Văn Yên chủ động trước mùa mưa bão
- Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 9:53:50 AM
YBĐT - Văn Yên là huyện vùng thấp lại có hệ thống sông, suối dày đặc. Chính bởi vậy, vào mùa mưa hàng năm trên địa bàn huyện thường xảy ra bão lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở ta-luy và ngập úng.
Lực lượng vũ trang huyện Văn Yên diễn tập cơ chế thực binh trong cuộc diễn tập phòng chống thiên tai tháng 6/2016.
|
Qua tổng hợp báo cáo từ các địa phương, năm 2015 thiên tai mưa, lốc trên địa bàn huyện đã làm 1 người bị thương, 8 nhà bị sập đổ và 4 nhà bị hư hỏng, tốc mái; trên 228 ha lúa, ngô, hoa màu và thủy sản bị ảnh hưởng và thiệt hại; hàng ngàn mét khối đất đá sạt lở, nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị hư hỏng... tổng thiệt hại ước tính khoảng 1,5 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm từ năm trước, ngay từ đầu năm 2016, UBND huyện Văn Yên đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các địa phương chủ động ứng phó với mưa lũ nhằm giảm nhẹ và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Đồng chí Doãn Văn Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện cho biết: “Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 13/1/2016 của Chủ tịch UBND huyện Văn Yên về tăng cường công tác PCTT-TKCN trên địa bàn huyện năm 2016, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã nhanh chóng kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các cấp; đồng thời, triển khai phương án PCTT-TKCN, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Huyện chỉ đạo, khi có lũ, bão xảy ra ở địa bàn, khu vực nào thì huy động lực lượng nhân dân và cán bộ nơi đó tham gia phòng, chống. Riêng các xã, thị trấn thì sử dụng lực lượng dân quân cơ động và công an xã để tham gia tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ”.
Với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”, khi lũ, bão xảy ra, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN trực chỉ huy 24/24 giờ, đồng thời thường xuyên kiểm tra địa bàn xung yếu, vùng thường bị ngập, các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét… để có biện pháp ứng cứu; xảy ra thiên tai ở địa phương nào thì sử dụng lực lượng ở địa phương đó, phối hợp cùng lực lượng vũ trang sẵn sàng làm nhiệm vụ chiến đấu theo kế hoạch. Ngoài ra, còn huy động thêm các hộ gia đình, phương tiện vận tải và một số máy xúc, máy ủi của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi bão lũ, sạt lở đất xảy ra.
Về vật tư, phương tiện, huyện giao cho Phòng Tài chính - Kế hoạch dự trù kinh phí giải quyết các nhu cầu bức thiết trong mùa mưa bão năm nay, có kế hoạch tận dụng nguồn lực tại chỗ để sử dụng kịp thời cho việc đối phó với bão lũ. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện và các xã, thị trấn đã tiến hành kiểm tra, tu sửa các công trình thủy lợi, hồ chứa, các tuyến đường giao thông, các công trình xây dựng cơ bản, đường, điện... và đôn đốc các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch PCTT-TKCN cho phù hợp với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, thường xuyên tuyên truyền, thông báo, dự báo và theo dõi về tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn để nhân dân chủ động, có biện pháp phòng chống, sơ tán kịp thời; theo dõi lượng mưa trên địa bàn để báo cáo, tổng hợp, đề phòng tình hình lũ ở các khu vực có nguy cơ cao, đặc biệt phòng lũ quét, lũ ống và sạt lở ta-luy xảy ra; tổ chức hiệp đồng lực lượng với các đơn vị trên địa bàn.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện chỉ đạo UBND các xã phải tổ chức rà soát các cơ sở khai thác cát sỏi, khai thác khoáng sản trên địa bàn, giải phóng ngay các công trình xây dựng lấn chiếm và các vật liệu cản trở dòng chảy như tre, gỗ... ở tất cả các khe suối trước mùa mưa lũ; quản lý, sử dụng có hiệu quả các loại trang thiết bị cảnh báo phòng tránh lũ quét như: thiết bị đo mưa và một số vật dụng khác; nghiêm cấm việc chặt phá rừng phòng hộ bừa bãi; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi cần thiết, vận động nhân dân trong mùa mưa lũ, mỗi gia đình phải có kế hoạch dự trữ lương thực và các nhu yếu phẩm khác đảm bảo cho gia đình sinh hoạt từ 5 - 7 ngày trở lên khi có tình huống bất trắc; có phương án, kế hoạch tổ chức tốt công tác cứu trợ, cứu hộ, cứu nạn kịp thời; chú trọng thông tin liên lạc thông suốt với cơ sở xã và Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện; chỉ đạo các xã, thị trấn, các đơn vị vận động nhân dân tích cực chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, trạm xá và các công trình công cộng khác.
Xây dựng kế hoạch để nhân dân chủ động gieo cấy vụ mùa đúng khung thời vụ, bảo đảm không để thiên tai ảnh hưởng đến năng suất, mùa vụ; kiên quyết di dời những hộ dân sống ven sông, suối, khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất; khi có bão, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để thông báo kịp thời cho nhân dân phòng tránh.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương, năm 2016, có khoảng 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, bão hoạt động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp từ tháng 6 đến tháng 9. Tỉnh Yên Bái sẽ chịu ảnh hưởng 2 - 3 đợt hoàn lưu của bão, trong đó huyện Văn Yên cũng sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề của hoàn lưu bão với mức dự báo có mưa to đến rất to, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Với sự chỉ đạo sát sao cũng như việc tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng chống thiên tai quy mô cấp tỉnh tại huyện Văn Yên cuối tháng 6 vừa qua, Văn Yên sẽ quyết tâm giảm thấp nhất những thiệt hại về người, tài sản, hoa màu do bão lũ gây ra trong năm 2016 này.
Thanh Tân
Các tin khác
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công thương, vào ngày 12-7.
Từ đầu tháng 7, Tổng cục Thống kê đã triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến 17 triệu đơn vị điều tra và huy động khoảng 180.000 điều tra viên vào cuộc. Kinh phí tổng điều tra do ngân sách Nhà nước đảm bảo.
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và môi trường (PCTP về MT) cho biết, liên quan đến vụ chôn chất thải rắn từ Nhà máy Formosa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, đoàn công tác của Cục Cảnh sát PCTP về MT đã vào Hà Tĩnh và đang phối hợp với Công an tỉnh Hà Tĩnh điều tra, làm rõ vụ việc.
YBĐT - Thực hiện chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), 5 năm qua, hàng nghìn hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng (BVR), chủ hộ trồng rừng kinh tế ở huyện Văn Chấn đã được nhận hơn 3,37 tỷ đồng từ tiền phí DVMTR.