Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hội CCB xã Thượng Bằng La cho biết: "Cây cam bắt đầu đưa vào trồng trên đất Thượng từ cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Do hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cây phát triển tốt, chất lượng quả sai, ngọt. Chính từ hiệu quả này nên trong khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào trồng cây ăn quả có múi trong hội viên CCB trong xã bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Nhà nào ít thì có khoảng 1 ha, nhà nhiều nhất cũng phải 7 – 8 ha. Không chỉ phát triển diện tích cam đường canh, quýt sen, cam sành, nhiều hội viên còn "đi trước đón đầu” trồng thêm cam chín sớm CS1 để tăng thu nhập ngay từ đầu vụ”.
Gia đình CCB Nguyễn Hữu Chảng ở thôn 4, xã Thượng Bằng La vừa bán gọn hơn 7 tấn cam chín sớm với giá bán ngay tại vườn 14.500 đồng/kg, thu về hơn 100 triệu đồng. Ngay khi thu xong vụ cam chín sớm, ông lại bắt tay vào việc vun gốc, bón phân cho toàn bộ diện tích vừa khai thác, đồng thời tiếp tục bán hơn 1 tấn quýt sen trong vườn.
Hiện tại, gia đình ông đang sở hữu 1,2 ha cam 4 năm tuổi gồm cam chanh, quýt sen và cam đường canh. Tuy là người đi sau nhưng ông chủ động học tập, trao đổi kinh nghiệm, rất chú trọng đến việc đầu tư chăm sóc, thâm canh. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao và thương lái đến thu mua róc ngay tại vườn.
"Với hơn 40 gốc cam đường canh còn lại, gia đình tôi sẽ dự kiến thu khoảng 5 tạ quả nữa. Vừa rồi, tôi đầu tư mua thêm 20 tấn phân chuồng để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho toàn bộ diện tích cam của gia đình, để sang năm cây sẽ sai quả hơn” - ông Chảng phấn khởi chia sẻ.
Ông Nguyễn Hữu Chảng chỉ là một trong số những hội viên CCB của xã có thu nhập ổn định từ cây cam. Phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ”, hội viên CCB Thượng Bằng La đã tích cực học tập, tham quan các mô hình tốt, hiệu quả kinh tế, để áp dụng vào thực tế của gia đình. Trong tổng số 425 hộ hội viên, Thượng Bằng La có đến 82 gia đình hội viên CCB lựa chọn gắn bó với cây cam để thay đổi cuộc sống.
Trong đó, có 35 hộ hội viên thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm, 8 hộ hội viên thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Điển hình là các hội viên: Trần Ngọc Bích, Hà Đình Dế ở thôn Thiên Tuế với thu nhập một năm đạt từ 700 - 800 triệu đồng...
Có thể nói, cây cam đã thực sự trở thành cây kinh tế, góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập không chỉ trong hội viên CCB mà còn của đông đảo người dân đất Thượng. Nếu như ở nhiệm kỳ trước, xã có 30 gia đình hội viên nghèo thì đến hết tháng 10 năm nay, chỉ còn 10 hộ. Điều này, càng khẳng định hướng đi đúng của Hội CCB xã Thượng Bằng La trong việc triển khai phong trào phát triển kinh tế.
Nhận thức rõ hiệu quả kinh tế từ trồng cam, Hội CCB xã Thượng Bằng La tiếp tục xác định đây là cây trồng chủ lực trong chuyển dịch kinh tế và vận động hội viên rà soát quỹ đất, chuyển đổi các diện tích vườn tạp và các diện tích cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cam. Tuy nhiên, không tiến hành trồng ồ ạt mà lựa chọn loại giống năng suất, chất lượng, giá thành cao. Đặc biệt, chủ động trồng thay thế những diện tích già cỗi, kém hiệu quả, kịp thời trồng bổ sung, thay thế bằng những giống cam mới, từ đó nâng cao thu nhập, giúp hội viên ngày càng bản lĩnh trên mặt trận phát triển kinh tế.
Thanh Huyền (Đài TT-TH Văn Chấn)