Văn Chấn: Ghi nhận từ cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản
- Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2016 | 9:25:40 AM
YBĐT - Cùng với các địa phương trong cả nước, từ ngày 1/7/2016 gần 600 điều tra viên và tổ trưởng điều tra trên địa bàn huyện Văn Chấn đã triển khai kế hoạch Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản (sau đây gọi tắt là TĐT) tại 401 địa bàn điều tra.
Điều tra viên ghi phiếu tại xã Suối Bu.
|
Xác định cuộc TĐT có ý nghĩa quan trọng làm cơ sở để Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đánh giá toàn diện bổ sung và hoàn thiện chính sách phát triển nông thôn nông nghiệp, huyện Văn Chấn đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để việc điều tra được chính xác, nhanh gọn và hiệu quả.
Đúng vào ngày cả nước ra quân TĐT chúng tôi theo chân cán bộ điều tra đến các hộ dân ở xã vùng cao Suối Bu phỏng vấn, điều tra ghi phiếu. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng được tuyên truyền và được thôn bản thông báo trước các hộ dân đã bố trí ở nhà chờ cán bộ điều tra. Tại đây, các điều tra viên đã thông tin đến các hộ dân về nội dung ý nghĩa của cuộc TĐT. Sau những câu chuyện tâm tình, cởi mở các điều tra viên tiến hành ghi phiếu trên cơ sở quan sát và phỏng vấn. Nhận thức được mục đích ý nghĩa của cuộc TĐT nên các hộ dân xã Suối Bu đều đồng tình phối hợp, trả lời đầy đủ, chính xác, các câu hỏi mà điều tra viên đặt ra.
Ông Vàng A Thào - thôn Ba Cầu, xã Suối Bu chia sẻ: "Mình cũng được biết về cuộc TĐT này qua báo, đài và loa truyền thanh của thôn. Hôm nay, đoàn đến ghi phiếu mình rất phấn khởi, điều tra viên hỏi gì mình nói đúng, nói đủ cho cán bộ hoàn thành công việc được tốt".
Là xã vùng cao của huyện Văn Chấn, xã Suối Bu có trên 430 hộ dân sinh sống ở 4 thôn bản. Để bảo đảm cho công tác TĐT đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ đạo TĐT xã Suối Bu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân hiểu về ý nghĩa quan trọng của cuộc TĐT, đồng thời tuyển chọn các điều tra viên nhiệt tình, có kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết ngôn ngữ đồng bào Mông tham gia ghi phiếu. Trên cơ sở quy định của cuộc TĐT, xã đã chia các thôn bản thành 4 địa bàn điều tra, phân công các điều tra viên phụ trách địa bàn và phân công 1 tổ trưởng điều tra theo dõi giám sát quá trình ghi phiếu.
Anh Vàng A Ly - cán bộ điều tra viên xã Suối Bu cho biết: "Với đặc thù của xã có trên 90% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, ngoài việc tuyên truyền về mục đích ý nghĩa của cuộc điều tra thì hầu hết các câu hỏi mình đều phải sử dụng tiếng Mông. Mặt khác, để ghi phiếu chính xác mình phải hỏi kỹ, so sánh các thông tin bảo đảm thống nhất, hợp lý mới ghi vào phiếu".
Với địa bàn trải rộng trên 120.000 ha, dân số trên 15 vạn người, phân bố ở 371 thôn bản của 31 xã, thị trấn, trong cuộc TĐT huyện Văn Chấn có 401 địa bàn điều tra và phải điều tra khoảng 37.800 phiếu. Xác định cuộc TĐT có ý nghĩa quan trọng giúp Chính phủ, các ngành và chính quyền các địa phương đánh giá thực trạng, phân tích xu hướng biến đổi, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn và cải thiện mức sống dân cư nông thôn.
Bên cạnh đó, thông tin từ cuộc TĐT được sử dụng để đánh giá kết quả thực hiện một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phục vụ một số mục đích cho công tác thống kê như: xây dựng cơ sở dữ liệu nông nghiệp và nông thôn, làm dàn chọn mẫu các cuộc điều tra định kỳ hàng năm…
Vì vậy, huyện Văn Chấn đã xây dựng phương án, kế hoạch tổ chức thực hiện và hoàn thiện các tài liệu nghiệp vụ, công tác hậu cần cho cuộc TĐT. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo cuộc TĐT từ huyện đến cơ sở, tổ chức 8 lớp tập huấn và phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban Chỉ đạo, tổ trưởng điều tra và các điều tra viên.
