Triển vọng nuôi ong mật chất lượng cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/4/2018 | 8:32:29 AM

YBĐT - Năm 2017, có sự hỗ trợ kinh phí của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND phường Yên Thịnh, phường Hợp Minh của thành phố Yên Bái lựa chọn 10 hộ tham gia triển khai thực hiện Dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên”. Thời gian thực hiện mô hình kéo dài 10 tháng, từ tháng 3 đến hết tháng 12/2017.

Lãnh đạo UBND phường Hợp Minh, Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái thăm một hộ nuôi ong của Dự án.
Lãnh đạo UBND phường Hợp Minh, Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái thăm một hộ nuôi ong của Dự án.

Áp dụng khoa học kỹ thuật

Có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi ong, ông Lê Xuân Chỉnh ở tổ 4, phường Hợp Minh thường xuyên duy trì từ 10 - 15 đàn ong. Ông đã được nhận hỗ trợ 20 đàn ong giống nội Apis Cerana và 20 kg đường kính Lam Sơn loại 1 khi tham gia Dự án cùng 4 hộ khác trên địa bàn phường. Ông Chỉnh cho biết: "Đàn ong giống của Dự án cấp, tôi thấy có chất lượng tốt, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng”.
 
Trước chủ yếu làm theo kinh nghiệm, tự mày mò tìm hiểu và học hỏi thêm từ những người khác, nay ông thật sự được mở mang kiến thức sau lớp tập huấn kĩ thuật nuôi ong của Dự án, nhất là trực tiếp gặp gỡ, chia sẻ kiến thức với những người nuôi ong nhiều, nuôi ong giỏi.
 
Nuôi ong theo Dự án, ông nhận ra trước đó bản thân mình chỉ là nuôi để đấy, không hiểu rõ, không kiểm tra nên đói cũng không biết để mà cho ăn. Nhờ được kiểm tra thường xuyên, đàn ong được cho ăn tốt hơn, cách cho ăn lúc đói như thế nào cho hiệu quả hơn. Kĩ thuật nuôi ong mật chất lượng cao theo hướng an toàn VietGAP đã giúp ông nắm vững cách chọn nơi đặt ong, chọn giống, chăm sóc nuôi dưỡng rồi kiểm tra, di chuyển đàn, nhân đàn, khai thác mật, chế biến, bảo quản…

Là một trong năm hộ tham gia Dự án của phường Yên Thịnh, ông Trần Đức Thắng ở tổ 30 đã có 25 năm nuôi ong. Qui mô đàn ong được ông duy trì khoảng 100 đàn dù liên tục nhân đàn, tách đàn, bán giống. Hào hứng với Dự án này bởi ông thấy mình được thúc đẩy thêm tình yêu, niềm say mê với nghề nuôi ong qua việc được hỗ trợ về giống, về thức ăn. Theo chia sẻ của ông, việc mỗi ngày gần gũi, tìm hiểu về con ong là tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm quí báu và dường như chưa bao giờ đầy đủ.
 
"Dự án mang tầm quốc gia, tài liệu Dự án cấp có sự bao quát và tổng hợp thực tế vô cùng rộng, sinh động. Những điều đã tự chắt lọc suốt bao năm qua lại được tiếp tục thông suốt từ Dự án đã bổ sung, làm đầy thêm kiến thức của tôi. Phải nói là rất bổ ích và thú vị lắm!” - ông Thắng bày tỏ.
 
