Ông Chiến thoát nghèo nhờ trồng cây dược liệu
- Cập nhật: Thứ hai, 31/10/2016 | 7:54:48 AM
YBĐT - Về thôn Trung Mỹ, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên hỏi đến ông Phạm Ngọc Chiến, mọi người ai cũng biết ông là một nông dân cần cù, biết vươn lên thoát nghèo từ việc trồng cây dược liệu.
Ông Phạm Ngọc Chiến, thôn Trung Mỹ, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đang thu hái lá khôi.
|
Cái nắng giữa trưa bên triền đồi trồng cây khôi, khiến chúng tôi có cảm giác ngột ngạt, bỏng rát. Ngược lại, ông Chiến vẫn làm mọi việc phăng phăng, khi thì kiểm tra cây, lúc hái lá, phơi lá. Ông bảo, làm nông nghiệp nên đã quen vất vả, nắng gió. Cầm những nắm lá cây khôi trong tay, ông vui mừng kể lại câu chuyện “thuần hóa” cây dược liệu này. Năm 1996, thấy nhiều thương lái tìm hỏi mua loại lá cây khôi, nên ông cùng một số người trong thôn lên rừng tìm, hái mang về bán.
Một ngày ông chỉ hái được vài kg lá tươi, nhưng bán được hơn 100.000 đồng và số tiền này lúc đó là khá cao. Tìm hiểu ra mới biết, họ mua lá cây này về bán cho các cơ sở chế biến thuốc đông y làm thành phần trong thuốc chữa các bệnh về dạ dày, đường ruột. Nhưng lúc đó, tôi chỉ biết lên rừng kiếm lá về bán chứ không biết mang cây về trồng. Sau này, khi cây trên rừng hiếm dần, ông Chiến mới mang cây về trồng tại nhà và tìm cách nhân giống. Ban đầu, ông chỉ trồng vài chục cây quanh nhà, nhưng do không biết cách chăm sóc nên cây bị thối gốc, héo lá rồi chết.
Qua nhiều lần trồng thử nghiệm, dần hiểu tập tính sinh trưởng của cây, ông Chiến đã tìm ra cách trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt. Ông cho biết: “Cây khôi rất ưa bóng. Vì vậy, muốn cây phát triển tốt phải trồng bên dưới cây có tán lớn che bóng cho cây khôi. Tuy cây không chịu được úng nước nhưng cũng không chịu được khô, vì vậy, công việc tưới nước cung cấp độ ẩm vừa phải cho cây là rất cần thiết. Việc trồng và chăm sóc cây khôi rất cần sự kiên nhẫn, chịu khó”. Ngoài ra, ông Chiến cũng nghiên cứu thành công phương pháp giâm cành, giúp nhân giống một cách hiệu quả nhất. Cây khôi được 5 năm tuổi, cây cằn cho ít lá, ông Chiến vít ngọn cây giâm xuống đất.
Sau 2 tháng, từ ngọn cây vít xuống sẽ ra rễ và tạo cây con sinh trưởng độc lập. Với cách làm trên, từ vài chục cây trồng quanh nhà, đến nay, ông Chiến mở rộng diện tích trồng hàng nghìn cây khôi. Cây khôi sinh trưởng tốt và 2 tháng cho thu hoạch lá một lần; vào mùa mưa, 1 tháng thu hoạch một lần. Từ trồng cây dược liệu - cây khôi mỗi năm gia đình ông Chiến thu nhập ổn định từ 100 đến 150 triệu đồng.
Ông chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng tôi phải đi làm thuê vất vả lắm, mà mới chỉ đủ ăn. Tiền đóng học cho các con phải đi vay mượn từ anh em, hàng xóm rồi đi làm trả dần, nhà ở thì dột nát. Từ khi trồng loại cây dược liệu này, kinh tế gia đình khấm khá dần lên và không những đủ ăn, mà còn có tiền cho các con ăn học, xây được nhà kiên cố”. Ông cũng cho biết thêm, đầu năm nay có nhiều người tìm đến gia đình ông hỏi mua cây giống về trồng. Bởi vậy, ông dự định sang năm sẽ chuyển sang ươm cây giống để bán và tiếp tục mở rộng trồng thêm loại cây dược liệu này trên diện tích đất đồi còn lại.
Ông Nguyễn Văn Nhật cùng ở xã Cường Thịnh cũng là một hộ trồng cây khôi cho biết: “Gia đình tôi trước kia cũng là hộ khó khăn. Thấy gia đình ông Chiến trồng và bán lá cây khôi cho hiệu quả kinh tế, tôi mua giống cây khôi nhà ông Chiến về trồng và nhờ ông hướng dẫn cách chăm sóc cây. Sau 3 năm, cây phát triển tốt, giá bán lá ổn định. Ngoài cung cấp giống, gia đình ông Chiến còn đảm bảo đầu ra cho lá cây khôi. Từ khi trồng cho đến nay, thu hoạch đến đâu bán hết tới đó. Gia đình tôi và một số bà con trong xã đang trồng cây khôi rất tin tưởng trồng và mở rộng diện tích theo từng năm”.
Cây khôi có tên khoa học là Ardisia sylvestris Pitard. Tuy phân bố nhiều nơi, nhưng số lượng không nhiều do tái sinh hạt kém, lại bị khai thác với số lượng lớn nên mất nguồn hạt để tái sinh. Mặt khác, những nơi có cây con mọc, lại bị ảnh hưởng của nạn khai thác bừa bãi và phá rừng, dẫn đến có thể tuyệt chủng vì không còn môi trường sống thích hợp.
Việc thuần hóa và phát triển mô hình cây dược liệu này của ông Chiến là mô hình phát triển kinh tế rất nhạy bén, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Tuy nhiên, để cây khôi thực sự mang lại hiệu quả kinh tế, cần có sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch phát triển bền vững loại cây dược liệu quý này, từng giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thu Hiền
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, diện tích cây ăn quả có múi của huyện Trấn Yên tập trung chủ yếu ở các xã: Hưng Thịnh, Quy Mông, Hồng Ca, Việt Cường, Hưng Khánh. Riêng vụ xuân năm 2016, nhân dân các xã trồng mới 91,9 ha đạt 115% kế hoạch.
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA) kỳ vọng tới năm 2020, thương mại điện tử sẽ cán mốc 10 tỷ USD, chiếm 5% doanh thu bán lẻ.
Ngày 29/10 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trao giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” 2016.
Chiều tối 29/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).