Thực tế cho thấy, trồng dâu nuôi tằm có hiệu quả khá cao, phù hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, lao động trên địa bàn. Nhờ vậy, đến nay, việc trồng dâu nuôi tằm được phát triển mở rộng, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị trên thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định và làm giàu cho nông dân. Quan trọng hơn, trồng dâu nuôi tằm còn góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện.
Hiện, toàn huyện có gần 350 ha dâu tằm. Những xã trồng nhiều dâu nhất và thu nhập khá từ trồng dâu nuôi tằm gồm: Tân Đồng trên 100 ha, Việt Thành 80 ha, Báo Đáp 60 ha...
Tân Đồng là xã vùng sâu, vùng xa và đời sống nhân dân rất khó khăn, nhưng từ khi tập trung chuyển đổi đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm nay đã trở thành nghề với 265 hộ dân tham gia, sản lượng kén hàng năm bán ra thị trường trên 130 tấn, giá trị kinh tế mang lại đạt trên 20 tỷ đồng.
Nghề trồng dâu nuôi tằm đã và đang góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tân Đồng, Báo Đáp, Việt Thành là những xã đầu tiên của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và không chỉ cơ sở hạ tầng được xây dựng đáp ứng cho phát triển mà cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch đúng hướng.
Trong đó, không thể không kể đến cây dâu, con tằm, bởi đây đang là cây, con chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Trồng dâu nuôi tằm giờ không vất vả như xưa, bởi được áp dụng khoa học, kỹ thuật, các công đoạn sản xuất được chuyên môn hóa cao.
Bà Lê Thị Lợi là một trong những hộ trồng dâu, nuôi tằm có thâm niên ở thôn 12 xã Báo Đáp phấn cho hay: "Nuôi tằm vất vả nhất là những ngày chúng ăn rỗi. Đây là thời điểm gia đình phải thuê nhân công hoặc làm đổi công hái dâu, còn khi tằm đã lên né thì nhàn rỗi. Trước đây, chúng tôi nuôi tằm từ công đoạn ươm trứng, nhưng nay công đoạn này do tổ hợp tác chuyên ươm nuôi tằm con cung cấp giống cho các hộ trong thôn, xã. Làm như vậy không chỉ đảm bảo về chất lượng con giống mà còn giúp nông dân đỡ vất vả. Gia đình tôi thường nuôi 2 vòng rưỡi tằm và mỗi năm cũng thu được 70 - 80 triệu đồng. Nhiều hộ có lao động, nuôi nhiều mỗi năm thu cả trăm triệu đồng là chuyện thường”.
Trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả rõ nét, bình quân mỗi năm xã Báo Đáp chuyển đổi cả chục héc - ta ruộng, bãi trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng dâu. Hiện, cả xã có trên 60 ha dâu, trên 300 hộ nuôi tằm. Chỉ tính riêng năm 2017, với trên 5.400 vòng trứng nuôi trong các hộ đã mang về cho người dân không dưới 10 tỷ đồng - một con số không hề nhỏ ở một xã thuần nông như Báo Đáp.
Trong năm 2017, sản lượng kén tằm toàn huyện đạt trên 430 tấn, tăng gần 70 tấn so năm 2016, giá trị thu nhập trên 55 tỷ đồng. Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc trồng dâu nuôi tằm vẫn còn những hạn chế nhất định dẫn đến hiệu quả không cao: diện tích trồng dâu chưa được phát triển mở rộng so với điều kiện về đất đai và khả năng thực hiện. Việc đầu tư, ứng dụng kỹ thuật vào thâm canh chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây dâu còn hạn chế, chưa đồng bộ nên sản lượng và chất lượng lá dâu chưa cao.
Phần lớn các hộ nuôi chưa thực hiện tốt yêu cầu kỹ thuật về vệ sinh phòng bệnh cho tằm, không cách ly giữa các lứa nuôi nên có nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh; 100% các hộ nuôi tằm sử dụng né tre nên chất lượng kén tằm thấp.