Song song với công tác này huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyền thông qua pa nô, áp phích, và hệ thống loa truyền thanh ở các thôn bản. Với sự chuẩn bị chu đáo, cuộc TĐT đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân.
Ông Mã Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn A cho biết: “Ngoài tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, thì thông qua các buổi họp của xã, của thôn xã cũng tích cực lồng ghép tuyên truyền. Việc lựa chọn các điều tra viên cũng được chúng tôi hết sức chú trọng trên cơ sở xem xét người có kinh nghiệm, năng lực, tâm huyết. Ngoài ra, xã cũng đã xây dựng kế hoạch cho các điều tra viên, quán triệt việc ghi thông tin trên phiếu bảo đảm thống nhất và chính xác".
Trong phương án điều tra thu thập thông tin của cuộc TĐT có những điểm mới như: bổ sung đơn vị điều tra là các đơn vị quốc phòng và hộ nông nghiệp ở thành thị nên đối với huyện Văn Chấn số lượng phiếu và nội dung sẽ nhiều hơn lần điều tra trước.
Ngoài ra, việc điều tra còn bổ sung các thông tin đánh giá kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua lồng ghép các chỉ tiêu đánh giá năng lực sản xuất như quy mô sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; phương thức tiến hành thu thập thông tin đã được nghiên cứu, thay đổi theo hướng giảm gánh nặng cung cấp thông tin cho hộ nông thôn; đẩy mạnh thu thập thông tin gián tiếp từ hồ sơ hành chính… đây là những nội dung mới, đòi hỏi có sự tổng hợp phân tích đánh giá so sánh của các điều tra viên.
Để cuộc TĐT đạt chất lượng cao, ngay từ những ngày đầu thực hiện cuộc TĐT, các thành viên Ban Chỉ đạo cuộc TĐT huyện Văn Chấn, cán bộ Cục Thống kê tỉnh Yên Bái và Chi cục Thống kê huyện đã xuống địa bàn, giám sát việc ghi phiếu, đồng thời xem xét sửa chữa rút kinh nghiệm việc ghi phiếu cho các điều tra viên.
Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chi cục trưởng Chi cục Thống kê huyện cho biết: "Mặc dù công tác tuyển chọn điều tra viên đã được huyện chỉ đạo các địa phương lựa chọn những người có năng lực, có kiến thức chuyên môn viết chữ đẹp và là người địa phương để thuận lợi cho quá trình điều tra. Tuy nhiên, do các phiếu điều tra có nhiều nội dung cần ghi rõ và có sự thống nhất nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cử cán bộ theo sát quá trình ghi phiếu của quá trình điều tra.
Trong cuộc TĐT này, ngoài các thông tin thu thập theo yêu cầu của Chính phủ, huyện đã yêu cầu tổng hợp nhanh một số thông tin, chỉ tiêu phục vụ cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện".
Kết quả của cuộc TĐT có ý nghĩa hết sức quan trọng, trong bối cảnh tỉnh Yên Bái đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, thì đây cũng là cơ sở để các cấp chính quyền ở địa phương xem xét đánh giá đề ra những mục tiêu, phương hướng sát thực hơn. Sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền, sự chính xác cẩn trọng của các điều tra viên cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân sẽ là những yếu tố quan trọng làm nên thành công trong cuộc TĐT.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo, những năm qua, bà con nhân dân xã Trung Tâm, huyện Lục Yên đẩy mạnh trồng ngô trên đất soi bãi, đất đồi; đồng thời, chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng ngô.
Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo, người dân cần hết sức thận trọng trong mọi quyết định mua, bán của mình trong bối cảnh giá vàng biến mạnh như hiện nay.
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác quản lý và sử dụng vốn vay hiệu quả, đúng mục đích đến nay, Huyện đoàn Lục Yên có 16/ 24 xã, thị trấn thực hiện ủy thác vay vốn với 62 tổ tiết kiệm vay vốn cho trên 300 lượt hộ ĐVTN vay vốn, tổng dư nợ đạt trên 50 tỷ đồng.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết thực hiện 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.