Nông dân Mỏ Vàng giàu lên từ quế

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/12/2017 | 8:04:01 AM

YBĐT - Là xã vùng đặc biệt khó khăn, ruộng nước ít song bình quân mỗi năm xã Mỏ Vàng đã trồng mới trên 140 ha quế. Có gia đình thu 5 tỷ đến 6 tỷ đồng tiền quế/năm như nhà ông Đặng Nho Quyên, thôn Thác Cá.

Lãnh đạo xã Mỏ Vàng trao đổi với người dân về lưu giữ nguồn gien quế giống.
Lãnh đạo xã Mỏ Vàng trao đổi với người dân về lưu giữ nguồn gien quế giống.

 Với đặc thù xã vùng đặc biệt khó khăn, diện tích ruộng nước chỉ hơn 130 ha canh tác 2 vụ, song xã Mỏ Vàng, huyện Văn Yên có lợi thế về đất rừng, lại nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện.

Xác định quế là cây trồng chủ lực để góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhiều năm qua, Mỏ Vàng đã vận động nhân dân mở rộng diện tích quế. Bình quân mỗi năm xã trồng mới trên 140 ha quế, đến nay tổng diện tích quế toàn xã tăng lên trên 4.600 ha, trong đó trên 50% diện tích đến kỳ khai thác, mỗi năm xuất bán ra thị trường từ 600 - 800 tấn vỏ quế các loại, thu về hàng chục tỷ đồng. Cây quế có mặt ở  11/11 thôn, bản của xã. Quế Mỏ Vàng đã được khẳng định vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng. Nhờ quế mà nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu, giá trị kinh tế từ cây quế mang lại đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn gần 47% năm 2017, hộ khá giàu cũng tăng lên đáng kể.

Hai bên đường vào thôn Thác Cá, Cánh Tiên 1... đâu đâu cũng bạt ngàn quế. Những ngôi nhà xây khang trang trị giá cả tỷ đồng ngày một nhiều, từ cây quế, nhiều hộ đã xây dựng được nhà cửa khang trang, sắm sửa các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, nhiều hộ còn mua ô tô tiền tỷ để phục vụ sinh hoạt gia đình. Gia đình ông Đặng Nho Quyên, thôn Thác Cá  là một điển hình.
 
Là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em, lập gia đình ông được bố mẹ chia cho ít ruộng nước để canh tác, thấy đất hoang nhiều, ông đã chọn những mảnh nương hoang gần nhà để trồng quế; sau lại nhận thêm đất Nhà nước giao để mở rộng diện tích. Từ 2 ha quế ban đầu, đến nay gia đình ông đã có trên 60 ha quế. Vừa làm quế của gia đình, ông còn thu mua quế tươi của các hộ trong thôn về sơ chế, bán lại cho các thương lái, bình quân mỗi năm gia đình ông thu về trên 3 tỷ đồng tiền quế. Vụ quế năm 2016, gia đình ông thu về trên 5 tỷ đồng, dự kiến năm nay thu khoảng 6 tỷ đồng tiền quế.
 
Gia đình ông Hoàng Phúc Lý, thôn Thác Cá cũng là một điển hình trồng quế. Từ vài héc-ta quế ban đầu, đến nay gia đình ông đã có gần 20 ha quế từ 1 – 20 năm tuổi. Với khí hậu thổ nhưỡng phù hợp trồng quế nên chỉ sau 3 năm gia đình ông tỉa bớt những diện tích mới trồng để bán cho các cơ sở chế biến, những diện tích đã đến tuổi khai thác sẽ tận thu để trồng mới. Bình quân mỗi năm bán tỉa, gia đình ông cũng thu về gần 500 triệu đồng. Gia đình ông Đặng Nho Vượng ở thôn Cánh Tiên 1 từng là hộ nghèo nhất nhì của thôn. Vậy mà từ khi chuyên canh quế, gia đình ông đã khá lên trông thấy.
 
Với 20 ha quế từ 1 – 20 năm tuổi, khi có việc lớn ông mới khai thác trắng, còn bình quân mỗi năm bán tỉa cũng thu về vài trăm triệu đồng. Không chỉ có gia đình ông Quyên, ông Lý, ông Vượng mà trên 953 hộ dân trồng quế ở Mỏ Vàng đã có tới nửa số hộ vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ còn giàu lên từ cây quế với mức thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí là vài tỷ đồng mỗi năm.

Ông Trần Tuấn Anh – Phó Chủ tịch UBND xã Mỏ Vàng cho biết: "Để tiếp tục nâng cao vị thế cây quế, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc, khai thác sản phẩm quế, xã tiếp tục vận động nhân dân duy trì và bảo tồn 3 ha quế giống tại thôn Thác Cá để lưu giữ nguồn gien quế phục vụ cho nhu cầu phát triển cây giống của địa phương, đồng thời khuyến khích người dân đầu tư thâm canh mở rộng diện tích trồng quế, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn cây giống. Xã cũng vận động nhân dân hình thành nhóm, tổ hợp tác xã để chế biến các sản phẩm từ quế ngay tại địa phương, tạo việc làm cho lao động và đóng góp ngân sách cho xã. Trước mắt, tuyến đường An Thịnh - Bản Hẻo chưa hoàn thành nên sản phẩm từ quế cũng bị tư thương ép giá, khi tuyến đường hoàn thành, vị thế cây quế cũng như giá trị kinh tế từ cây quế mang lại chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều”. 
 
Lê Thanh

Các tin khác
Tổng sản lượng lương thực có hạt là một trong những chỉ tiêu vượt cao của thị xã Nghĩa Lộ. (Trong ảnh: Nông dân xã Nghĩa Lợi thu hoạch lúa mùa).

YBĐT - Vượt qua những khó khăn thách thức, đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã thực hiện hoàn thành 24/28 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội theo Nghị quyết HĐND thị xã năm 2017 giao; trong đó, 8 chỉ tiêu vượt, 16 chỉ tiêu đạt và 4 chỉ tiêu không đạt.

Từ mô hình kinh tế tổng hợp, bà Dương Thị Lan - thôn Bản Tại, xã Tân Lập (Lục Yên) đã vươn lên trở thành tỷ phú.

YBĐT - Là xã 135 của huyện Lục Yên, với 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, những năm gần đây hội viên nông dân xã Tân Lập đã đẩy mạnh phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh, doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và thoát nghèo bền vững", qua đó xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế đáng để học tập.

Lãnh đạo và cán bộ Điện lực Yên Bình chia sẻ niềm vui có điện thắp sáng với người dân thôn 1 - Ngòi Di, xã Yên Thành.

YBĐT - Xác định chú trọng phát triển và từng bước cải thiện chất lượng lưới điện nông thôn, đến nay, Công ty Điện lực Yên Bái (PC Yên Bái) đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia tới 100% xã, thị trấn và 98% số hộ dân trong tỉnh.

Công nhân Điện lực Lục Yên kiểm tra các thiết bị an toàn lao động.

YBĐT - Một trong những biện pháp nhằm hạn chế tai nạn lao động xảy ra do lỗi chủ quan của con người là công tác quản lý, sử dụng các thiết bị ngành điện luôn được thực hiện nghiêm ngặt. Các thiết bị xe cẩu, cầu trục, thang máy, bình chịu áp lực, bình khí… được kiểm tra thường xuyên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục