Liên quan đến Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan chuẩn bị được thông qua, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, đây là cơ hội tốt, việc tham gia vào Hiệp định giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm nhiều thị trường xuất nhập khẩu.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn thành phố Hồ Chí Minh, khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức.
Trong đó, thách thức lớn là năng lực cạnh tranh của nước ta còn yếu so với nhóm 11 quốc gia tham gia Hiệp định. Vì vậy, chính phủ cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thúc đẩy môi trường cạnh tranh quốc gia.
Để các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình hội nhập, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền để các doanh nghiệp nhận thấy cơ hội và thách thức trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình.
"Hiệp định này không thuần túy về mặt thương mại, là hiệp định toàn diện và tiến bộ, không chỉ bàn về thuế quan mà bàn luôn về đầu tư, sở hữu trí tuệ, về mua sắm của Chính phủ, về lao động, về đầu tư vào thị trường dịch vụ. Tiến bộ ở chỗ, nó quan tâm rất nhiều đến doanh nghiệp kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đó thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường ở nước ta, phù hợp với tinh thần của hiệp định CPTPP. Tôi nghĩ rằng cần cung cấp thông tin nhiều và rộng đến các doanh nghiệp để họ nhận thấy cơ hội và thách thức khi chúng ta ra nhập vào CPTPP”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng, các doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các nội dung của Hiệp định CPTPP là rất quan trọng trong việc nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư, và tháo gỡ rào cản bởi các quy định của Hiệp định.
"Cơ hội chúng ta thấy rồi, tôi cho rằng cơ hội đi kèm thách thức. Là cơ hội để tự thay đổi mình, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập với thế giới. Vấn đề còn lại là năng lực của chúng ta như thế nào, chúng ta có bước đi như thế nào và có giải pháp nào để khắc phục những hạn chế, phát huy thế mạnh để bước vào sân chơi mới”, đại biểu Dương Trung Quốc nhìn nhận.
Việc tham gia Hiệp định CPTPP thể hiện tính hội nhập cao của chính phủ và giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội trong xuất nhập khẩu hàng hóa thâm nhập được vào nhiều thị trường mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đi tắt đón đầu nhập những công nghệ mới và những phương pháp quản lý đi kèm.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đoàn Bến Tre, để nắm bắt nhiều cơ hội hơn, các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến nhu cầu thị trường các nước để thiết kế lại hệ thống sản xuất các mặt hàng. Trong đó, cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu Quốc gia cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam.
"Làm sao phải xây dựng được nền kinh doanh, nền kinh tế có đạo đức, thì lúc đó ta mới có thương hiệu, nếu không có thương hiệu thì không ai có thể chấp nhận mặt hàng của chúng ta. Bên cạnh đó là chính sách bảo hộ công dân của chúng ta phải chặt chẽ, kể cả cá nhân và doanh nghiệp. Khi có tất cả các vấn đề tranh chấp xảy ra, thì nhà nước phải có sự hỗ trợ về tư pháp. Như vậy bên cạnh các hiệp định, song song với đó tham gia vào các quan hệ tương hỗ và tư pháp,chúng ta áp dụng các quy tắc quan hệ quốc tế để bảo hộ cho công dân của chúng ta thì mới tham gia được các thị trường này”, ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10 nghìn 100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
(Theo VOV)