Bao giờ nông dân hết "bơi tự do" với sản phẩm nông nghiệp?

  • Cập nhật: Thứ tư, 2/11/2016 | 1:48:12 PM

YBĐT - Một cán bộ ngành nông nghiệp thừa nhận, các sản phẩm rau màu của Yên Bái chỉ có thể len lỏi vào các cửa hàng rau sạch, siêu thị của Yên Bái chứ chưa có thể có mặt tại các siêu thị của tỉnh và thủ đô Hà Nội.

Nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn làm giàn cho cây cà chua.
Nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn làm giàn cho cây cà chua.

Trước đây, người dân Yên Bái từng thờ ơ với sản xuất vụ đông. Thế nhưng, những năm gần đây, sản xuất vụ đông ngày càng được thay đổi tư duy canh tác, mang lại hiệu quả kinh tế cao và nông dân đã xem đây là vụ chính.

Đa dạng sản phẩm vụ đông

Trời đã gần đứng bóng, nhưng chị Hoàng Thị Sửu, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn vẫn cặm cụi làm cỏ ngô trên cánh đồng thôn Bản Tèn. Đây là thửa ngô giống AG 59 đã cao tới đầu gối. Sau khi làm cỏ, chị tính đến việc phải bón thúc để cây ngô phát triển tốt, cho năng suất cao. Tiếp giáp với ruộng ngô là 1.000 m2 rau màu được trồng để phục vụ tết Nguyên đán. Nhiều năm gần đây, người dân xã Phù Nham không còn bỏ hoang đất trong vụ đông nữa và bà con đã đúc rút nhiều kinh nghiệm nên sử dụng các loại giống ngắn ngày và áp dụng khoa học, kỹ thuật để rút ngắn thời gian sản xuất.

Quan trọng hơn là quyết tâm làm ăn đã được đổi mới theo phương châm "Trời làm mất, đất phải đền" nên người dân đã mạnh dạn đầu tư biến vụ đông thành vụ chính và thực tế mang lại hiệu quả rất cao. Chi Sửu tâm sự: "Năm ngoái, tôi trồng 2.500 m2 ngô đông và thu về hơn 3 tấn ngô hạt. Tôi để lại 1 tấn làm thức ăn cho gia súc, gia cầm, còn lại bán được 14 triệu đồng và riêng tiền bán thân cây ngô làm thức ăn cho trâu, bò cũng được gần 1,5 triệu đồng".

Cùng trên cánh đồng thôn Bản Tèn, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Thoa đang bỏ phân trên thửa ruộng 2.000 m2 được làm đất kỹ để chuẩn bị xuống giống cà chua. Năm nay, mùa đông không rét, chị Thoa cũng như các hộ khác ở xã Phù Nham tin tưởng sẽ trúng vụ cà chua.

Chị cho biết: “Gia đình tôi có 3.200 m2 ruộng. Vụ đông trước, tôi trồng 2.000 m2 cà chua và thu về gần 28 triệu đồng. Trồng cà chua đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật chăm sóc cao, nhưng lại cho hiệu quả kinh tế gấp 4 - 5 lần trồng lúa, gấp 2 - 3 lần trồng ngô. Vậy, sao gia đình không trồng hết cà chua? - tôi hỏi.

Chị Thoa tâm sự: "Tôi cũng muốn trồng hết diện tích bằng cây cà chua, nhưng trồng nhiều sẽ không bán được chú à! Có năm, bà con đổ xô đi trồng cà chua khiến cho "cung vượt cầu", thành thử giá cà chua năm đó chỉ có khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Năm trước, do rét đậm, rét hại kéo dài, cộng với băng tuyết nên cây cà chua chết quá nửa, nhưng bù lại, giá bán cà chua lại lên tới 20.000 - 25.000 đồng/kg".

