Nhằm giúp người trồng bưởi xác định đúng tỷ lệ phân bón cho cây bưởi theo từng giai đoạn phát triển của cây, đồng thời kết hợp hiệu quả với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán và thụ phấn chéo, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng bưởi đặc sản Đại Minh, năm 2016 huyện Yên Bình đã phối hợp với Trường Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên triển khai đề tài khoa học "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh”. Sau 3 năm thực hiện, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.
Gia đình chị Bùi Thị Loan ở thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh có 40 cây bưởi tuổi đời từ 13 đến 15 năm. Xác định cây bưởi là cây kinh tế chủ lực của gia đình nên chị Loan luôn chú trọng khâu chăm bón cũng như áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo để tăng tỷ lệ đậu quả cho cây, thực hiện bón phân sau mỗi đợt thu hoạch quả để cây phục hồi.
Từ năm 2016, chị Loan đã được các nhà khoa học của Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội (Đại học Nông - Lâm Thái Nguyên) hướng dẫn kỹ thuật tính tỷ lệ bón phân theo tuổi thọ của từng cây nên vườn bưởi nhà chị phát triển tốt. Sau 3 năm thử nghiệm, chất lượng trái bưởi tăng lên rõ rệt: nhiều nước, vị ngọt đậm, múi mọng, vỏ mịn đẹp hơn. Tỷ lệ bưởi loại một đạt khoảng trên 70%.
Tham gia mô hình theo Đề tài khoa học "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh” có 10 hộ thuộc các thôn Đồng Danh và Cầu Mơ của xã Đại Minh, thực nghiệm trên gần 300 cây bưởi có tuổi đời từ 8 - 15 năm tuổi.
Tiến sỹ Trần Trung Kiên - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo theo nhu cầu xã hội, Chủ nhiệm Đề tài cho biết: "Đối với giống bưởi Đại Minh, trước đây, nhiều chủ vườn bón phân không cân đối, sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật dẫn đến thiếu hụt dinh dưỡng, đặc biệt thiếu hụt các nguyên tố vi lượng. Một số cây nhiễm bệnh chảy gôm khá nặng, vẫn còn hiện tượng quả bị rám vỏ".
"Mặc dù đã có một số nghiên cứu về kỹ thuật canh tác đối với cây bưởi nhưng chưa có nghiên cứu sâu về phân bón ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng bưởi. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài này, chúng tôi tập trung xác định ảnh hưởng của phân hữu cơ, phân vi sinh, phân đa lượng và chế phẩm vi sinh vật đến năng suất, chất lượng bưởi; đánh giá thực trạng thành phần dinh dưỡng đất trồng bưởi, chất lượng và tỷ lệ khô quả của bưởi Đại Minh; xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón cho cây bưởi”. - Ông Kiên nói.
Ngoài việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi, trong quá trình thực hiện Đề tài, các nhà khoa học còn hướng dẫn bà con kỹ thuật canh tác, bón phân hợp lý, phòng trừ sâu bệnh, kết hợp với kỹ thuật tỉa cành, tạo tán. Nhờ vậy, sau 3 năm triển khai, năng suất, chất lượng bưởi Đại Minh tăng lên rõ rệt: hiện tượng khô quả giảm, tỷ lệ phần ăn được của trái bưởi đạt 81,8%; quả mọng, nhiều thịt, hàm lượng vitamin C cao; các thành phần dinh dưỡng khác của trái bưởi tăng lên.
Xã Đại Minh hiện có hơn 200 ha bưởi, trong đó có 150 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. 14/15 thôn của xã trồng bưởi, 90% hộ dân trong xã sống bằng nghề trồng bưởi. Hiện, xã Đại Minh còn bảo tồn được 17 cây bưởi đầu dòng có tuổi đời từ 60 năm trở lên và gìn giữ được cây bưởi tổ hàng trăm năm tuổi.
Được sự hỗ trợ của các kỹ sư trồng trọt Viện Nghiên cứu rau quả Trung ương, hơn chục năm trở lại đây, người trồng bưởi Đại Minh đã biết áp dụng kỹ thuật thụ phấn chéo giúp tăng tỷ lệ đậu quả và nâng cao chất lượng bưởi.
Năm 2016, bưởi Đại Minh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm bưởi Đại Minh. Nay, người trồng bưởi Đại Minh có thêm kiến thức chuẩn về phân bón càng thêm cơ hội nâng cao chất lượng bưởi.
Hiện nay, bình quân mỗi héc ta bưởi đặc sản Đại Minh cho thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng. Năm 2018 này, dự kiến cây bưởi sẽ mang về cho người dân Đại Minh nguồn thu trên 50 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Chủ tịch UBND xã Đại Minh khẳng định: "Đề tài khoa học "Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón đến chất lượng bưởi Đại Minh” rất thiết thực với người trồng bưởi. Địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân áp dụng những kiến thức kỹ thuật, quy trình bón phân đã được nghiên cứu vào chăm sóc cây bưởi để phát huy thế mạnh của cây bưởi đặc sản địa phương, tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng bưởi”.
Hạnh Quyên