Nhà ông Trần Quang Khải - Trưởng thôn Khả Lĩnh nằm gần đình Khả Lĩnh giờ còn 2 cây bưởi cổ. Ông Khải kể rằng, bưởi Đại Minh từ lâu được mệnh danh là "bưởi tiến vua”.
Quả là danh bất hư truyền, bưởi Đại Minh có hương thơm đặc trưng, múi mọng nước, tôm đều và không bị khô, ăn có vị ngọt mát.
Hiện, bưởi Đại Minh được trồng ở nhiều xã, thị trấn trong huyện Yên Bình với diện tích hơn 430 ha, tập trung nhiều ở các xã Đại Minh, Hán Đà. Những năm gần đây, bưởi Đại Minh được mùa, được giá đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Theo các hộ dân thì trung bình mỗi cây bưởi cho thu về 2 triệu đồng, xét về giá trị kinh tế thì không cây trồng nào sánh bằng.
Vui cùng người trồng bưởi, tôi nhớ lại những năm tháng thăng trầm của bưởi Đại Minh. Đó là hơn chục năm về trước, khi ấy, do lối canh tác truyền thống nên nhiều vườn bưởi bị thoái hóa, năng suất, sản lượng giảm, giá rẻ như cho, hiệu quả kinh tế thấp. Diện tích bưởi Đại Minh sụt giảm nhanh chóng, nhiều vườn bưởi bị chặt bỏ để trồng chè, sắn, khoai, vùng bưởi quý có nguy cơ bị xóa sổ.
Trước thực trạng đó, năm 2007, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức khảo sát, nghiên cứu rồi tập huấn cho các hộ dân về "Quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh", bón tổng hợp cân đối các loại phân, thụ phấn nhân tạo bổ sung… Trong đó, đáng chú ý nhất là việc dùng hoa bưởi chua thụ phấn cho cây bưởi ngọt. Biện pháp thụ phấn này đã giúp vùng bưởi hồi sinh. Đặc biệt, để bưởi Đại Minh phát triển đúng với tiềm năng vốn có, tháng 9/2015,UBND huyện Yên Bình đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên cùng các nhà khoa học nghiên cứu về cây ăn quả có múi xây dựng Dự án"Tạo lập và quản lý nhãn hiệu chứng nhận bưởi Đại Minh”.
Ông Trần Quang Khải bên cây bưởi cổ hơn 100 năm tuổi.
Sau nhiều nỗ lực, tháng 12/2016, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu "Bưởi Đại Minh” cho huyện Yên Bình. Đây được xem là bước tiến mới cho sản phẩm này trên thị trường và tạo điều kiện để giống bưởi Đại Minh phát triển, mở rộng nguồn tiêu thụ sản phẩm. Không chỉ vậy, sau khi nhận giấy chứng nhận, huyện Yên Bình cũng đề cao việc quản lý chất lượng sản phẩm cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thông qua bộ nhãn hiệu, giúp người dân làm giàu từ chính giống bưởi quê hương.
Hiện tại, huyện Yên Bình không chỉ kiểm soát chặt chẽ chất lượng bưởi mà còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật. Mở các lớp tập huấn hướng dẫn người dân trong việc trồng và chăm sóc bưởi Đại Minh, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm bưởi Đại Minh.
Nhờ đó, năng suất bưởi Đại Minh hiện đạt 18 - 20 tấn/ha, thu nhập bình quân đạt 500 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt, 3 năm trở lại đây, bưởi Đại Minh liên tiếp được mùa, được giá. Bưởi Đại Minh đã trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế và làm giàu người dân.
Thôn Khả Lĩnh có 70 hộ dân thì có 66 hộ trồng bưởi. Nhà nhiều có hơn 100 gốc bưởi, nhà ít cũng có 20 - 30 gốc bưởi. Gia đình ông Nguyễn Trọng Thảo là một trong những hộ trồng bưởi tiến vua nhiều nhất trong làng.
Ông Thảo cho hay, gia đình hiện có hơn 200 gốc bưởi già, trong đó có những cây đã 60 - 70 năm tuổi, còn bưởi non thì chưa tính hết. Theo ông Thảo, bưởi phải có tuổi đời từ 10- 15 năm thì cho chất lượng tuyệt hảo. Khi bưởi to bằng nắm tay, các thương lái đã đến vườn hỏi mua. Hàng năm, ông thu từ 200 – 300 triệu đồng từ tiền bán bưởi. Anh trai ông Thảo là ông Nguyễn Khắc Hiếu cũng cả đời người gắn bó với cây bưởi.
Ông Hiếu bảo rằng, năm ông học lớp 6 đã biết trồng bưởi, đi bộ đội về tiếp tục trồng bưởi đến ngày nay. Hiện gia đình ông có gần 200 gốc bưởi quanh nhà đã cho thu hoạch. Khi tôi hỏi mua bưởi mang về làm quà, ông Hiếu bảo rằng, vườn bưởi đã được thương lái mua với giá 190 triệu đồng.
Đây là riêng ở thôn Khả Lĩnh, còn nếu tính cả xã Đại Minh và các xã trên địa bàn huyện Yên Bình thì hàng năm đem về cho người dân trên 80 tỷ đồng. Thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ tiếp tục mở rộng vùng bưởi Đại Minh với mục tiêu năm 2020 sẽ có 1.000 ha bưởi Đại Minh.
Văn Thông