Vụ đông năm nay, toàn xã Phù Nham gieo trồng 308 ha cây vụ đông gồm: 233 ha ngô, 25 ha khoai lang, 35 ha cây rau đậu. Đặc biệt, xã chủ trương tăng diện tích ngô trên đất hai lúa bằng việc thực hiện hỗ trợ 20% giá ngô giống cho các hộ sản xuất, nhưng không vượt quá 320.000 đồng/ha. Đi trên những cánh đồng Phù Nham, cùng với bạt ngàn ngô đông là những ruộng rau xanh tốt, không khí sản xuất khá sôi động của nông dân.

Ông Hoàng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã Phù Nham cho biết: "Để nhân dân sản xuất vụ đông hiệu quả, xã giao chỉ tiêu xuống cho từng thôn, bản; hướng dẫn bà con làm bầu ngô và đưa bầu ra ruộng ngay sau khi thu hoạch lúa. Do điều kiện thời tiết vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 thường có mưa, nên xã chỉ đạo nhân dân sau khi gặt xong tiến hành làm đất ngay, làm luống thoát nước tránh gây ngập úng, sử dụng các giống ngô lai nhập khẩu như: DK 6919, AG 59".

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, huyện Văn Chấn triển khai sản xuất vụ đông sớm, chỉ đạo ngành nông nghiệp tăng cường theo dõi diện tích, tiến độ sản xuất theo lịch cập nhật 7 ngày/lần. Trên cơ sở kế hoạch chung của huyện, tất cả các xã đều phải xây dựng kế hoạch riêng của mình căn cứ vào thực tế thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.

Ông Hoàng Hữu Dũng - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: xác định sản xuất vụ đông là một nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo ra nguồn hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích cho nông dân, nên ngay từ đầu vụ UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai sản xuất vụ đông và giao kế hoạch chi tiết tới các xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai đến từng thôn, bản và các hộ dân; đồng thời, tiến hành kiện toàn ban chỉ đạo sản xuất cây vụ đông từ cấp huyện đến cơ sở để tuyên truyền, vận động nhân dân và chỉ đạo sản xuất. Phân công cán bộ chuyên môn, lãnh đạo các ban, ngành đoàn thể phụ trách các xã, thị trấn đôn đốc, chỉ đạo cơ sở thực hiện sản xuất vụ đông giành thắng lợi. Vụ đông năm nay, huyện đặt mục tiêu sản xuất 2.500 ha cây vụ đông các loại và 70 ha cá vụ đông; trong đó, cây ngô đông trồng 1.750 ha; khoai lang 250 ha và 500 ha cây rau đậu các loại.

Người dân đang "bơi tự do"

Là huyện có diện tích ruộng nước lớn, khí hậu ôn hòa, nguồn nước tưới dồi dào rất thích hợp cho cây vụ đông phát triển và nông dân cần cù lao động nên huyện Văn Chấn có thể hướng tới nền sản xuất lớn, trong đó sản xuất vụ đông được ưu tiên cả về diện tích lẫn sản lượng. Với vị trí địa lý nằm giữa thành phố Yên Bái và các huyện phía Tây, có hệ thống đường giao thông đi lại thuận tiện, sản phẩm nông nghiệp dễ tiêu thụ, thế nhưng hiện nay, người nông dân đang phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của mình.

Lâu nay, các sản phẩm rau màu vụ đông của huyện Văn Chấn phong phú và đa dạng, năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng điệp khúc "được mùa mất giá" liên tục diễn ra. Hiện nay, không có doanh nghiệp thu mua nông sản liên kết với các xã và nông dân để tiêu thụ sản phẩm. Còn nhớ, cách đây khoảng 5 - 6 năm, nông dân huyện Văn Chấn đã từng vui mừng khi ký hợp đồng trồng khoai tây Atlantic cho một doanh nghiệp nước ngoài. Cứ ngỡ, cây trồng này sẽ đem lại hiệu quả kinh tế lớn để người dân bớt lo về đầu ra cho các sản phẩm vụ đông, thế nhưng chỉ được một năm, việc liên kết đã bị đứt đoạn vì nhiều nguyên nhân khác nhau.

