An Thịnh là một xã vùng thấp của huyện Văn Yên, toàn xã có 2.357 hộ, gồm 7 dân tộc cùng chung sống ở 18 thôn, 65% đồng bào theo đạo công giáo. Trong những năm qua, cũng như nhiều địa phương khác An Thịnh cũng gặp không ít khó khăn, thiên tai, mưa lũ, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông lâm nghiệp, giá cả thị trường tăng cao, giá đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp bấp bênh...
Song dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là sự hỗ trợ của Nhà nước, cùng với sự nỗ lực của bà con nông dân đã phát huy ý chí tự lực, tự cường khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương đưa kinh tế nông nghiệp, nông thôn lên một bước mới, tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng cao, đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nông dân ngày càng ổn định và từng bước được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững.
Sản xuất nông lâm nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, từng bước đáp ứng thị trường tiêu dùng, mở rộng và hình thành mới các xưởng chế biến, tiêu thụ sản phẩm gỗ từ rừng trồng, đặc biệt là tập trung sản xuất chế biến sản phẩm quế là cây thế mạnh của vùng. Kinh tế trang trại, gia trại, hợp tác xã được người dân quan tâm đầu tư.
Từ một xã nghèo, hôm nay đời sống vật chất người dân đã có bước phát triển toàn diện, số hộ đói nghèo ngày một giảm, hộ khá giầu ngày một nhiều lên. Bà con nông dân trong xã thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng rất hiệu quả.
Trên đồng ruộng bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa gạo hàng hóa, sản xuất cánh đồng một giống lúa, trồng cây ngô đông trên đất hai vụ lúa... Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại, gia trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng. Để giúp nông dân có vốn đầu tư, phát triển sản xuất, Hội Nông dân xã thành lập các tổ vay vốn tín chấp Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Yên cho trên 1.000 lượt hộ nông dân vay với tổng dư nợ trên 26 tỷ đồng. Trong đó Hội Nông dân trực tiếp theo dõi và quản lý trên 8 tỷ đồng.
Đặc biệt, thực hiện Chương trình dự án "Nuôi trâu cái sinh sản” từ quỹ Hỗ trợ Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân xã đã cho 25 hộ hội viên nông dân tham gia dự án với tổng số tiền 750 triệu đồng. Đến nay, số trâu đã sinh sản được là 15 con, góp phần tăng thu nhập cho gia đình, nhiều hộ đã thoát nghèo như hộ ông bà Văn Thông ở thôn Khe Cỏ, ông Đinh Ngọc Tám ở thôn Cây Đa, bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Gốc Nụ…
Bên cạnh việc khuyến khích hội viên sản xuất kinh doanh giỏi, Hội còn vận động các hội viên sản xuất kinh doanh giỏi giúp đỡ tạo công ăn việc làm cho hội viên nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Từ các phong trào của Hội Nông dân, đến nay toàn xã đã có 53 mô hình trang trại, gia trại cho hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững.
Từ một hộ nghèo, gia đình anh Hoàng Văn Thượng ở thôn Làng Lớn phát triển kinh tế với mô hình VAC đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4, 5 lao động bình quân mỗi tháng thu nhập từ 4 triệu đồng/ người/tháng; hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dương ở thôn Đại An với ngành nghề chế biến gỗ rừng trồng đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng/người/ tháng...
Không chỉ phát triển kinh tế, người dân còn hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nhân dân đóng góp hàng tỷ đồng và hiến hàng ngàn mét vuông đất thổ cư, đất vườn tạp làm giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến nay An Thịnh đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Kết quả trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi của nông dân xã An Thịnh đã thực sự trở thành tâm điểm trong phát triển kinh tế, xã hội và làm thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định trong phát triển kinh tế địa phương tạo, tiền đề vững chắc góp phần xây dựng An Thịnh thành xã nông thôn mới bền vững.
Ngọc Trúc