Kiến thức từ lớp tập huấn nuôi ong hết sức thiết thực và cụ thể như loại cây nào và loại hoa nào tiết mật nhiều nhất và cho phấn nhiều nhất, thuốc chữa bệnh cho ong nên chọn loại gì và cách dùng ra sao… Quy trình nuôi ong mật theo Dự án đòi hỏi người nuôi phải đáp ứng theo các yêu cầu khắt khe đối với môi trường, nước sạch, chăm sóc, quay mật…

Hiệu quả thiết thực, rõ nét

Ông Lê Biên Giới - Phó Chủ tịch UBND phường Hợp Minh đánh giá sau 10 tháng tham gia Dự án: "Trước hết, đây là một mô hình mới, người nuôi ong từ tập quán sản xuất chủ yếu theo kinh nghiệm đã nắm vững khoa học kĩ thuật. Người nuôi ong làm chủ được kĩ thuật trở nên tự tin, chủ động, hiệu quả sản xuất cũng nâng cao”.
 
Thực tế cả 10 hộ được lựa chọn tham gia Dự án đều là những người đã nuôi ong, nhất là có sự tâm huyết làm nghề. Quá trình thực hiện mô hình, người nuôi ong nhận thấy rõ sự bổ trợ giữa lí thuyết, kĩ thuật với kinh nghiệm, thực tế.
 
Nói như ông Trần Đức Thắng ở tổ 30, phường Yên Thịnh: "Các tài liệu tập huấn do Dự án cung cấp đã mở ra, giải thích, làm rõ hơn mọi vấn đề liên quan đến con ong. Mặt khác, thực tế nuôi ong qua nhiều năm giúp tôi có thêm các dữ liệu thuyết minh sinh động cho những lí thuyết khoa học này”.
 
Tổng kết 10 tháng thực hiện mô hình, kết quả rất khả quan. Khó khăn nhất khi thời tiết năm 2017 mưa nhiều nắng ít, không thuận lợi để ong đi khai thác mật, phấn. Tuy thế, điều quan trọng là nhận thức của các hộ chăn nuôi đã nâng cao thông qua các chỉ tiêu cụ thể về giống, vị trí đặt thùng ong, thức ăn, vệ sinh thú y và phòng bệnh, chăm sóc nuôi dưỡng, sổ sách ghi chép.
 

Vườn cây ăn quả của gia đình ông Trần Đức Thắng ở tổ 30, phường Yên Thịnh năm nào cũng trĩu quả nhờ đàn ong thụ phấn cho hoa. 

Với 200 đàn ong giống được Dự án hỗ trợ ban đầu, trị giá 1.550.000 đồng/đàn, các hộ đã chăm sóc, nuôi dưỡng theo đúng qui trình kĩ thuật nên sinh trưởng, phát triển tốt, hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy, khả năng sản xuất của đàn ong đạt số lần khai thác bình quân 11,7 lần, năng suất mật đạt 18,28 kg/đàn/năm, chất lượng mật đảm bảo không tồn dư chất kháng sinh. Trung bình một đàn ong của mô hình cho năng suất mật cao hơn so với ngoài mô hình là 2,28 kg/đàn/năm, tương ứng tỉ lệ 15,2% và 342.000 đồng. Cũng từ 200 đàn ong giống ban đầu, các hộ đã nhân lên thêm 200 đàn nữa.
 
Ông Nguyễn Quốc Huy - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái khẳng định: "Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình nuôi ong mật chất lượng cao còn đem đến hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường và làm tăng năng suất cây trồng vì tăng khả năng thụ phấn cho cây, nhất là các loại cây ăn quả”. Điều này cũng được bà Trịnh Thu Thủy - vợ ông Lê Xuân Chỉnh phấn khởi cho hay: "Nuôi ong, nhà bỏ hết các loại thuốc phun cho chè, cho nhãn, cho vải… Môi trường ngày càng trong lành và sạch tinh, con người thì càng thấy an tâm và khỏe khoắn”.

