Chỉnh trị tổng thể suối Thia: Không còn nỗi lo sạt lở

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2018 | 7:21:49 AM

YBĐT - Được thực hiện trong 3 năm, khi hoàn thành, Dự án chỉnh trị suối Thia  sẽ góp phần ổn định đời sống cho trên 2.200 hộ dân gần các vị trí sạt lở, bảo vệ trực tiếp cho gần 400 ha đất sản xuất nông nghiệp. 

Đoàn công tác của tỉnh cùng các đơn vị tư vấn, thiết kế kiểm tra khu vực suối Thia, đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ.
Đoàn công tác của tỉnh cùng các đơn vị tư vấn, thiết kế kiểm tra khu vực suối Thia, đoạn qua thị xã Nghĩa Lộ.


Trận mưa lũ lịch sử tháng 10/2017, địa bàn thị xã Nghĩa Lộ phải hứng chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và tài sản, với 7 người chết, mất tích và bị thương; 638 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 16 nhà bị lũ cuốn trôi, sập đổ; 5.060 mét đường giao thông hư hỏng nặng. Đặc biệt, mưa lũ đã làm các công trình kè, thủy lợi bị sạt lở 13 điểm với tổng chiều dài 4.670 mét.

Trong đó, kè suối Thia bị sạt lở 5 điểm với chiều dài trên 2.070 m; kè suối Nung sạt lở 6 điểm với chiều dài 2.500 và kè suối Nậm Tộc sạt lở 2 điểm với chiều dài 100 mét. Ông Chu Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: việc sạt lở hệ thống các kè suối, nhất là kè suối Thia đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân. Nếu hệ thống kè không được sửa chữa, gia cố kịp thời thì nhiều hộ dân của thị xã Nghĩa Lộ sẽ bị ảnh hưởng khi mùa mưa lũ năm 2018 đang đến gần. Tuy nhiên, việc khắc phục các công trình hạ tầng như hệ thống kè suối Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc và cầu Thia  đòi hỏi sự đầu tư lớn. Thị xã mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, của tỉnh để khẩn trương khắc phục thiệt hại các công trình, nhất là các đoạn kè trên các suối ở Nghĩa Lộ.

Không chỉ thị xã Nghĩa Lộ mà cuộc sống của các hộ dân hai huyện Văn Chấn, Trạm Tấu cũng bị ảnh hưởng do sạt lở kè suối Thia. Khu vực kè suối Thia qua thôn Bản Khem, Bản Bát, xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn bờ kè bị sập đổ mái bê tông; khu vực thôn Cầu Thia, xã Phù Nham cùng huyện Văn Chấn kè bờ phải bị sập toàn bộ và lũ cuốn trôi, dòng chảy lấn sâu vào khu dân cư 50 m, có nguy cơ ảnh hưởng đến 300 hộ dân khi mưa lũ đổ về.

Trước thực trạng đó, để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra và có phương án chỉnh trị suối Thia một cách hiệu quả nhất, UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành chức năng lập Dự án chính trị tổng thể khu vực suối Thia bao gồm cả khu vực nhập dòng, phân dòng của suối Thia do Liên danh Công ty TNHH Tư vấn trường Đại học Thủy Lợi và Công ty TNHH Tư vấn thiết kế xây dựng Yên Bái thực hiện. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 600 tỷ đồng, thời gian thực hiện Dự án là 3 năm. Sau khi dự án hoàn thành sẽ góp phần đảm bảo ổn định lưu vực suối Thia, bảo vệ tính mạng, tài sản, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân và công trình hạ tầng.
 
Kỹ sư Lê Đình Vinh - Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi, Chủ nhiệm Dự án cho biết: "Đây là công trình có quy mô lớn được thực hiện trên các dòng suối có chế độ dòng chảy phức tạp, không ổn định. Do vậy, chúng tôi đã xin ý kiến các chuyên gia tư vấn tham gia vào Dự án để đảm bảo tính khả thi và độ bền vững cho công trình thuộc dự án chỉnh trị sau khi thi công, đáp ứng các mục tiêu của Dự án đề ra, giúp phát triển bền vững cơ sở hạ tầng, ổn định đời sống nhân dân. Qua nghiên cứu thực địa, chúng tôi đã đề xuất các giải pháp chỉnh trị để đảm bảo tính ổn định của kè mái, tính toán kỹ thủy văn, thủy lực để đưa ra phương pháp chỉnh trị cao nhất; tính toán kỹ về hiện trạng, hệ số thủy lực và giải pháp kết cấu; quy hoạch chỉnh trị và phân kỳ đầu tư. Cùng với đó là xem xét tác động của dự án đối với các quy hoạch về đô thị, giao thông và thanh thải dòng chảy, gia cố hai bên bờ suối Thia”.

Dự án chỉnh trị suối Thia được thực hiện trong 3 năm. Trong đó, giai đoạn 1 được triển khai thi công trong năm 2018 để xử lý 4 vị trí cấp bách trên suối Thia tại khu vực tổ 1, phường Cầu Thia, thị xã Nghĩa Lộ và khu vực thôn Cầu Thia, xã Phù Nham, huyện Văn Chấn; 1 vị trí sạt lở cấp bách trên suối Nung thuộc tổ 22, phường Pú Trạng, thị xã Nghĩa Lộ; sửa chữa chân kè  và làm dầm khóa tại 11 vị trí.
 
Hiện nay, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái đã tổ chức lựa chọn xong nhà thầu xây lắp thực hiện các gói thầu giai đoạn 1 và đang bàn giao mốc, tim tuyến để triển khai thi công.

Dự án chỉnh trị suối Thia khi hoàn thành sẽ góp phần ổn định đời sống cho trên 2.200 hộ dân gần các vị trí sạt lở, bảo vệ trực tiếp cho gần 400 ha đất sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, dự án hoàn thành tạo nên một mạng lưới giao thông đồng bộ, kết nối các xã dọc theo khu vực suối Thia, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển và hơn hết người dân sống gần khu vực suối Thia sẽ không còn nỗi lo sạt lở mỗi khi mưa lũ ập về.

Hà Anh

Các tin khác
Nút giao IC12 kết nối thành phố Yên Bái với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

YBĐT - Các tuyến đường bộ từng bước được cải tạo, nâng cấp cùng với vận tải đường sắt, đường thủy bước đầu hình thành mạng lưới giao thông vận tải tương đối đồng bộ, đặc biệt là các công trình vượt sông, suối trên các tuyến đã cơ bản được xây dựng.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn internet)

Bộ Y tế vừa ra Quyết định 2318/QĐ-BYT công bố thủ tục hành chính (TTHC) mới ban hành/bị bãi bỏ lĩnh vực an toàn thực phẩm và dinh dưỡng thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ này.

Bộ Công an yêu cầu tổng kiểm tra, rà soát trên toàn quốc, đánh giá, điều tra cơ bản điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý.

Ngày 10/4, Bộ trưởng Bộ Công an ký ban hành Công điện gửi thủ trưởng các tổng cục, bộ tư lệnh, đơn vị trực thuộc Bộ; giám đốc công an, cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PCCC) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Vinaphone tại Yên Bái bố trí người làm việc, trực tất cả các ngày trong tuần để tiếp nhận và hỗ trợ khách hàng cập nhật thông tin cho khách hàng.

YBĐT - Trung tâm Kinh doanh VNPT Yên Bái cho biết đang đẩy mạnh việc hoàn thiện thông tin đối với các thuê bao Vinaphone trả trước theo Nghị định 49 của Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục