Là xã vùng thấp của huyện Yên Bình song xã Bạch Hà lại có địa hình rất đặc biệt bởi có dãy núi Là cao 958 m so với mặt biển và núi Yến bao bọc. Đồng đất và tiểu khí hậu nơi đây rất phù hợp cho việc sản xuất lúa gạo, đặc biệt là các giống lúa thơm. Chẳng thế mà từ thế kỷ trước, Bạch Hà đã nổi danh có gạo thơm ngon được truyền tụng trong câu ca: "Cơm làng Má, cá Đào Kiều - gạo Bạch Hà, gà Linh Môn”.
Để nâng tầm giá trị, phát triển sản phẩm một cách bền vững, huyện Yên Bình đã và đang phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa và nỗ lực xây dựng Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà.
Gia đình bà Hà Thị Luyến, thôn 5 Hồ Sen là gia đình có truyền thống trồng giống lúa đặc sản với diện tích trên 4.000 m2. Trước đây, gia đình bà chỉ trồng giống lúa thuần nhưng khi nhận thấy giống lúa Chiêm hương chất lượng ngon, giá trị cao hơn hẳn giống lúa thuần nên bà đã chuyển tất cả diện tích của gia đình sang trồng lúa gạo Chiêm hương.
Bà cho biết: "Chiêm hương là giống lúa thơm nên rất hay bị sâu bệnh, do đó, đòi hỏi người trồng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Với yêu cầu cao như thế nên chúng tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc giống lúa đặc sản do địa phương tổ chức. Một năm, gia đình tôi thu hoạch 2 lần vào tháng 3 và tháng 9 âm lịch, giá bán trung bình vụ mùa là 16.000 đồng/kg; lúc giá cao nhất lên tới 18.000 đồng/kg. Mỗi khi đến vụ thu hoạch là các thương lái ở trong tỉnh cũng như các địa phương khác như: Lào Cai, Sơn La, Hà Nội lại đến mua. Thu nhập từ lúa gạo đặc sản mang về cho gia đình trên 60 triệu đồng/năm”.
Vẫn là giống lúa Chiêm hương nhưng giá gạo ở đây cao hơn ở những nơi khác song vẫn không đủ cung cấp cho những người sành ăn. Bởi những người đã ăn thử gạo Bạch Hà rồi thì cứ như bị "nghiện” thứ gạo hạt nhỏ, trắng trong, dẻo, có mùi thơm nhè nhẹ, càng ăn càng cảm nhận được vị đậm ấy.
Với ưu điểm và chất lượng vượt trội như vậy nên gạo Bạch Hà đã và đang ngày càng khẳng định được vị trí và uy tín. Ông Phạm Đình Huân - Bí thư Đảng ủy xã Bạch Hà cho biết: "Lúa gạo Bạch Hà được sản xuất theo phương thức truyền thống, hầu như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì cây lúa phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cho chất lượng thơm ngon.
Sản lượng lúa của toàn xã đạt trên 1.500 tấn/năm, đảm bảo lượng lương thực cho 4.091 nhân khẩu của xã, đồng thời mỗi năm còn dư thừa khoảng trên 550 tấn thóc bán ra thị trường (quy ra diện tích khoảng 50 ha/vụ để phát triển sản xuất hàng hóa). Nhiều hộ dân trong xã đã tính toán cân đối diện tích sản xuất lúa đảm bảo lương thực cho gia đình và bố trí diện tích dư thừa gieo cấy các giống lúa thơm để xuất bán trao đổi hàng hóa vào dịp tết.
Bởi vậy, những năm gần đây đã bắt đầu hình thành các khu đồng sản xuất lúa thơm chất lượng cao tại các thôn: Gò Chùa, Hồ Sen, Phai Thao, Hàm Rồng, Ngọn Ngòi với quy mô khoảng 10 - 15 ha/vụ. Gạo Bạch Hà đã trở thành niềm tự hào của bà con nơi đây bởi tính riêng biệt và hương vị đặc trưng do trồng đúng cách trên đồng đất quê hương”.
Cuối tháng 9/2014, sản phẩm đặc sản gạo Bạch Hà của Hợp tác xã Bạch Hà đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2014 đã giúp thương hiệu gạo đặc sản Bạch Hà bay đi xa hơn.
Để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết được gạo thơm Bạch Hà với các loại gạo khác, huyện Yên Bình đã phối hợp với xã Bạch Hà để xây dựng Nhãn hiệu tập thể "Gạo Bạch Hà” cho sản phẩm gạo của xã Bạch Hà với thời gian thực hiện từ tháng 3/2017 đến tháng 12/2018, đây là việc làm phù hợp với chủ trương và chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển thương hiệu truyền thống của địa phương.
Từ đó, hương gạo Bạch Hà thơm ngon được kết tinh từ nắng gió thiên nhiên và bàn tay, trí óc con người ở mảnh đất nổi tiếng có dãy Núi Là sẽ được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn nữa, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.
Thanh Chi