Phúc An nâng cao năng suất lúa từ chế phẩm sinh học EMIC
- Cập nhật: Thứ tư, 13/7/2016 | 10:06:46 AM
YBĐT - Vụ đông xuân 2015 - 2016, 50 hộ hội viên nông dân nghèo ở thôn Khuân Đát và thôn Cầu Trắng, xã Phúc An, huyện Yên Bình tiếp tục được tham gia thử nghiệm, sau khi thu hoạch năng suất lúa thu được 65 - 70 tạ/ha, tăng trên 5 tạ/ha so với các ruộng không sử dụng phân vi sinh hữu cơ được ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC.
Nhờ sử dụng chế phẩm sinh học EMIC, năng suất lúa của gia đình ông Trần Kim Lĩnh, thôn Khuôn Đát, xã Phúc An đạt 3,7 tạ/sào.
|
Nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế việc lạm dụng phân bón và thuốc hóa học trong sản xuất nông nghiệp, từ năm 2014, Chương trình phát triển vùng huyện Yên Bình đã hỗ trợ nhiều hộ hội viên nông dân nghèo của thôn Làng Cại, Khuôn Đát và Cầu Trắng, xã Phúc An trồng lúa thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ từ chế phẩm sinh học EMIC. Sau 2 vụ, năng suất lúa đạt từ 65 - 70 tạ/ha, tăng 5 tạ/ha so với các vụ trước.
Bằng kỹ thuật đơn giản, chi phí thấp, tận dụng toàn bộ chất thải trong chăn nuôi và trồng trọt, hạn chế được ô nhiễm môi trường là ưu điểm khi sử dụng chế phẩm EMIC để tạo phân hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ông Trần Kim Lĩnh, thôn Khuôn Đát, xã Phúc An, cho biết: “Gia đình có trên 1 mẫu ruộng, canh tác rất nhiều năm, thay nhiều loại giống lúa, nhưng năng suất cũng chỉ đạt đến 3 tạ/sào. Năm 2015, gia đình được tham gia mô hình trồng lúa thử nghiệm sử dụng phân bón được ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC trên diện tích 1 sào. Được huyện hỗ trợ chế phẩm sinh học EMIC, cán bộ kỹ thuật tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm sinh học EMIC, khi thu hoạch tôi thấy năng suất cao hơn các vụ trước từ 0,5 - 0,7 tạ/sào. Vụ sau gia đình sẽ tiếp tục áp dụng trên tất cả diện tích ruộng còn lại”.
Cũng như hộ nhà ông Lĩnh, gia đình ông Đặng Văn Tăng, thôn Cầu Trắng, xã Phúc An cũng được tham gia trồng lúa có sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC, ông Tăng cho biết: “Từ nguồn rác thải, phế thải nông nghiệp, mùn hữu cơ, phân bắc và phân chuồng làm phân hữu cơ vi sinh, nhờ chế phẩm sinh học EMIC phân hủy mà không còn mùi hôi, phân ủ tơi xốp, sau khoảng 1 tháng ủ là sử dụng được. Do vậy, ruộng lúa thí điểm sử dụng phân bón này phát triển tốt hơn, bông dài, tỷ lệ hạt chắc cao hơn hẳn”.
Tìm hiểu thực tế người dân đều đánh giá sử dụng phân hữu cơ vi sinh được ủ bằng chế phẩm EMIC trong sản xuất nông nghiệp giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh của cây trồng, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, từ đó giảm chi phí sản xuất.
Bà Hà Thùy Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc An cho biết: “Năm 2014, được sự hỗ trợ của Chương trình phát triển vùng huyện Yên Bình, 25 hộ hội viên nông dân nghèo thôn Làng Cại được thử nghiệm sử dụng phân hữu cơ vi sinh ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC trong sản xuất lúa mang lại hiệu quả cao. Vụ đông xuân 2015 - 2016, 50 hộ hội viên nông dân nghèo ở thôn Khuân Đát và thôn Cầu Trắng tiếp tục được tham gia thử nghiệm, sau khi thu hoạch năng suất lúa thu được 65 - 70 tạ/ha, tăng trên 5 tạ/ha so với các ruộng không sử dụng phân vi sinh hữu cơ được ủ bằng chế phẩm sinh học EMIC. Hiện toàn xã có 75 hộ sử dụng chế phẩm sinh học EMIC tạo nguồn phân hữu cơ vi sinh vào trồng lúa, góp phần làm tăng năng suất cây trồng”.
Đây được coi là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Phúc An - một xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình mà phần lớn đời sống của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính.
Minh Huyền
Các tin khác
YBĐT - Vụ mùa 2016, huyện Yên Bình có kế hoạch gieo cấy 2.288 ha, với cơ cấu 50% diện tích gieo cấy lúa lai.
YBĐT - Văn Yên là huyện vùng thấp lại có hệ thống sông, suối dày đặc. Chính bởi vậy, vào mùa mưa hàng năm trên địa bàn huyện thường xảy ra bão lốc, lũ ống, lũ quét, sạt lở ta-luy và ngập úng.
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2016 của Bộ Công thương, vào ngày 12-7.
Từ đầu tháng 7, Tổng cục Thống kê đã triển khai tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản trên phạm vi cả nước, nội dung phức tạp liên quan đến 17 triệu đơn vị điều tra và huy động khoảng 180.000 điều tra viên vào cuộc. Kinh phí tổng điều tra do ngân sách Nhà nước đảm bảo.