Biểu giá điện Việt Nam: Làm khổ người tiêu dùng

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/9/2015 | 12:41:26 PM

Theo các chuyên gia kinh tế, biểu giá điện bậc thang lũy tiến hiện hành đang biểu hiện rất nhiều bất cập. Trong đó, vấn đề nổi cộm là sự lằng nhằng ở mỗi mức tính giá, khiến người tiêu dùng rất khó kiểm tra tiền điện hàng tháng đã sử dụng.

Biểu giá điện hiện hành gây rắc rối cho khách hàng.
Biểu giá điện hiện hành gây rắc rối cho khách hàng.

Theo Quyết định được Bộ Công Thương ban hành hồi giữa tháng 3/2015, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc thang tính theo lũy tiến. Cụ thể, bậc 1 được áp dụng cho 50kwh đầu tiên có mức giá 1.484 đồng; bậc 2 từ 50 - 100 kwh có mức giá 1.533 đồng; bậc 3 áp dụng cho kwh từ 101 – 200 với mức giá 1.786 đồng; bậc 4 áp dụng cho mức từ 201 – 300 kwh với mức giá 2.242 đồng; bậc 5 áp dụng cho mức từ 301 – 400 kwh với giá 2.503 đồng; bậc 6 áp dụng từ 401 kwh trở lên với giá 2.587 đồng.

Nhận định về biểu giá này, ông Nguyễn Tiến Thoả - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính cho biết, biểu giá điện bậc sinh hoạt 6 bậc thang hiện nay đang có khá nhiều bất cập, gây khó khăn trong quản lý, trong ghi chỉ số công tơ, thanh toán tiền điện với khách hàng. Đặc biệt, người tiêu dùng điện rất khó kiểm tra được việc sử dụng theo bậc thang hàng tháng của mình.
Một điểm bất cập nữa cũng được ông Thỏa đưa ra là, khoảng  cách chênh lệch giữa một số bậc thang đang quá cao, dẫn đến có những thời gian nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng, kéo tốc độ tăng tiền điện thanh toán vọt cao hơn so với tốc độ tăng lượng điện sử dụng. “Trong thời gian nắng nóng vừa qua, tiền điện của nhiều hộ gia đình đã tăng cao, khiến một bộ phận khách hàng bức xúc và tỏ ra không đồng thuận”, ông Thỏa dẫn chứng.

Đồng tình về những bất cập này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long bày tỏ, biểu giá điện 6 bậc thang lũy tiến hiện nay không tạo điều kiện hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Đặc biệt, biểu giá điện này đang có hệ số quá cao, phân khúc quá ngắn. Điều này khiến cho những gia đình dùng nhiều bị đội hóa đơn tiền điện quá cao.

Đại diện cho cơ quan Nhà nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công Thương cũng thừa nhận, qua 6 tháng thực hiện biểu giá điện bậc thang lũy tiến, có rất nhiều ý kiến của khách hàng không đồng tình vì cho rằng rắc rối và có thể gây nhầm lẫn.

Với những bất cập đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng các phương án điều chỉnh biểu giá bán lẻ điện, trong đó có biểu giá bán điện sinh hoạt để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. “Sau thời gian lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và người dân, Bộ Công Thương sẽ tập hợp lại nghiên cứu, đề xuất ra biểu giá lẻ điện sao cho phù hợp nhất để báo cáo Thủ tướng Chính phủ”, ông Tuấn cho biết.

7 lần điều chỉnh giá, chưa một lần đồng thuận

Cũng liên quan đến những bất cập trong giá điện, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, từ năm 2009 đến nay, EVN đã có 7 lần điều chỉnh giá điện, nhưng mỗi lần điều chỉnh giá điện thường không tạo sự đồng thuận từ dư luận.

Lập luận cho vấn đề này, ông Long nói, việc EVN chưa tạo được sự đồng thuận cho nhân dân qua mỗi lần điều chỉnh giá điện là người dùng không muốn giá tăng và do bản thân EVN chưa thật sự minh bạch.

Theo ông Long, điện là mặt hàng độc quyền và có tác động mạnh đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân, nên cần có sự kiểm soát giá. "Hiện so sánh giá thế giới tuỳ từng nước phụ thuộc các yếu tố cơ cấu cấu thành hoặc điều kiện thu nhập quốc dân, người lao động. Nên nếu so sánh với giá thế giới hay nước khác là khập khiễng", ông Long phân tích.

