Tính riêng 2 đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018, toàn tỉnh có 876 con gia súc bị chết rét; tổng số tiền hỗ trợ các địa phương có trâu, bò chết rét là trên 3,5 tỷ đồng. Do đó, vụ đông xuân này, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc được ngành nông nghiệp, các địa phương triển khai từ rất sớm.
Ông Ninh Kiều Phương - Phó Chi cục trưởng Chăn nuôi - Thú y tỉnh cho biết: "Chi cục đã tham mưu với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và ban hành Kế hoạch số 18/KH-CCCN&TY về phòng, chống đói, rét cho gia súc vụ đông xuân năm 2018 - 2019. Theo đó, ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói rét cho vật nuôi trên địa bàn; thành lập các đoàn công tác xuống thôn, bản kiểm tra việc phòng chống đói, rét tại cơ sở và công tác chuẩn bị của các hộ chăn nuôi".
"Phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại cũng như dự trữ đủ nguồn thức ăn cho gia súc; đôn đốc các địa phương tiêm phòng đầy đủ các loại vắc - xin và tẩy ký sinh trùng cho trâu, bò, định kỳ phun thuốc sát trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi để diệt mầm bệnh. Cùng đó, Chi cục cũng đã in ấn tờ rơi để phổ biến kiến thức, các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc và dự kiến phát hành 19.000 tờ”. Ông Phương nói.
Mùa đông các năm trước, Trạm Tấu và Mù Cang Chải luôn là địa phương chịu thiệt hại lớn về kinh tế khi trâu, bò bị chết rét. Tại huyện Mù Cang Chải, 2 đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm 2018, toàn huyện có 397 con gia súc bị chết rét.
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Từ nhiều năm nay, người dân Mù Cang Chải đã thu gom rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Đến nay, 100% hộ chăn nuôi đã dự trữ thức ăn cho gia súc, gần 6.000 hộ dân có chuồng trại kèm nhà rơm. Để phòng chống rét cho gia súc, chúng tôi sẽ cử cán bộ kỹ thuật xuống các thôn bản rà soát, hướng dẫn người dân cách chống rét cho trâu bò, chủ động che chắn chuồng trại cũng như vận động người dân không chăn thả trâu, bò vào ngày giá rét”.
Tại huyện Trạm Tấu, tính riêng 2 đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018, toàn huyện có 169 con gia súc bị chết rét. Để chủ động phòng tránh đói, rét cho đàn gia súc, huyện Trạm Tấu đã sớm ban hành kế hoạch phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn gia súc.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm Tấu - Nguyễn Thành Hưng cho biết: "Huyện chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc; chỉ đạo các hội, đoàn thể, trưởng thôn, bản phải đến từng hộ chăn nuôi tại 69 thôn, bản, khu phố hướng dẫn, vận động bà con làm chuồng trại, che chắn và dự trữ thức ăn. Vụ đông xuân năm 2018 - 2019 này, huyện phấn đấu gần 100% số hộ chăn nuôi gia súc chủ động dự trữ được nguồn thức ăn; trên 87% số hộ chăn nuôi trâu, bò, ngựa có chuồng trại nuôi nhốt, không chăn thả gia súc khi thời tiết lạnh giá, sương muối”.
Toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 40.500 hộ chăn nuôi trâu, bò với số lượng đàn trâu là 102.703 con, đàn bò 28.887 con. Tuy nhiên, còn khoảng 2.200 hộ chưa có chuồng trại cho trâu, bò; nhiều hộ có chỗ nuôi nhốt chắc chắn nhưng lại chưa thực hiện tốt khâu vệ sinh. Với trên 6.000 ha cỏ; trong đó, diện tích cỏ trồng 2.709 ha, sản lượng cỏ mới đáp ứng khoảng 30% - 40% lượng thức ăn xanh cho gia súc. Ở nhiều nơi, kinh tế các hộ còn rất khó khăn nên việc làm chuồng, che chắn chuồng trại cho gia súc cũng như việc dự trữ rơm còn nhiều hạn chế.
Ở vùng cao, nhiều hộ còn thả rông gia súc. Vì vậy, chính quyền các địa phương cần quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầy đủ hướng dẫn phòng, chống đói rét cho gia súc đến từng thôn, bản; rà soát toàn bộ các hộ chăn nuôi đại gia súc nắm rõ danh sách các hộ chưa có chuồng nuôi để vận động các hộ đầu tư làm chuồng trại đảm bảo vệ sinh thú y và phòng chống rét, hướng dẫn bà con cách thu gom, dự trữ, chế biến các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đàn trâu, bò vào mùa khô và mùa đông; cập nhật thông tin diễn biến thời tiết khí hậu bất thường để kịp thời thông báo cho người dân có biện pháp phòng tránh rét cho gia súc. Đặc biệt, ở các xã vùng cao cần tổ chức đưa gia súc thả rông về chuồng trại trước khi mùa rét đến để tiện theo dõi và chăm sóc.
Nguyễn Văn