Đây là đơn vị sự nghiệp công lập chịu sự quản lý trực tiếp về tổ chức bộ máy, biên chế của UBND huyện; đồng thời, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng như các cơ quan chuyên môn của Sở NN&PTNT. Trung tâm có chức năng thực hiện nhiệm vụ chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật, khuyến nông, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Ông Trần Quang Vinh - Giám đốc Trung tâm DVHTPTNN huyện Lục Yên cho biết: "Sau khi thành lập và đi vào hoạt động ổn định với 3 tổ chuyên môn, cán bộ Trung tâm đã dần quen với mô hình tổ chức bộ máy mới và yên tâm công tác. Việc hợp nhất 3 đơn vị thành Trung tâm DVHTPTNN đã giúp thu gọn đầu mối từ 3 cơ quan xuống còn 1 cơ quan, giảm từ 7 chức danh lãnh đạo xuống còn 3 chức danh. Đồng thời, tinh giản được 24 hợp đồng thú y viên cơ sở; từ đó, tiết kiệm nguồn chi cho Trung tâm mỗi năm khoảng 300 triệu đồng”.
Tại huyện Văn Yên, Trung tâm DVHTPTNN huyện được thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở Quyết định số 1415 của UBND tỉnh.
Sau khi thành lập, Trung tâm có 44 biên chế, theo lộ trình đến năm 2021 sẽ thực hiện việc tinh giản khoảng 6 biên chế. Từ 3 cơ quan đơn vị, sau khi sáp nhập đã thu gọn về 1 đầu mối; đồng thời, giảm được 7 chức danh lãnh đạo, trong đó, có 2 chức danh cấp trưởng và 5 chức danh cấp phó.
Cũng theo lộ trình thời gian tới, có thể Trung tâm DVHTPTNN sẽ phải hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần. Đây là khó khăn và thách thức rất lớn đối với những viên chức làm công việc Nhà nước.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm DVHTPTNN huyện Văn Yên cho biết: Trung tâm đã tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, viên chức để hiểu và hành động theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động, đội ngũ cán bộ viên chức của Trung tâm đã ổn định về mặt tư tưởng và hoàn toàn yên tâm công tác.
Đối với huyện Trạm Tấu, sau sáp nhập đã giảm 2 đầu mối và 12 lao động hợp đồng là nhân viên thú y cấp xã. Đến nay, tổng biên chế của Trung tâm là 21 biên chế và theo lộ trình đến năm 2021 sẽ tiếp tục giảm 1 biên chế (nghỉ hưu).
Ông Phan Tuấn Ngọc - Giám đốc Trung tâm DVHTPTNN huyện Trạm Tấu cho biết: "Việc sáp nhập sẽ giảm sự trồng chéo về một số nhiệm vụ có nội dung tương đồng; từ 3 đầu mối của 3 đơn vị xuống còn 1 đầu mối sẽ tạo sự thống nhất, điều hành công việc, bộ máy trở lên tinh gọn, sắp xếp vị trí, việc làm cụ thể…”.
Theo Quyết định số 548 của UBND tỉnh về việc chuyển giao nguyên trạng các trạm chăn nuôi và thú y, trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật trực thuộc Sở NN&PTNTvề UBND cấp huyện, thị xã, thành phố quản lý.
Sau khi tiếp nhận, các trạm, các huyện, thị xã, thành phố sẽ chủ động xây dựng đề án thành lập trung tâm DVHTPTNN trên cơ sở hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông huyện.
Theo đó, đến nay 9/9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đã thành lập Trung tâm DVHTPTNN trên cơ sở hợp nhất trạm chăn nuôi thú y, trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật.
Được biết, việc sáp nhập trung tâm đã giúp tỉnh giảm 19 đầu mối, thu hồi 16 biên chế chưa thực hiện; chấm dứt hợp đồng lao động đối với 180 nhân viên thú y cấp xã theo quy định.
Theo lộ trình đến năm 2021, các trung tâm DVHTPTNN sẽ tiếp tục giảm 44 chỉ tiêu biên chế. Trong đó, 28 biên chế nghỉ chế độ; 16 biên chế điều chuyển công tác.
Việc thành lập mới các trung tâm trên cơ sở hợp nhất trạm chăn nuôi thú y, trạm khuyến nông, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật ở các địa phương chính là việc làm cụ thể hóa Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế trên địa bàn toàn tỉnh.
Trần Ngọc