Cũng theo ông Long, đợt tăng giá điện 7,5% vào ngày 16/3, đã khiến dư luận vô cùng bức xúc vì lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng chưa hài hoà. Vì vậy, vấn đề cần làm là đảm bảo sự hài hoà lợi ích Nhà nước từ thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT khi người dân đóng tiền điện, doanh nghiệp có lãi hợp lý khi tính đúng tính đủ và người dân có mức giá hợp lý.

Liên quan đến Đề án cơ cấu biểu giá điện mới mà EVN đang lấy ý kiến, các chuyên gia kinh tế cho rằng, EVN vẫn nên xây dựng biểu giá bán lẻ điện theo lũy tiến bậc thang. Tuy nhiên, cần phải chỉnh sửa, tính toán các bậc lũy tiến sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, biểu giá 6 bậc đang áp dụng là quá nhiều và nên đưa về 3 - 4 bậc. Tuy nhiên khoảng cách giữa các bậc, nhất là hai bậc đầu nên giãn cách ra xa hơn, có thể cách nhau 100 - 150 kWh thì mức tiền phải trả sẽ giảm xuống.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội cho rằng, việc xây dựng biểu giá điện cần đảm bảo sự cân bằng cho người sử dụng điện, trong đó có người nghèo, người thu nhập thấp. Với nguyên tắc này, biểu giá điện bậc thang lũy tiến là phương án tối ưu.

* Giá diện nghiêng về kịch bản 5 của phương án 3

Chiều 23-9 tại TP Đà Nẵng, đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cùng Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển VN lấy ý kiến biểu giá điện.
Đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cùng Công ty TNHH Tư vấn quản lý và phát triển VN (đơn vị tư vấn cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho EVN) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Đây là địa phương thứ hai sau Hà Nội tổ chức lấy ý kiến phản biện trước khi Bộ Công thương trình Chính phủ về giá bán lẻ điện sắp tới.

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - đại diện đơn vị tư vấn, hiện đơn vị đang “chào” ba phương án và phương án 3 là phương án mà phía tư vấn khuyến nghị cần xem xét nghiên cứu.

Trong khi đó, theo đại diện EVN thì nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới là rất rõ, vậy nên phương án cơ cấu giá điện phải theo hướng tiết kiệm điện. Phát biểu góp ý kiến tại hội thảo, đại diện nhiều sở công thương tại miền Trung đều nghiêng về kịch bản 5 của phương án 3 gồm bốn bậc thang lũy tiến.

Tuy nhiên nhiều đại biểu đều cho rằng Bộ Công thương nên nghiên cứu lại mức giá.

Theo đó, nên điều chỉnh giá giảm xuống đối với các hộ có mức sử dụng điện dưới 150 kWh/tháng và điều chỉnh giá tăng lên đối với các hộ sử dụng trên 150 kWh/tháng. Lý do có đến 80% số hộ dân sử dụng dưới 150 kWh/tháng, phần lớn đây là hộ nghèo, thu nhập thấp.

(Theo VnMedia - TTO)

Các tin khác

YBĐT - Theo ghi nhận của phóng viên, sáng ngày 24/9 trên tuyến tỉnh lộ 171 tại ngầm tràn thuộc thôn 12 xã Minh Xuân có hàng chục phương tiện xe máy, ô tô và rất đông người dân bị ách tắc do nước lũ tràn qua đường với mực nước dâng cao khoảng 50cm. Dòng nước chảy xiết đã khiến các phương tiện và người không thể lưu thông.

Nhiều hộ dân chuyển đổi sang mô hình nuôi cá ruộng cho hiệu quả cao.

YBĐT - Với mục đích nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác, mô hình chuyển đổi những diện tích lúa một vụ năng suất thấp sang chuyên canh nuôi cá (còn gọi là mô hình cá ruộng) ở huyện Trấn Yên đã phát huy hiệu quả tích cực, mở ra hướng đi mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân địa phương. Tuy nhiên, mô hình lại không thể nhân rộng bởi rất nhiều lý do. Do vậy, sau hơn 10 năm chuyển đổi, mô hình vẫn chỉ bó hẹp tại một vài xã triển khai thí điểm.

Hơn 300 doanh nghiệp sẽ tham gia Chương trình Tuần nhận diện hàng Việt 2015.

T​ại buổi họp báo "Tuần nhận diện hàng Việt Nam 2015 - Tự hào hàng Việt Nam," do Bộ Công Thương tổ chức chiều 23/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa cho biết, đã có hàng nghìn hợp đồng được ký kết trong khuôn khổ sự kiện này.

Trong chỉ thị vừa mới được ban hành, Tổng cục Thuế chỉ đạo cán bộ thuế các cấp phải rà soát, phân loại và xử lý ngay những khó khăn, vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục