Đưa vốn chính sách đến đúng đối tượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/11/2016 | 8:12:24 AM

YBĐT - Trong rất nhiều các giải pháp vay vốn ngân hàng chính sách xã hội đưa ra, huyện Văn Chấn đã đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng chí Hồ Đức Hợp - Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Những năm qua, huyện Văn Chấn đã đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đời sống kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn rất cần sự quan tâm giúp đỡ. Trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của chính sách tín dụng, nhất là các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện trong việc đưa vốn đến các đối tượng, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Địa bàn Văn Chấn rất rộng (31 xã, thị trấn), số lượng khách hàng vay vốn NHCSXH rất lớn; trong đó, không ít người còn nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại và sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa hiểu hết vai trò, ý nghĩa của chính sách tín dụng; sử dụng vốn kém hiệu quả, chây ỳ trả lãi và gốc... Đó là thực tế khó khăn, gây ảnh hưởng đến hoạt động của NHCSXH nói chung và việc cho vay vốn nói riêng.

Trong rất nhiều các giải pháp đưa ra, song với việc nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 40 của Bộ Chính trị, huyện Văn Chấn đã đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, các tổ chức Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu hiến binh và Đoàn thanh niên cần thấy rõ vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, đoàn viên của mình hiểu đầy đủ chính sách tín dụng; ký nhận ủy thác, phối hợp tổ chức cho vay; hướng dẫn đoàn viên, hội viên sử đụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn và trả nợ đúng kỳ, đúng hạn.

Ngay từ đầu năm 2016, Hội đồng Quản trị, Ban đại điện NHCSXH huyện đã xây dựng và ban hành Chương trình phối hợp số 01 về cho vay hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội của huyện; phối hợp kiện toàn các tổ tiết kiệm và vay vốn; rà soát lại hộ nghèo, cận nghèo, đánh giá nhu cầu vay vốn và trả nợ vay của các đối tượng.

Trong quá trình phối hợp, thực hiện việc giao ban định kỳ 2 tháng/lần và duy trì chế độ báo cáo, thông tin thường xuyên để kịp thời xử lý, giải quyết những vụ việc ngay từ cơ sở, nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn theo đúng chính sách quy định và ngăn chặn kịp thời nợ xấu phát sinh.

Thống kê cho thấy, đến nay, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội của NHCSXH Văn Chấn là 403 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, tăng 15% so với 31/12/2015; trong đó, ủy thác qua Hội Nông dân 115,466 tỷ đồng, chiếm 28,7%; Hội Phụ nữ 134, 212 tỷ đồng, chiếm 33,3%; Hội Cựu chiến binh 75,9 tỷ đồng, chiếm 18,9% và Đoàn Thanh niên 77,316 tỷ đồng, chiếm 19,2%.

Đồng chí Trần Mạnh - Bí thư Huyện đoàn Văn Chấn cho biết: “Phần lớn đoàn viên thanh niên trong huyện sống ở vùng nông thôn, các bạn trẻ đều mong muốn vươn lên trong cuộc sống. Từ thực tế này, tổ chức Đoàn Thanh niên khơi dậy phong trào lập thân lập nghiệp, chủ động phối hợp với các cơ quan, ban ngành lồng ghép các chương trình kinh tế, ứng dụng khoa học, kỹ thuật... giúp các bạn sản xuất kinh doanh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đặc biệt, Đoàn thanh niên tổ chức tốt việc ủy thác cho vay vốn NHCSXH, giúp các bạn có vốn để khởi nghiệp”.

Được biết, trong quá trình nhận ủy thác, Đoàn Thanh niên huyện Văn Chấn coi trọng khâu kiểm tra, giám sát tại cơ sở, nhằm chấn chỉnh việc sử dụng đồng vốn sai mục đích, phối hợp hướng dẫn đoàn viên thanh niên phát huy đồng vốn ưu đãi của Chính phủ. 9 tháng đầu năm 2016, Thường trực Huyện đoàn đã trực tiếp đến cơ sở đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc vay vốn ở các xã Cát Thịnh; Phúc Sơn; Đại Lịch; Tân Thịnh.

Ngoài ra, trong quý III/2016 Thường trực Huyện đoàn Văn Chấn đã tới thăm, làm việc với Đoàn xã Hạnh Sơn, Suối Bu, Tú Lệ; Nghĩa Tâm để nắm tình hình hoạt động vốn vay ủy thác do Đoàn Thanh niên quản lý. Tổ chức tốt việc vay vốn và sử dụng đồng vốn chính sách không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đoàn viên, hội viên mà thông qua đó, các tổ chức chính trị - xã hội còn thu hút thêm được hội viên, đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng sinh hoạt.

Bà Hà Thị Tư Hậu - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn bày tỏ: “Nhờ tham gia hoạt động tại các tổ tiết kiệm và vay vốn, nên nhiều chị em người Mông, Dao, Tày, Thái ở các thôn, bản vùng cao trong huyện đã biết vươn lên trong cuộc sống, biết hạch toán kinh tế, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; bình đẳng, tiến bộ cũng từ đó nâng lên; cuộc sống gia đình nhờ đó mà êm ấm, hạnh phúc. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Chấn sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện để đưa vốn đến hội viên của mình, giúp họ nâng cao đời sống”.

Vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy, đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đã đến đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở Văn Chấn và các vùng quê khác đã và đang gặt hái được những thành tựu quan trọng.

Lê Phiên

Các tin khác
Đồng bào Mông xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn thu hái chè Shan tuyết.

YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1.300 m so với mực nước biển, xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có khí hậu trong lành, mát mẻ, bốn mùa mây phủ, nên được ví như một Sa Pa của Yên Bái. Không chỉ có vậy, nơi đây còn có trên 3 vạn gốc chè cổ Shan tuyết hàng trăm năm tuổi, khi thu hoạch phải leo lên hái. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước từ rất lâu.

Chính phủ vừa ban hành quy định hướng dẫn thi hành một số điều Luật giá, theo đó Bộ Công thương sẽ đảm nhận chức năng quản lý giá với mặt hàng này thay Bộ Tài chính.

Ngày mùa ở bản Phình Ngài.

YBĐT - Lùng Cúng và Phình Ngài là hai bản xa nhất của xã Nậm Có nằm trên đỉnh núi Lùng Cúng. Gọi là bản nhưng nhà ở của bà con nằm trên chừng núi và thưa thớt, nhà cách nhà vài trăm mét, thậm chí có nhà cách vài cây số.

Con bê lai BBB 5 tháng tuổi của ông Nguyễn Văn Bảng đã nặng chừng 1,3 tạ.

YBĐT - Theo ông Bảng, nuôi bò trong nông hộ như gia đình mình có thuận lợi vì chi phí thấp, chỉ phải bỏ ngày công chăn thả lại có thể tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp. Theo giá thị trường hiện nay, bán con giống hay bán thịt thì cũng có khoảng 12 triệu đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục