Sinh ra và lớn lên ở vùng dâu Tân Đồng, huyện Trấn Yên, chị Nguyễn Thị Yên có nhiều kinh nghiệm trong nghề trồng dâu, nuôi tằm. Năm 2011, chị Yên lấy chồng ở thôn Bồ, xã Chấn Thịnh và sau khi lấy chồng, 2 vợ chồng chị đi làm công nhân nhà máy quặng sắt nhưng thu nhập không cao mà lại không có thời gian chăm sóc gia đình. Năm 2013, chị Yên lên Tân Đồng lấy giống dâu về trồng. Ban đầu chị trồng quanh vườn nhà, sau đó, chị bàn với chồng thuê ruộng trồng thêm.
Hiện nay, gia đình chị trồng được 7.000 m2 dâu và có 2 nhà nuôi tằm, mỗi năm trừ chi phí còn cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Chị Yên cho biết: "Cây dâu đưa về đây phù hợp với đồng đất, nên sinh trưởng phát triển tốt. Việc nuôi tằm hiện không vất vả như xưa nuôi trên nong. Kỹ thuật nuôi trong nhà tằm thì chỉ lo lúc tằm ăn rỗi còn sau mỗi lứa tằm mới phải dọn dẹp, vệ sinh nên cũng không tốn nhiều nhân lực. Nếu đầu ra ổn định, trồng dâu, nuôi tằm sẽ có hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng lúa”. Mặc dù mới bắt tay vào nghề trồng dâu nuôi tằm được 3 năm nay, nhưng anh Lò Văn Phúc ở thôn Bồ cũng đã khẳng định trồng dâu nuôi tằm hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa và các cây khác. Hiện nay, gia đình anh Phúc có trên 5.000 m2 dâu, mỗi năm cho thu nhập 100 triệu đồng. Anh Phúc chia sẻ: "Năm nay thời tiết khó nuôi, giá kén cũng giảm nên lứa tằm trước gia đình thu được 30 triệu đồng, giờ lên kén lứa tiếp theo. Dù giá có giảm, nhưng thu nhập vẫn ổn định nên đợt tới gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng dâu để nuôi tằm”.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những năm qua, xã Chấn Thịnh đã vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Cây dâu được đưa vào trồng đã 4 - 5 năm nay nhưng người dân trồng nhỏ lẻ, chưa thành phong trào. Đến năm 2018, khi huyện Văn Chấn triển khai thực hiện đề án trồng dâu, nuôi tằm, Chấn Thịnh được chọn làm xã điểm đã tạo niềm tin, động lực để người dân tiếp tục mở rộng diện tích. Các hộ tham gia đề án được hỗ trợ 100% giống dâu (tương ứng 21 triệu đồng/ha); hỗ trợ giống tằm lứa 1, năm đầu (tương ứng 1.500.000 đồng/ha); đồng thời, hỗ trợ tham quan, học tập các mô hình và chuyển giao kỹ thuật nuôi tằm, xây dựng nhà nuôi tằm đúng yêu cầu kỹ thuật.
Năm 2019, xã Chấn Thịnh dự định trồng mới 27,5 ha dâu, bởi vậy, ngay từ đầu năm, xã đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của huyện rà soát, quy hoạch diện tích đất trồng dâu; đồng thời, vận động nhân dân chuẩn bị đất và diện tích nhà xưởng để nuôi tằm. Xã đưa giống dâu lai ít sâu, bệnh, không kén đất, có khả năng chống chịu, thích nghi rất cao, thu hoạch lâu dài vào trồng.
Mặc dù nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề mới đối với người dân xã Chấn Thịnh nhưng với truyền thống cần cù, chịu khó trong tiếp cận khoa học, kỹ thuật, các hộ dân ở xã Chấn Thịnh đã nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm. Hiện nay, toàn xã trồng được gần 50 ha dâu, có 127 hộ trồng dâu nuôi tằm, trong đó, có gần 50 hộ nuôi đều cho hiệu quả kinh tế cao còn lại là các hộ mới tham gia nuôi được 1 - 2 năm.
Ông Hoàng Quý Kiệt - Phó Chủ tịch UBND xã Chấn Thịnh cho biết: "Với diện tích đất nông nghiệp ven suối khá lớn, chúng tôi thấy cây dâu khá hiệu quả để chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Chính quyền xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu, nuôi tằm. Dù nghề trồng dâu còn mới nhưng với giá trị tính được bình quân 1 ha cũng đạt trên 200 triệu đồng mỗi năm nên nhân dân rất phấn khởi”.
Hồng Duyên