất đai để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp; đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây quế vào trồng để tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã, nhờ vậy đời sống nhân dân đã có những bước phát triển mới.
An Lương hiện có trên 700ha quế, mỗi năm mang về nguồn thu trên 3 tỷ đồng.
|
Ông Hoàng Văn Cội - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “So với các xã vùng sâu của huyện Văn Chấn thì An Lương khó khăn hơn nhiều, cách Quốc lộ 32 gần 20 cây số nhưng tuyến đường chính dẫn vào xã chủ yếu là đường đất dốc, núi hiểm trở, đi lại khó khăn. Nhiều hàng hóa nông sản làm ra không có thị trường tiêu thụ, nếu có tiêu thụ được cũng bị tư thương ép giá. Chính bởi vậy mà nhiều năm qua An Lương vẫn không thể thoát nghèo được, hết năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã vẫn chiếm trên 46%. Làm gì để thoát nghèo? Đó luôn là câu hỏi thường trực trong nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ chủ chốt xã”.
Trước thực trạng đó, An Lương đã tập trung chỉ đạo nhân dân đầu tư thâm canh tăng vụ trên 109ha ruộng nước hai vụ với cơ cấu 70% giống lúa lai và 30% giống lúa thuần, góp phần đưa sản lượng lương thực có hạt đạt 1.634,5 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 438kg/năm. Cùng với đó, với diện tích đất rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển các loại cây lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển cây quế, xã đã vận động nhân dân tập trung trồng quế.
Theo lời kể của Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội thì An Lương giáp với xã Mỏ Vàng của huyện Văn Yên nên khí hậu và thổ nhưỡng cũng khá tương đồng nhau. Sau khi đưa vào thử nghiệm một số loại cây lâm nghiệp thấy cây quế khá phù hợp với đồng đất của địa phương, từ đó xã mạnh dạn vận động nhân dân tập trung vào phát triển cây quế. Từ chỗ chỉ thử nghiệm thì đến nay, quế đã trở thành cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương.
Dẫn chúng tôi tới Khe Quéo - thôn có diện tích quế lớn nhất xã với trên 120ha, chỉ lên những đồi quế bạt ngàn đã đến kỳ khai thác, Phó chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Cội cho biết thêm: “Trước kia, Khe Quéo là thôn nghèo nhất nhì của xã, cả thôn có gần 40 hộ dân, diện tích đất nhiều song chủ yếu là trồng sắn, ngô và canh tác theo kiểu manh mún nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi được vận động, nhân dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng quế. Vậy là những cây quế đầu tiên đã bén rễ xanh tươi và cho giá trị kinh tế hơn hẳn các loại cây trồng khác, làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân trong thôn. Gia đình ông Trương Văn Tình là một điển hình như vậy. Trước đây gia đình ông Tình rất nghèo, nhà đông nhân khẩu, diện tích đồi rừng nhiều song việc canh tác manh mún, theo mùa vụ nên túng thiếu quanh năm.
Từ khi chuyển sang trồng quế, mới gần 10 năm mà gia đình ông đã khá lên trông thấy, với diện tích hơn 30ha quế từ 7 - 8 năm tuổi, bình quân mỗi năm gia đình ông cũng thu về gần 100 triệu đồng. Chỉ vào ngôi nhà xây khang trang và các vật dụng sinh hoạt đắt tiền, ông Tình cho biết tất cả đều từ cây quế mà có. Gia đình ông Trương Văn Vịnh cũng vậy, với 15ha quế từ 6 - 7 năm tuổi, bình quân mỗi năm bán tỉa gia đình ông cũng thu về gần 70 triệu đồng.
Ông Vịnh chia sẻ: “Trước đây gia đình không biết, cứ loanh quanh vài cây sắn, ngô, mặc dù đầu tư tốt nhưng cũng chỉ dư giả chút lương thực phục vụ chăn nuôi, còn mỗi khi có việc lớn, nhỏ như con cái ăn học hay mua sắm các vật dụng sinh hoạt cần đến tiền lại đem lương thực ra bán, trồng cấy cả năm trời mà lúc bán chẳng được là bao. Khi xã vận động, thấy các hộ dân trong thôn khá lên từ cây quế, gia đình cũng mạnh dạn trồng. Lúc đầu chưa có vốn nên chỉ trồng vài héc-ta, sau khi thu hoạch có tiền gia đình lại tiếp tục mua giống về trồng thêm. Chỗ nào khai thác là bổ sung trồng mới luôn, đúng là có nhờ cây quế mà có được cuộc sống như hôm nay”.
Từ một hộ nghèo đến nay gia đình ông Vịnh đã trở thành hộ khá giả trong thôn. Không chỉ Khe Quéo mà phong trào trồng quế đã lan rộng ra nhiều thôn trong xã. Gia đình ông Giàng A Sử, thôn Sài Lương 4 cũng được đánh giá là một hộ khá giả nhất nhì trong thôn với diện tích 13ha quế, bình quân mỗi năm gia đình ông cũng thu về trên 60 triệu đồng từ tiền bán quế. Gia đình ông Giàng A Sáu, thôn Sài Lương 4 cũng có trên 15ha quế, bình quân mỗi năm, gia đình ông cũng thu về gần 70 triệu đồng.
Từ vài chục héc-ta quế trồng thử nghiệm ban đầu, đến nay diện tích quế của xã An Lương đã có trên 700ha, tập trung nhiều nhất ở 4 thôn là Tặng Chan, Khe Quéo, Sài Lương và Sài Lương 4, với giá bán quế khô bình quân 36.000 đồng/kg, mỗi năm thu nhập từ quế cũng mang lại nguồn thu trên 3 tỷ đồng cho xã. Xác định đây là cây kinh tế chủ lực của địa phương, tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, An Lương đã đề ra mục tiêu phấn đấu hết nhiệm kỳ tăng diện tích quế lên trên 1.000ha, mang lại nguồn thu 5 - 7 tỷ mỗi năm. Với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, quế đã trở thành cây trồng chủ lực góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân trong xã.
Thanh Tân
Các tin khác
Đó là khẳng định của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong trả lời phóng viên báo chí ngày 15-9. EVN khẳng định do điều chỉnh tỉ giá, riêng Tập đoàn này đã phát sinh khoản lỗ khoảng 12.000 tỉ đồng.
YBĐT - Sau 5 năm thực hiện, thông qua mô hình giảm nghèo bền vững phát triển đàn bò sinh sản, với chính sách hỗ trợ trực tiếp, cụ thể và từ hiệu quả việc chăn nuôi của người dân xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) cho thấy, chính sách này rất phù hợp và bước đầu đạt hiệu quả, mang lại niềm vui, cơ hội giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
YBĐT - Hơn 15 năm gắn bó với vùng sắn Văn Yên, Nhà máy Chế biến sắn (thuộc Công ty cổ phần Nông lâm sản Yên Bái) đã đưa cây sắn trở thành cây “triệu đô”. Không chỉ thành công trong xây dựng mối quan hệ bền chặt với người dân và vùng nguyên liệu, Nhà máy còn đưa sản phẩm tinh bột sắn ra thị trường thế giới, đem về cho nông dân Văn Yên hàng chục triệu đô mỗi năm.
Cục hàng không điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa theo hướng giảm thêm 4% do giá nhiên liệu đang liên tiếp giảm.