Đột phá trong nông nghiệp ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/11/2016 | 8:14:28 AM

YBĐT - Đến hết tháng 10/2016, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái đều đạt, vượt mức kế hoạch và quan trọng hơn là đã có những chuyển biến tích cực từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

Sản phẩm quế vỏ Văn Yên được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: Thanh Miền)
Sản phẩm quế vỏ Văn Yên được tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước. (Ảnh: Thanh Miền)

Là năm đầu tiên thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn, mặc dù thời tiết không thuận lợi (đầu năm rét đậm, rét hại, giữa năm hạn hán, lũ lụt) nhưng ngành nông nghiệp đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp để phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa các giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tích cực phòng trừ sâu bệnh. Cùng với đó là hàng loạt cơ chế, chính sách gắn với tái cơ cấu ngành đã được triển khai đồng bộ, hỗ trợ sản xuất tạo lực đẩy cho sản xuất.

Trong sản xuất lương thực, áp dụng nhanh các giống tiến bộ kỹ thuật nên diện tích, năng suất, sản lượng lương thực có hạt không ngừng được tăng lên; cơ cấu giống tiếp tục có chuyển biến tích cực theo hướng tập trung đầu tư vào các vùng có điều kiện thâm canh cao. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt trên 311.800 tấn, tăng trên 40.000 tấn so với kế hoạch; đồng thời, đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2.500 ha, vùng sản xuất ngô hàng hóa 15.000 ha (trong đó có trên 3.000 ha được chuyển đổi từ đất trồng lúa nương sang trồng ngô).

Chăn nuôi đã khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong cơ cấu ngành nông nghiệp; tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm ngày càng cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống khu vực nông thôn. Tổng đàn gia súc chính đạt 662.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt trên 40.300 tấn, giá trị sản xuất ước đạt trên 1.600 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, chất lượng cải tạo giống lợn đã có những chuyển biến tích cực, trong đó, các giống lợn ngoại và tổ hợp lai có tỷ lệ nạc cao chiếm trên 30% tổng đàn lợn. Toàn tỉnh có 670 cơ sở chăn nuôi lợn thịt quy mô 50 - 100 con và 24 điểm làm nhiệm vụ thụ tinh nhân tạo lợn và 5 cơ sở đầu tư sản xuất giống lợn ngoại tập trung, nhằm đáp ứng nhu cầu con giống tiến bộ kỹ thuật.

Chăn nuôi trâu, bò từ quảng canh, nay có trên 400 cơ sở chăn nuôi trâu, bò với quy mô từ 10 con trở lên; quy trình chăm sóc nuôi dưỡng đã từng bước được ứng dụng thực hiện có hiệu quả như chăn nuôi theo phương thức nuôi công nghiệp và bán chăn thả. Chăn nuôi thủy sản có nhiều chuyển biến. Từ chỗ người dân trước kia mới chỉ "thả cá" nay đã đi vào "nuôi cá", với nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư nuôi bằng thức ăn công nghiệp với quy mô 1 - 3 ha.

Cùng với việc nuôi cá ao, cá lồng cũng đã phát triển trên các sông suối lớn như sông Hồng, sông Chảy, hồ Thác Bà và một số hồ thủy lợi khác. Toàn tỉnh hiện có trên 850 lồng nuôi cá trắm cỏ, cá nheo, cá tầm, cá chiên... và sản lượng thủy sản năm 2016 ước đạt trên 8.000 tấn.

Cây ăn quả phát triển mạnh, đặc biệt là vùng cây ăn quả có múi (cam, quýt, bưởi) đạt trên 2.000 ha. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, phục tráng và phát triển cây ăn quả đặc sản theo các vùng sinh thái (bưởi Đại Minh, huyện Yên Bình; cam quýt, huyện Văn Chấn và Lục Yên ...).

Đặc biệt, chính sách khuyến khích phát triển cây sơn tra ở huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã tạo ra một hướng đi mới cho đời sống và sản xuất của đồng bào vùng cao, khi đây vừa là cây cho quả có giá trị kinh tế cao, vừa có tác dụng là rừng phòng hộ. Sản xuất lâm nghiệp đã tận dụng tối đa thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng và làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng.

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu cùng cán bộ kỹ thuật nông nghiệp kiểm tra mô hình sản xuất lúa ĐS - I tại xã Hát Lừu.

Trên cơ sở quỹ đất quy hoạch cho sản xuất lâm nghiệp, cùng với việc thực hiện các chủ trương, chính sách về đầu tư, giao đất lâm nghiệp, khoán bảo vệ rừng đã khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển rừng và đã trồng được trên 14.000 ha rừng.

Các chỉ tiêu thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong năm 2016 đến nay cơ bản đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra: phát triển cơ sở chăn nuôi trâu, bò có quy mô từ 10 con trở lên thực hiện được 262/262 cơ sở; 128/90 cơ sở chăn nuôi lợn quy mô từ 50 - 100 con trở lên. Phát triển thủy sản đã triển khai thực hiện được 193/193 cơ sở nuôi cá lồng, 45/25 cơ sở nuôi cá eo ngách.

Cây ăn quả có múi ở các huyện trồng được 550 ha/594 ha. Cây sơn tra đã triển khai trồng được 1.080 ha/550 ha kế hoạch (huyện Trạm Tấu 600 ha, huyện Mù Cang Chải 480 ha). Phát triển cây chè vùng cao đã trồng được 80/80 ha chè Shan tại huyện Văn Chấn. Canh tác ngô vụ đông trên đất trồng lúa 2 vụ, đã trồng được 4.006 ha/ 4.000 ha kế hoạch...

Trong xây dựng nông thôn mới đã có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống vật chất tinh thần người dân được nâng cao. 

Những kết quả đã đạt được trong năm 2016 là nền tảng quan trọng cho sản xuất nông nghiệp Yên Bái vững bước vào năm 2017 và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Ngọc Trúc 

Các tin khác
Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc cà chua vụ đông.

YBĐT - Vụ đông nhiều năm nay ở Nghĩa Lộ đã trở thành vụ sản xuất chính. Cùng với 2 vụ lúa, vụ đông đã góp phần giải quyết việc làm cho nông dân và tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác.

Nghi thức động thổ dự án.

Ngày 5/11, tại xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, Tập đoàn Masan phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức khởi công xây dựng trang trại chăn nuôi lợn kỹ thuật cao Masan Nutri-Farm Nghệ An.

Hội nghị

Ngày 4/11, Hội nghị "Tổng kết công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017" các tỉnh phía Bắc đã diễn ra tại tỉnh Lào Cai. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn dự và chỉ đạo Hội nghị.

Ảnh chỉ có tính minh họa.

Cổng thông tin điện tử Chính phủ chiều 4/11 thông tin, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, gồm cả tập thể và cá nhân đưa thông tin thiếu trung thực về chất lượng nước mắm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục