Yên Bái: Phát triển cây dược liệu để xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ hai, 24/4/2017 | 6:55:20 AM
YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi nằm giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, có điều kiện thuận lợi trồng các loại cây dược liệu, đặc biệt là cây quế và cây sơn tra. Vì vậy, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững cho người dân.
Người dân xã Y Can, huyện Trấn Yên kiểm tra sinh trưởng của cây quế giống.
|
Yên Bái có nhiều loại cây dược liệu được trồng và phát triển nên là một trong những tỉnh trong quy hoạch vùng dược liệu khu vực trung du miền, núi Bắc bộ. Từ thực hiện các chính sách cho công tác nuôi trồng, khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu đã đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Điển hình là cây quế được người dân trồng từ lâu đời gắn liền với sự phát triển kinh tế, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là người Dao ở huyện Văn Yên và trở thành một trong những nguồn thu nhập chính của người dân.
Với tổng số trên 50.000 héc-ta, cây quế đem lại nguồn thu khoảng 600 tỷ đồng từ quế vỏ, 131 tỷ đồng từ chưng cất tinh dầu và khoảng 70 tỷ đồng từ gỗ quế; bình quân thu nhập đạt từ 30 - 40 triệu đồng/lao động/năm.
Yên Bái đã hình thành vùng cây sơn tra tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với diện tích hiện có gần 4.000 ha.
Trong đó, có 980 ha đang cho thu hoạch quả. Nếu tính thời gian kinh doanh rừng là 20 năm, đối với diện tích đất đai trên cao phù hợp thì trồng rừng sản xuất bằng cây sơn tra mang lại lợi ích kinh tế cao, tăng thu nhập đáng kể cho người dân với thu nhập khoảng 28 triệu đồng/ha/năm.
Bên cạnh quế, sơn tra, thảo quả hiện cũng được trồng nhiều tại các xã của huyện Mù Cang Chải và một số xã của huyện Văn Chấn, chủ yếu trong rừng tự nhiện đặc dụng và rừng tự nhiên phòng hộ. Hàng năm, cây thảo quả đem về nguồn thu nhập lớn cho người dân. Ở Yên Bái cũng có một số loại cây dược liệu khác được nuôi trồng phát triển như: bình vôi, thiên niên kiện, hoài sơn, ba kích, sa nhân, mạch môn, sâm vũ điệp, lan kim tuyến…
Mặc dù được sự quan tâm của trung ương, các cấp chính quyền như đã xây dựng các đề án, chính sách như: phát triển cây quế giai đoạn 2016 - 2020, phát triển cây sơn tra tại hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020, phê duyệt chủ trương đầu tư của Công ty cổ phần Đầu tư An Sơn với dự án đầu tư trồng, phát triển cây màng tang tại huyện Mù Cang Chải…
Nhân dân trong tỉnh đã có kinh nghiệm, tập quán sản xuất một số loại cây dược liệu từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác và tiêu thu sản phẩm, nhưng trong phát triển cây dược liệu trên địa bàn gặp phải không ít khó khăn.
Cụ thể, Yên Bái là tỉnh nghèo, địa hình bị chia cắt mạnh, thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, giao thông đi lại khó khăn, nên ảnh hưởng lớn đến trồng, khai thác cây dược liệu có quy mô lớn. Ngoài quế, sơn tra, thảo quả, người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên.
Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý bảo tồn, khiến nguồn dược liệu quý hiếm cạn kiện như cây giảo cổ lam ở Văn Chấn. Hơn nữa, việc nuôi trồng nguồn dược liệu quý của người dân chủ yếu tự phát, manh mún, còn với những doanh nghiệp thì thiếu những mô hình, quy hoạch, định hướng phát triển.
Để phát triển ngành dược liệu, không chỉ giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, các cấp, ngành cần nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, mà còn là loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.
Cần đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn, khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu, thuốc y học cổ truyền tại Yên Bái. Điều tra đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng Yên Bái để có chính sách cụ thể phát triển theo vùng dược liệu, cây thuốc nam của Yên Bái.
Theo ông Trương Văn Hướng - Phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế Yên Bái), muốn phát triển được cây dược liệu bền vững, còn phải tìm hiểu về tri thức bản địa sử dụng cây thuốc bản địa của đồng bào dân tộc với những cây, bài thuốc được truyền theo kinh nghiệm lâu đời. Đặc biệt, phát triển cây dược liệu cần tìm hiểu rõ đặc thù văn hoá, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc ở nơi còn có rừng, nhất là rừng nguyên sinh. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch, quản lý, bảo tồn…
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ trên 40 tỷ đồng cho nhân dân trồng quế và sơn tra. Trong đó, ngân sách trung ương 30 tỷ đồng trồng 4.700 ha quế và 4.400 ha cây sơn tra; ngân sách địa phương trên 10 tỷ đồng, hỗ trợ 6.726 triệu đồng trồng quế và 3.540 triệu đồng trồng sơn tra. |
Thành Trung
Các tin khác
YBĐT - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành quyết định chủ trương đầu tư đối với Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ trồng rừng 327 để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống nâng hạ và vận chuyển hàng hóa trên hồ Thác Bà.
YBĐT - Trung tâm Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với UBND huyện Lục Yên vừa tổ chức phiên chợ đưa hàng Việt về miền núi tại xã Mường Lai.
Ngày 22/4, tại Hà Nội, 103 doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu đã được trao Giải thưởng Thương mại dịch vụ năm 2016.