Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý mặt hàng phân bón
- Cập nhật: Thứ ba, 31/10/2017 | 1:47:59 PM
YBĐT - Ngày 01/3/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh đã phê duyệt Quyết định số 636/QĐ-BCT triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ. Theo đó, thời gian kiểm tra chia làm 3 đợt, từ ngày 15/3 đến tháng 9/2017. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với ông Phan Bá Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái về đợt cao điểm kiểm tra này trên địa bàn toàn tỉnh.
Bộ Công thương triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, gia công phân bón vô cơ năm 2017 nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lập lại trật tự cho thị trường phân bón trong cả nước.
|
Ông Phan Bá Hùng: Ngay sau khi nhận được Quyết định số 636/QĐ-BCT ngày 01/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra chuyên đề đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng phân bón trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các đội QLTT trực thuộc thực hiện bổ sung kế hoạch kiểm tra chuyên đề; phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên đề phân bón cho 9 đội QLTT trực thuộc.
Yên Bái là một tỉnh miền núi nên việc tiêu thụ phân bón không nhiều như các tỉnh khác. Trong tỉnh không có doanh nghiệp sản xuất phân bón vô cơ mà chủ yếu là các hộ kinh doanh phân bón nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các huyện, thị xã, thành phố và một số đơn vị đấu trộn sản xuất phân tổng hợp (phân dúi). Các mặt hàng phân bón vô cơ trên thị trường chủ yếu là u-rê, NPK, đạm, lân, ka-ly, đạm Sa, DAP... Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình kiểm tra và xử lý vi phạm, lực lượng QLTT còn gặp một số khó khăn như sau:
Một là: Địa bàn quản lý rộng, trải dài nhưng lực lượng kiểm tra, kiểm soát mỏng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên địa bàn tỉnh mang tính chất nhỏ lẻ, không tập trung, nằm rải rác ở tất cả các nơi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón có tính chất thời vụ, hoạt động trong khoảng thời gian ngắn nên để kiểm soát toàn bộ chất lượng phân bón trên địa bàn toàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn.
Hai là: Trong quá trình tiến hành kiểm tra chất lượng phân bón, lực lượng thanh tra, kiểm tra không thể niêm phong lô hàng khi chưa có cơ sở khẳng định chắc chắn phân bón giả, kém chất lượng vì nếu khi lấy mẫu phân bón kiểm tra chất lượng mà kết quả kiểm nghiệm đạt chất lượng, cơ sở sẽ yêu cầu bồi thường; nếu có kết quả không đạt thì lúc đó cơ sở cũng có thể đã bán hết lô hàng, gây thiệt hại cho nông dân.
Ba là: Đời sống kinh tế của nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ nhận biết hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không có công bố chất lượng, hàng không đủ nhãn còn rất hạn chế nên có thể bị mua phải hàng kém chất lượng; khi phát hiện phân bón không bình thường nhưng cũng không kịp thời báo cơ quan chức năng kiểm tra để xử lý kịp thời nên việc ngăn chặn vi phạm này còn hạn chế.
Bốn là: Nguồn kinh phí cấp cho hoạt động điều tra, trinh sát, rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chi phí lấy mẫu phân bón để kiểm tra chất lượng còn hạn hẹp. Đối với vùng xa, công chức đi kiểm tra đa phần phải sử dụng phương tiện cá nhân, tiền xăng xe, lưu trú rất hạn chế nên còn gặp khó khăn.
P.V: Xin ông cho biết kết quả cụ thể của đợt cao điểm kiểm tra?
Ông Phan Bá Hùng: Trong thời gian triển khai đợt cao điểm kiểm tra và xử lý, lực lượng QLTT tỉnh đã tiến hành kiểm tra 106 vụ, xử phạt 56 vụ vi phạm hành chính với 57 hành vi, trong đó: 9 hành vi vi phạm về nhãn hàng hóa, 34 vụ vi phạm không thực hiện niêm yết giá theo quy định, 5 vụ để lẫn phân bón với hàng hóa khác, 7 vụ không xếp phân bón trên kệ mà để phân bón tiếp xúc trực tiếp với nền đất, 01 vụ kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 01 vụ sản xuất phân bón giả mạo nhãn hàng hóa; phạt tiền 90.600.000 đồng; tiêu hủy 2.650 kg phân bón trộn tổng hợp (phân dúi) giả nhãn hiệu, ước trị giá số phân bón giả 19.345.000 đồng.
