Tuyến đường bản Hát, xã Hát Lừu đi thôn Cu Vai, xã Xà Hồ, được thiết kế theo đường cấp A giao thông nông thôn với kết cấu mặt đường rộng 3 m, được thi công từ cuối năm 2018 và đến nay đã hoàn thành xong phần nền đường và dự kiến đến tháng 6 năm nay sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Tuyến đường có tổng vốn đầu tư 4,9 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 dù chưa hoàn thành nhưng đi lại đã thuận lợi hơn trước nhiều. Trước đây, con đường chỉ là đường mòn rộng chừng hơn 1 m, nhiều chỗ cua lại dốc đứng nên đi lại rất vất vả, nhất là ngày mưa thì khó khăn nhân lên gấp bội.
Anh Mùa A Chờ, thôn Cu Vai, xã Xà Hồ phấn khởi cho biết: "Có con đường mới đi được xe máy thì thuận lợi hơn trước rất nhiều. Từ nhà xuống huyện giờ chỉ còn 15 phút thôi, chứ trước đây thì đi khoảng 35 phút”.
Được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM), trong những năm qua, xã Hát Lừu đã được huyện Trạm Tấu ưu tiên nguồn lực để mở mới, nâng cấp các tuyến đường giao thông. Nhờ đó, đến nay, 100% tuyến đường liên xã, hơn 80 % đường liên thôn và 50% đường nội đồng được bê tông hóa.
Ông Lò Văn So, thôn Hát 2, xã Hát Lừu phấn khởi cho biết: "Trước chưa có đường giao thông, người dân chúng tôi đi làm vất vả lắm! Vận chuyển phân bón, nông sản gặp rất nhiều khó khăn. Nhờ có Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư GTNT, người dân chúng tôi đã được hưởng rất nhiều sự thuận tiện”.
Trong niềm vui xuân mới, người dân xã Hát Lừu được đi trên những con đường "ý Đảng lòng dân" như càng khẳng định thêm niềm tin của đồng bào vào những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho vùng cao.
Ông Lò Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Hát Lừu cho biết: "Hệ thống giao thông liên hoàn không chỉ giúp xã Hát Lừu hoàn thành tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về NTM, mà còn góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi và hỗ trợ đắc lực để Hát Lừu hoàn thiện các tiêu chí còn lại, góp phần đẩy nhanh lộ trình XDNTM trên địa bàn xã.
Trong 5 năm trở lại đây, từ các nguồn vốn Chương trình 30a, 135, WB, nguồn vốn ngân sách địa phương, huyện Trạm Tấu thực hiện nâng cấp và xây dựng mới 50,28 km đường bê tông, mở mới 329,5 km đường đất, tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 177 tỷ đồng.
Cơ chế làm đường GTNT ở huyện Trạm Tấu là giao cho từng xã, tùy theo điều kiện các xã có thể chỉ đạo người dân trực tiếp thi công hoặc có thể thuê doanh nghiệp thi công; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, huy động nhân lực theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Ông Trần Văn Long - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trạm Tấu bày tỏ: "Giao thông ở đâu phát triển thì kinh tế ở vùng đó sẽ phát triển. Trên cơ sở hệ thống giao thông phát triển, đáp ứng nhu cầu giao lưu, trao đổi hàng hóa, vận chuyển nông, lâm sản, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân. Ngoài ra, các cơ sở kinh doanh cũng đã phát triển đến các vùng khó khăn”.
Một mùa xuân mới đã về trên vùng cao Trạm Tấu. Những nẻo đường nối lại gần hơn các bản làng của người Mông, người Thái và đem về một sức sống mới cho đồng bào nơi non cao đặc biệt khó khăn này.
Anh Dũng