Ông Nguyễn Văn Hải, ở xã Sơn A, huyện Văn Chấn cho biết: "Trong xã đã có nhiều hộ dân thử trồng cà rốt, hành tây, súp lơ, tất cả đều cho năng suất, sản lượng cao. Nhưng vào vụ thu hoạch, người dân phải chở sản phẩm đến các chợ ở các địa phương khác hoặc bầy thúng, mẹt bán dọc đường, khiến cho sản lượng thì nhiều nhưng giá bán chẳng được bao nhiêu. Vụ đông này rất ít hộ mạnh dạn đưa giống cây trồng mới vào sản xuất vì lo sản phẩm không biết bán cho ai. Từ thực tế ở huyện Văn Chấn, nhìn ra các huyện cũng có thế mạnh về nông nghiệp khác của Yên Bái như: Văn Yên, Trấn Yên và thị xã Nghĩa Lộ mới thấy rằng, người nông dân Yên Bái đang "bơi tự do" trong bài toán đầu ra.

Hiện nay, các tỉnh miền xuôi đã mời gọi được nhiều công ty ở trong và ngoài nước về tận thôn xóm đặt hàng, thu mua bí xanh, bí đỏ, khoai tây, dưa chuột bao tử... Mới đây, huyện Mù Cang Chải cũng đã mời gọi được một công ty chuyên trồng cây cải dầu đến hợp đồng trồng cải. Hạt giống do công ty cấp không và hạt cải sau thu hoạch được cam kết mua hết. Tuy nhiên, mô hình mới trong thời gian thử nghiệm, cần phải có thời gian để đánh giá. 

Một vấn đề nữa đặt ra cho Yên Bái là chưa tạo được các thương hiệu và các sản phẩm đặc trưng riêng có. Rất nhiều sản phẩm mang lại hiệu quả cao như : cà chua, khoai tây, khoai tím... nhưng chưa thể là hàng hóa với đầy đủ nhãn mác, tiêu chuẩn... Một cán bộ ngành nông nghiệp thừa nhận, các sản phẩm rau màu của Yên Bái chỉ có thể len lỏi vào các cửa hàng rau sạch, siêu thị của Yên Bái chứ chưa có thể có mặt tại các siêu thị của tỉnh và thủ đô Hà Nội. Đến nay, trên địa bàn vẫn chưa có mô hình sản xuất rau an toàn nào được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Điều này cũng cho thấy, những bất cập trong việc xây dựng thương hiệu và quản lý chất lượng nông sản ở Yên Bái.

Người nông dân chưa thể tự mình tìm kiếm đầu ra bền vững cho sản phẩm hay tự xây dựng thương hiệu đặc trưng, tự quản lý chất lượng nông sản theo đúng tiêu chuẩn. Đây là vấn đề thực tế ở nhiều địa phương đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn của các nhà quản lý để cho người nông dân không phải "bơi tự do "với những sản phẩm nông nghiệp của mình được làm ra từ công sức, tiền của.

Phạm Quang 

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, bức xúc nhất về đời sống, sản xuất; từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác trong cả nước.

Công ty cổ phần sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm. Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Năm 2016, tỉnh Yên Bái đặt chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) là 8.200 tỷ đồng. Mặc dù được dự báo là tiếp tục khó khăn về kinh tế, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp đã quyết liệt thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 5.941 tỷ đồng, bằng 72,4% kế hoạch, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2015.

Đoàn thăm nơi làm việc của công nhân Công ty TNHH Unico GlobaI YB  tại khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Ngày 1/11, đoàn công tác của tỉnh Yên Bái do đồng chí Dương Văn Tiến - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, làm trưởng đoàn đã đi nắm tình hình hoạt động của các công ty may trên địa bàn tỉnh. Cùng đi với đoàn có lãnh đạo các sở, ngành liên quan, thành phố Yên Bái, huyện Trấn Yên.

Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng - Hội Kiến trúc sư tỉnh Yên Bái  trình bày đồ án với người dân nằm trong phạm vi Quy hoạch.

YBĐT - Ngày 1/11, tại UBND phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái, Sở Xây dựng phối hợp với UBND thành phố Yên Bái tổ chức Hội nghị công bố đồ án Quy hoạch chi tiết Khu vui chơi giải trí đồi Nhà khách số 2.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục