Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Phan Văn Hùng - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; lãnh đạo các tỉnh khu vực Tây Bắc; các cục, vụ của Bộ Công thương cùng các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp…
Về phía tỉnh Yên Bái có các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Tạ Văn Long - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo đại diện một số sở, ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh.
Phát biểu chào mừng Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: Tỉnh Yên Bái nói riêng và các tỉnh trong khu vực Tây Bắc nói chung có những tiềm năng, thế mạnh và nhiều điểm tương đồng nhưng do không có sự liên kết nên không tạo nên chuỗi giá trị gia tăng, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực là thế mạnh chung của cả vùng như: chè, cây ăn quả, gạo đặc sản, cây dược liệu, gỗ rừng trồng và nhiều sản phẩm nông, lâm sản khác.
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu chào mừng Hội thảo
Việc không hình thành được mối liên kết vùng dẫn đến hạn chế trong việc tạo vùng nguyên liệu, thu hút các nhà đầu tư, thực hiện các dự án quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đặc biệt là hạn chế trong việc nghiên cứu, dự báo xu thế, phát triển, nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khó khăn trong việc tiêu thụ ổn định sản phẩm đầu ra…
Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định, Hội thảo với những nội dung thiết thực, quan trọng vừa có tính cấp thiết, trước mắt, vừa mang tính chiến lược, lâu dài sẽ góp phần giải quyết một trong những vấn đề thách thức chung của Yên Bái và các địa phương trong khu vực Tây Bắc về xây dựng mối liên kết vùng, thu hút đầu tư để phát triển sản xuất hàng hóa, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội thảo, các địa phương, doanh nghiệp trong vùng Tây Bắc đã trình bày nhiều tham luận, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và thực trạng sản xuất, phát triển hàng hóa của địa phương, những khó khăn, thách thức đặt ra đối với quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ hàng hóa.
Đồng thời, kiến nghị, đề xuất những giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hàng hóa, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thời kỳ hội nhập.
Các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế cũng thông tin thêm về chính sách biên mậu, chính sách hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa các tỉnh biên giới, miền núi phía Bắc; những cơ hội và thách thức trong thu hút đầu tư, tạo liên kết vùng thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, thương mại, dịch vụ và du lịch…
Quang cảnh buổi Hội thảo.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Để hỗ trợ Tây Bắc phát triển hàng hóa, thời gian tới, Vụ Thị trường trong nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, tiếp tục hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về khu vực nông thôn, biên giới, vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc Tây Bắc; tập trung kết nối cung cầu hàng hóa giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối và tiêu dùng; thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", chương trình bình ổn giá thị trường tại 12 tỉnh Tây Bắc.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đề xuất 8 giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc, trong đó nhấn mạnh: Tây Bắc cần xác định lĩnh vực ưu tiên phát triển, từ đó huy động và sử dụng vốn đầu tư hợp lý.
Đồng thời tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng khoa học và công nghệ, thực hiện cải cách hành chính; đặc biệt, cần chú trọng tăng cường hợp tác và phát triển thị trường, tạo liên kết vùng và phát huy thế mạnh của liên kết vùng trong phát triển kinh tế.
Hội thảo là diễn đàn quan trọng để các tỉnh Tây Bắc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, đưa ra những kiến nghị, tìm ra các giải pháp giải quyết những khó khăn trong phát triển sản xuất hàng hóa tạo liên kết vùng.
Đức Toàn - Mạnh Cường