Khơi mở một số vấn đề

Có nhiều diện tích rừng trồng bên cạnh rừng tự nhiên, các loại cây ăn quả, cây dược liệu với nguồn hoa đa dạng như hoa nhãn, vải, quất hồng bì, keo, bồ đề, phấn ngô, lúa... chính là tiềm năng, thế mạnh để người dân Yên Bái khai thác và phát triển nghề nuôi ong. Tổng đàn ong toàn tỉnh năm 2017 có hơn 20.000 đàn, nhiều nhất huyện Mù Cang Chải trên 5.000 đàn, còn lại phân bố đều khắp 8 huyện, thị, thành. Khoảng 340.000 kg mật thu được mỗi năm, giá bán 180.000 - 200.000 đồng/lít, người nuôi ong có nguồn thu lớn. Mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ đã mở ra cơ hội cho người nuôi ong tiếp cận kĩ thuật mới, sản xuất an toàn theo VietGAP, năng suất và chất lượng mật ong đều tăng.
 
Ông Lê Biên Giới - Phó Chủ tịch UBND phường Hợp Minh khẳng định: "Dù chưa có cơ chế hỗ trợ nhưng chúng tôi luôn lồng ghép tuyên truyền qua các hội nghị, cuộc họp để người dân tiếp cận mô hình mới”. Nhìn theo góc độ khác: "Vốn đầu tư không lớn, kĩ thuật có thể học hỏi, thời gian cho thu nhập nhanh, nuôi ong mở một hướng đi để các địa phương quan tâm đầu tư xóa đói giảm nghèo” là quan điểm của ông Trần Đức Thắng.
 
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020” gắn với xây dựng nông thôn mới, nghề nuôi ong sẵn có tiềm năng để khai thác, nhân rộng, sản xuất hàng hóa tập trung chất lượng cao.
 
Tuy nhiên không phải thuận lợi hoàn toàn như ông Nguyễn Quốc Huy - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thành phố Yên Bái trao đổi: "Khó khăn ở chỗ chưa có nhiều người dân quan tâm nuôi ong theo hướng VietGAP. Khó khăn nữa là việc bao tiêu, giới thiệu sản phẩm, hiện nay người chăn nuôi vẫn vừa sản xuất vừa tự tìm thị trường”.
 
Như vậy, để tiềm năng và thế mạnh trở thành giá trị và hiệu quả kinh tế, ngay từ bây giờ, quan tâm xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, xây dựng thương hiệu đối với nghề nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ ở Yên Bái không còn là sớm nhưng cũng chưa là muộn.
 
Ông An Lê Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Phụ trách Dự án "Xây dựng mô hình nuôi ong mật chất lượng cao trong nông hộ tại các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên” của tỉnh Yên Bái cho rằng: "Cần có qui hoạch chung tổng thể, sự quan tâm đúng mức của các ngành chức năng, các địa phương cùng ý thức chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAP của người dân với nghề nuôi ong mật chất lượng cao”.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Phối cảnh khu đô thị mới tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn thì nguồn thu từ sử dụng đất có ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách. 

Cơ quan chuyên môn kiểm tra tiến độ làm đường bê tông tại xã Tân Nguyên.

YBĐT - Qua các đợt phát động làm đường giao thông năm 2017 đã có hơn 300 hộ gia đình tự nguyện hiến trên 10.000 m2 đất, trong đó có nhiều hộ đã tự nguyện phá bỏ tường rào xây kiên cố, hiến hàng trăm mét vuông đất để mở rộng lòng đường. 

Thông qua chính sách chi trả DVMTR, rừng trên địa bàn huyện Văn Chấn được quản lý, bảo vệ tốt hơn.

YBĐT - Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã huy động được các nguồn lực xã hội bổ sung nguồn tài chính tham gia bảo vệ rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng, góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống cho gần 2.500 hộ với số tiền trung bình 1,62 triệu đồng/năm.

Khách hàng đến đăng ký thông tin thêu bao di động tại điểm giao dịch của Mobifone khu vực phố Xã Đàn.

Trước câu hỏi liệu sau ngày mai (24/4), thuê bao di động chưa hoàn thành việc cập nhật, bổ sung thông tin theo quy định thì có bị cắt liên lạc hay không, chiều 23/4, Cục Viễn thông (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đã chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục