Đội Quản lý thị trường số 7 tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng
- Cập nhật: Thứ năm, 17/11/2016 | 8:24:52 AM
YBĐT - Hàng tuần, đơn vị đều cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt thêm thông tin về giá cả, tình hình buôn bán và kịp thời báo cáo cấp trên. Đội còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh tại các chợ ở vùng cao.
Cán bộ Đội QLTT số 7 kiểm tra lô hàng súng, kiếm nhựa nhập lậu vừa thu giữ.
|
Thời gian qua, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 thuộc Chi cục QLTT tỉnh Yên Bái khu vực huyện Văn Chấn luôn thực hiện tốt công tác quản lý địa bàn, tổ chức trinh sát, theo dõi, nắm tình hình vận chuyển tại các điểm dọc tuyến quốc lộ 32 kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, phối hợp với lực lượng chức năng để đấu tranh có hiệu quả với các hành vi gian lận thương mại, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Văn Chấn là huyện vùng cao có địa bàn rộng với 31 xã, thị trấn, trải dài trên 120 km dọc theo quốc lộ 32. Giao thông đi lại khó khăn, có nhiều chợ ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu là đồng bào dân tộc, nên nhận thức về hàng giả, hàng kém chất lượng chưa cao, dẫn đến một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng vào tiêu thụ kiếm lời.
Xác định công tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ hàng đầu, Đội QLTT số 7 đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, trong đó thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), kiểm tra hàng giả, hàng hóa hết thời gian sử dụng.
Xác định tại địa bàn huyện không có cơ sở sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng mà lượng hàng này chủ yếu là mì chính, xà phòng, dầu gội đầu, đồ chơi trẻ em mang tính kích động bạo lực (đao, kiếm, súng nhựa)... được đưa từ các tỉnh vùng dưới xuôi lên, do vậy Đội đã tăng cường công tác trinh sát nắm bắt thông tin, đấu tranh theo hướng phòng ngừa, cảnh báo cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ, tuyên truyền cho nhân dân cách nhận biết hàng giả.
Hàng tuần, đơn vị đều cử cán bộ xuống cơ sở nắm bắt thêm thông tin về giá cả, tình hình buôn bán và kịp thời báo cáo cấp trên. Đội còn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra các cơ sở, hộ kinh doanh tại các chợ ở vùng cao. Không chỉ kiểm tra, kiểm soát hàng giả hàng, kém chất lượng, Đội còn quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh theo qui định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Ông Đào Mạnh Hùng - Đội trưởng Đội QLTT số 7 cho biết: "Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trong quá trình làm công tác QLTT, chúng tôi thường xuyên lồng ghép tuyên truyền cách nhận biết về nguồn gốc hàng hóa; đồng thời, hướng người dân đến việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hỗ trợ cho các hộ kinh doanh và người tiêu dùng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hết niên hạn sử dụng".
Nhờ vậy, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện có xu hướng giảm. Mặt khác, qua công tác vận động, tâm lý chuộng sử dụng hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, để hàng Việt thật sự chiếm được niềm tin của người tiêu dùng thì các nhà sản xuất cần quan tâm hơn nữa đến kiểu dáng, chất lượng và giá thành sản phẩm.
Ngoài công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, Đội còn tích cực tham mưu với UBND huyện tổ chức các đợt kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc chấp hành các quy định về VSATTP, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như: công an, kiểm lâm, thuế, y tế huyện cũng như các đội, phòng chức năng của Chi cục QLTT tỉnh tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, chống buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, xử lý vi phạm về không thực hiện niêm yết giá, kinh doanh hàng quá hạn sử dụng và vi phạm về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập lậu không rõ nguồn gốc.
Trong 10 tháng của năm 2016, đơn vị đã kiểm tra 119 vụ, xử lý 115 vụ vi phạm thương mại, phạt hành chính trên 186 triệu đồng, bán hàng tịch thu 205 triệu đồng... Điển hình như vụ gần đây nhất, vào ngày 5/10/2016 Đội đã phối hợp với cảnh sát giao thông, Công an huyện Văn Chấn kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 18N - 2362 phát hiện trên xe vận chuyển 450 kg nội tạng động vật (lòng trâu, bò) không có giấy tờ kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đang phân hủy.
Qua xác minh, chủ số hàng hóa trên là ông Trần Văn Toản, địa chỉ tại xã Tiền Hải, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Đội đã lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt với ông Toản về hành vi kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Phạt tiền 8 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật. Trị giá hàng hóa tiêu hủy là 19,3 triệu đồng.
Thời gian cuối năm, các hoạt động buôn bán hàng cấm, hàng lậu gia tăng, sôi động, khó kiểm soát, đặc biệt là pháo các loại, đèn trời, đồ chơi bạo lực; hàng giả, hàng kém chất lượng như: mì chính, bột giặt, quần áo, giày dép và các mặt hàng phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017 như các giống lúa, ngô, phân bón, thuộc bảo vệ thực vật.
Vì vậy, Đội QLTT số 7 tiếp tục bám sát kế hoạch kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các tổ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa trình độ dân trí hạn chế. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là khu vực chợ nông thôn góp phần bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Huyện Yên Bình đưa ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ quy hoạch 400 ha mặt nước hồ Thác Bà để nuôi cá quây lưới.
YBĐT - Vụ đông năm 2016, huyện Văn Yên đề ra kế hoạch trồng 1.722 ha cây ngô đông, trong đó ngô trên đất hai vụ lúa là 1.000 ha và 700 ha rau màu các loại.
YBĐT - Ngày 16/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu các loại mô hình HTX kiểu mới" - Cụm thi số 2.
Nghị định số 149/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 177/2013/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành quy định Bộ Công Thương tiếp nhận, rà soát biểu mẫu đăng ký giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết danh mục mặt hàng này.