Sản xuất bước đầu đã có sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ, tiêu thụ sản phẩm kén tằm thông qua các cơ sở tư nhân, nhưng sự liên kết còn lỏng lẻo, chưa gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm và sản phẩm làm ra chưa qua chế biến, không đảm bảo bền vững. Sản phẩm chủ yếu là sản phẩm thô, chưa có sản phẩm chế biến sâu từ kén tằm, giá trị của sản phẩm và hiệu quả sản xuất chưa cao....
Để trồng dâu nuôi tằm ngày một phát huy hiệu quả, bền vững, huyện Trấn Yên đang xây dựng Đề án "Phát triển dâu tằm tơ huyện Trấn Yên đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”.
Với mục tiêu phát triển và mở rộng diện tích vùng trồng dâu nuôi tằm theo hướng mở rộng quy mô diện tích thành vùng tập trung; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật tiên tiến từ trồng dâu đến nuôi tằm, nhằm nâng cao năng suất, giảm chi phí, giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm kén; liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; xây dựng nhà máy ươm, se tơ, dệt lụa tạo sản phẩm tơ lụa.
Mục tiêu đến năm 2020, mở rộng diện tích trồng dâu lên trên 700 ha, sản lượng đạt trên 1.100 tấn, giá trị thu đạt từ 150 tỷ đồng trở lên, nâng mức thu nhập của người trồng dâu nuôi tằm gấp 4 lần hiện nay. Dự kiến xây dựng nhà máy ươm tơ tự động với công suất 200 tấn tơ/năm; đồng thời, liên kết theo chuỗi giá trị... Phấn đấu đến năm 2025, mở rộng diện tích trồng dâu lên 1.200 ha, sản lượng kén đạt trên 2.200 tấn, giá trị thu đạt trên 300 tỷ đồng...
Đề án được triển khai thực hiện tại các xã: Tân Đồng, Báo Đáp, Đào Thịnh, Việt Thành, Hòa Cuông, Y Can, Quy Mông, Hưng Khánh, Hồng Ca và một số xã khác có điều kiện phát triển trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn huyện. Giai đoạn 2018 - 2020, phát triển trồng mới 440 ha (năm 2018 trồng mới 153 ha, năm 2019 trồng mới 146 ha, năm 2020 trồng mới 141 ha), để đến năm 2020 diện tích dâu tằm toàn huyện đạt 711 ha.
Giai đoạn 2020 - 2025, phát triển trồng mới 505 ha, trồng thay thế diện tích dâu tằm già cỗi khoảng 50 ha, nâng tổng diện tích dâu tằm toàn huyện đạt 1.216 ha. Đào tạo, tập huấn cho các hộ nuôi tằm lớn biết áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nuôi, phòng bệnh cho tằm để nâng cao năng suất, chất lượng kén.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết với các hộ trồng dâu nuôi tằm theo hướng gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm kén theo chuỗi giá trị trên cơ sở ký kết hợp đồng 3 bên (giữa công ty, các hộ dân và chính quyền các xã) trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Việc mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm và xây dựng nhà máy tại địa phương là một hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển và là cơ sở để hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới
Báo Đáp phấn đấu xây dựng vùng dâu tằm 150 ha
Năm 2011, cả xã mới có hơn 10 ha dâu tằm thì hết năm 2017 xã đã phát triển trên 74 ha dâu tằm, trong đó 60 ha đang cho thu hoạch. Nhiều mô hình tổ sản xuất được thành lập góp phần quan trọng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân.
Năm 2018, xã trồng mới trên 20 ha dâu tằm, thực hiện chủ trương của huyện về làm điểm dồn điền đổi thửa hình thành vùng chuyên canh trồng dâu nuôi tằm tại thôn Đồng Trạng với diện tích 25 ha. Báo Đáp phấn đấu đến năm 2020 nâng tổng diện tích dâu tằm của xã lên trên 150 ha để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân. |
Thanh Phúc