Yên Bình nhân rộng các mô hình nuôi trồng thủy sản
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 8:22:07 AM
YBĐT - Huyện Yên Bình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ quy hoạch 400 ha mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá quây lưới.
Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Thác Bà, thôn Ao Khoai, xã Thịnh Hưng khai thác 30 ha mặt nước nuôi 45 lồng cá, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Nhằm khai thác tiềm năng mặt nước hồ Thác Bà và thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Yên Bái, những năm qua, huyện Yên Bình đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đến thôn, hộ nắm bắt và đăng ký thực hiện. Đồng thời, tăng cường thông tin qua nhiều kênh để mời gọi các doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư phát triển nuôi thủy sản trên hồ Thác Bà.
Với lợi thế có diện tích mặt nước hồ Thác Bà rộng lớn, xã Thịnh Hưng có khoảng 500 ha mặt nước hồ, thuận lợi cho việc phát triển nuôi trồng thủy sản. Những năm qua, thực hiện chủ trương của huyện Yên Bình về việc phát triển nuôi trồng thủy sản, xã đã vận động nhân dân tập trung thâm canh, tận dụng, khai thác tối đa mặt nước hồ để nuôi thủy sản, tạo thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.
Để người dân yên tâm đầu tư phát triển nuôi thủy sản, qua khảo sát, đánh giá hiện trạng mặt nước từng vùng, trên cơ sở đăng ký của các hộ dân, Thịnh Hưng đã có văn bản báo cáo với huyện xin kinh phí hỗ trợ để phân bổ kịp thời cho người dân.
Cùng với đó, để người dân yên tâm phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh bền vững, xã Thịnh Hưng còn phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cho người dân; hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác xã nuôi trồng thủy sản để thuận lợi bao tiêu sản phẩm.
Nhờ đó, nhiều hộ dân đã khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước hồ để nuôi trồng thủy sản, điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Bình, thôn Đào Kiều khai thác 6 ha eo ngách mặt nước hồ để quây lưới nuôi cá cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm; Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Thác Bà, thôn Ao Khoai khai thác 30 ha mặt nước để nuôi 45 lồng cá mang lại hiệu quả kinh tế cao... Cũng như xã Thịnh Hưng, xã Vĩnh Kiên là địa phương có diện tích mặt nước hồ Thác Bà với trên 500 ha.
Những năm gần đây, cùng với những chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản của tỉnh, huyện, xã Vĩnh Kiên đã vận động nhân dân khai thác tiềm năng, thế mạnh về nguồn nước để nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân. Ông Trần Văn Thịnh, thôn Mạ là một điển hình như vậy. Năm 2014, qua tìm hiểu, tham quan một số hộ nuôi cá chắn lưới thấy có hiệu quả kinh tế cao, được hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Thịnh mạnh dạn mua lưới về quây trên diện tích 5 ha mặt nước đã đấu thầu từ trước để nuôi cá. Sau một năm nuôi theo hình thức quây lưới, trừ chi phí ông còn thu về trên 200 triệu đồng.
Ông Nguyễn Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kiên cho biết: “Để việc phát triển thủy sản phát triển hiệu quả và bền vững, xã Vĩnh Kiên đặc biệt quan tâm việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô nuôi; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật đến người dân; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, chú trọng tập huấn kiến thức nuôi trồng thủy sản để giúp người nông dân tận dụng tối đa thế mạnh sẵn có ở địa phương, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và có hiệu quả”.
Huyện Yên Bình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, sẽ quy hoạch 400 ha mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá quây lưới, năng suất ước đạt 3,5 tấn/ha, sản lượng 1.400 tấn và có trên 500 lồng nuôi cá các loại; trong đó, đóng mới 400 - 450 lồng có thể tích trên 100 m3 và 30% số lồng được nuôi cá đặc sản gồm: cá nheo, cá lăng, cá ngạnh, áp dụng quy trình nuôi cá bán thâm canh, năng suất 2 tấn/lồng, sản lượng 1.125 tấn. Để thực hiện mục tiêu này, trên cơ sở chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã phân bổ kinh phí hợp lý cho nhân dân để thực hiện việc nuôi trồng thủy sản hiệu quả.
Cụ thể, hỗ trợ 1 lần cho hộ nuôi cá bằng hình thức quây lưới ở các eo ngách có diện tích từ 1 ha trở lên, mức hỗ trợ 20.000 đồng/m2; kinh phí hỗ trợ không quá 60 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ một lần cho hộ đóng mới lồng nuôi cá bằng 10 triệu đồng/lồng; hỗ trợ một lần cho hộ cải tạo ruộng kém hiệu quả chuyển thành ao nuôi cá, mức hỗ trợ 50 triệu đồng/ha; đồng thời, hỗ trợ thêm 5 triệu đồng/ha để mua cá giống.
Nhờ có những chính sách ưu đãi của tỉnh, huyện, sự chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền địa phương, phong trào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Yên Bình đang phát triển mạnh. Nhiều hộ dân đã khá giả và có thu nhập ổn định từ nuôi cá; hộ nuôi ít cũng có thu nhập vài chục triệu đồng; hộ nuôi nhiều thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bằng hình thức nuôi phong phú, ngoài nuôi cá lồng, một số hộ dân ít nhân lực lại lựa chọn hình thức quây lưới tại những eo ngách theo hình thức bán thâm canh mà vẫn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thanh Tân
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông năm 2016, huyện Văn Yên đề ra kế hoạch trồng 1.722 ha cây ngô đông, trong đó ngô trên đất hai vụ lúa là 1.000 ha và 700 ha rau màu các loại.
YBĐT - Ngày 16/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu các loại mô hình HTX kiểu mới" - Cụm thi số 2.
Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng này.
YBĐT - Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3 trở lên từng là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống kinh tế - xã hội của người dân trên địa bàn tỉnh. Để góp phần ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn này, thời gian qua, Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực.