Hiệu quả kinh tế đồi rừng ở xã Trung Tâm
- Cập nhật: Thứ ba, 4/10/2016 | 8:15:29 AM
YBĐT - Xã Trung Tâm, huyện Lục Yên là xã vùng 3, có 1.003 hộ, 4.327 nhân khẩu cư trú tại 10 thôn và chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Nùng, Tày...
Một xưởng chế biến gỗ rừng trồng trên địa bàn xã Trung Tâm.
|
Ông Đặng Văn Thông, dân tộc Dao là hộ có cuộc sống khá giả ở thôn Ngòi Thìu và là một trong những hộ đầu tiên chọn hướng phát triển kinh tế bằng trồng rừng. Sau nhiều năm vất vả, vượt khó, nay gia đình ông đã có trên 12 ha rừng trồng, chủ yếu là keo và bồ đề. Hiện tại, keo, bồ đề đã được khai thác và mỗi năm ông Thông thu nhập hàng trăm triệu đồng từ rừng trồng.
Ông Đặng Văn Thông phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi phát triển kinh tế đồi rừng từ năm 1995. Sau khi rừng trồng được khai thác, đời sống của gia đình tôi đã được nâng lên rõ rệt. Tôi thấy trồng rừng không cần nhiều vốn, nhưng cho lợi nhuận cao. Thời gian tới, tôi trồng thêm cây trẩu, vì trẩu cũng là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và phù hợp với thổ nhưỡng tại địa phương”.
Thấy ông Thông trồng rừng có được cuộc sống đổi thay, ông Lý Văn Thắng cùng thôn Ngòi Thìu cũng làm theo và đã trồng được 6 ha rừng, trong đó có hơn 3.000 cây quế đang trong giai đoạn phát triển. Với diện tích rừng đã có, mỗi năm gia đình tỉa thưa để bán cũng thu về khoảng 50 triệu đồng. Đầu năm 2016, ông Thắng đã làm được ngôi nhà sàn khang trang bằng khung bê tông trị giá trên 400 triệu đồng.
Là địa bàn có nhiều đồi núi, phù hợp với việc phát triển rừng trồng, xã Trung Tâm đã xác định phát triển kinh tế đồi rừng là thế mạnh trong xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, cùng với việc bảo vệ rừng tự nhiên, xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực trồng rừng để có nguồn thu nhập, nâng cao đời sống. Để việc trồng rừng đạt hiệu quả cao, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất...
Nhờ đó, những năm gần đây, phong trào phát triển kinh tế đồi rừng đã được người dân thực hiện một cách tích cực. Sau nhiều năm thực hiện phát triển kinh tế rừng, nhiều gia đình đã có thu nhập ổn định, từng bước vươn lên làm giàu. Địa phương đã tạo điều kiện cho những hộ có điều kiện mở xưởng chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động. Hiện nay, xã Trung Tâm đã có 6 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Điển hình như cơ sở chế biến gỗ rừng trồng của bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Sài Dưới, có hai máy bóc gỗ đã tạo việc làm thường xuyên cho 30 người với mức thu nhập bình quân từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Nhằm tiêu thụ những sản phẩm rừng mà nhân dân làm ra, tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư mua máy móc mở xưởng bóc gỗ để vừa có lợi ích kinh tế cho gia đình vừa giúp đỡ người dân tiêu thụ gỗ. Tôi đang tiến hành mở rộng xưởng và mua thêm máy móc chất lượng để nâng công suất chế biến”.
Thực tế cho thấy, việc phát triển kinh tế đồi rừng không chỉ tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống cho người dân địa phương mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực về môi trường... Trong 6 tháng đầu năm 2016, nhân dân đã khai thác trên 1.000 m3 gỗ.
Ông Lý Văn Quy - Chủ tịch UBND xã Trung Tâm cho biết: “Xã sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện giúp dân vay vốn trồng rừng, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng rừng, chủ động cây giống, đặc biệt là các loại giống mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao như: quế, keo lai, bồ đề... để tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, giúp nhân dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống”.
Vàng Mai
Các tin khác
YBĐT - Hội đã giúp 86 hộ vay vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền trên 2,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
YBĐT - Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2016 đã khép lại với những thành công ngoài mong đợi nhờ sự chuẩn bị chu đáo của tỉnh và các địa phương. Hiệu quả của phát triển du lịch gắn với bản sắc văn hóa dân tộc đã minh chứng, cổ vũ cho một hướng đi đúng của tỉnh Yên Bái…
YBĐT - Sáng 3/10, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại MCC tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ khởi công Dự án Tổ hợp Kinh tế miền núi Yên Bái tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải.
Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng qua, cả nước có 81.451 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 629,1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% về số DN và tăng 49,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số lao động đăng ký của các DN thành lập mới là 928.700 người.