Các hành vi vi phạm được phát hiện chủ yếu là: vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa, ghi nhãn không đủ nội dung bắt buộc theo tính chất của hàng hóa, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định; không thực hiện niêm yết giá bán hàng hóa theo quy định; xếp lẫn phân bón với hàng hóa khác; không xếp phân bón trên kệ mà để tiếp xúc trực tiếp với nền đất; kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và sản xuất phân bón giả mạo nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý.
P.V: Những kinh nghiệm rút ra qua đợt cao điểm kiểm tra lần này là gì, thưa ông?
Ông Phan Bá Hùng: Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường cũng như để ngăn chặn hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường, qua đợt cao điểm kiểm tra này, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là: Việc kiểm tra cần thực hiện vào đầu mỗi mùa vụ nông nghiệp khi mà lượng phân bón được sản xuất và nhập về dự trữ nhiều. Cần kết hợp công tác kiểm tra với công tác tuyên truyền và nên vận động các cơ sở kinh doanh ký cam kết không tiếp tay tham gia sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng, phân bón chưa qua kiểm nghiệm công bố chất lượng, không có đủ nhãn hàng hóa theo quy định, cần nghiêm chỉnh chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh phân bón.
Hai là: Cần tăng cường công tác nắm bắt thị trường, nhân mối thông tin, có biện pháp quản lý tốt hơn nữa đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón trên thị trường để kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường.
Ba là: Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lấy mẫu phân bón đối với các lô hàng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng xét nghiệm và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật, kiên quyết không để phân bón giả, kém chất lượng lưu hành trên thị trường.
Bốn là: Công tác nắm bắt địa bàn, cập nhật thông tin, trinh sát, kiểm tra phải chính xác, có trọng tâm, trọng điểm, không kiểm tra tràn lan.
Năm là: Cần khuyến cáo bà con nông dân nên ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt vì việc lạm dụng phân bón vô cơ sẽ làm ô nhiễm môi trường, nông sản không sạch và chất lượng nông sản không cao.
P.V: Xin ông cho biết về các kiến nghị, đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng phân bón?
Ông Phan Bá Hùng: Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực thi các quy định của pháp luật về quản lý mặt hàng phân bón thì việc cấp phép sản xuất phân bón cần phải được thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng, chỉ có doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng phân bón và các quy định khác theo quy định thì cơ quan có thẩm quyền mới cấp phép cho sản xuất.
Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, đề nghị các ngành chức năng, chính quyền địa phương, các nhà sản xuất chân chính cùng chung tay phối hợp tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thơm (thực hiện)
Các tin khác
YBĐT -Trong quy hoạch, tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng đến quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại. Giai đoạn 2016 - 2020 quy hoạch phát triển 5 trung tâm thương mại hạng II và III tại thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên và huyện Lục Yên.
YBĐT - Từ cuối tháng 9, do thời tiết thay đổi, một số xã trên địa bàn huyện Văn Yên đã xảy ra dịch sâu ăn lá bồ đề với tốc độ tàn phá rất nhanh. Những xã có diện tích cây bị sâu tàn phá nhiều là: Lâm Giang, An Bình, Quang Minh, Ngòi A, Lang Thíp... Riêng xã Lâm Giang, tính đến thời điểm hiện tại đã có trên 150 ha bồ đề từ 2 đến 5 năm tuổi rải rác ở các thôn bị sâu ăn trụi lá.
YBĐT - Tính đến hết ngày 30/9/2017, Chi cục Thuế huyện Trấn Yên đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách được tỉnh giao và trở thành chi cục đầu tiên của ngành thuế Yên Bái hoàn thành dự toán năm.
YBĐT - Chiều 30/10, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư Hàn Quốc về Dự án Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Yên Bái.