Áp dụng biện pháp chống bán phá giá với tôn màu nhập khẩu

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2019 | 9:07:13 AM

​Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%.

Sản phẩm thép tại một nhà máy ở Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 31/5/2019.
Sản phẩm thép tại một nhà máy ở Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 31/5/2019.

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3198/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép phủ màu (hay thường gọi là tôn màu) có xuất xứ từ Hàn Quốc và Trung Quốc.

Mức thuế chống bán phá giá được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thép phủ màu của Trung Quốc là từ 2,53% đến 34,27% và của Hàn Quốc là từ 4,71% đến 19,25%.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị này bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 10/2018 trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 8/2018.

Qua 12 tháng điều tra theo đúng quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Hiệp định Chống bán phá giá của WTO và các quy định liên quan, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Hàn Quốc và Trung Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm thép phủ màu.

Kết luận điều tra đã khẳng định có đủ cơ sở ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Cụ thể, có tồn tại hành vi bán phá giá đối với sản phẩm thép phủ màu của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc, hàng hóa nhập khẩu từ hai nước này đang được bán phá giá với biên độ khá cao từ 2,53% đến 34,27%.

Ngoài ra, ngành sản xuất thép phủ màu trong nước đang bị đe dọa gây thiệt hại đáng kể và hành vi bán phá giá là nguyên nhân chính dẫn tới đe dọa thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.

Hành vi và mức độ bán phá giá nói trên đã gây ra sức ép đáng kể cho các chỉ số hoạt động của ngành sản xuất trong nước, thể hiện ở các tiêu chí như sản lượng sản xuất, lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, thị phần, hàng tồn kho có nhiều biến động trong giai đoạn điều tra.

Đặc biệt trong giai đoạn 7 tháng cuối năm 2018 đến nay, các chỉ số này đều cho thấy xu hướng suy giảm rõ rệt, nhiều các doanh nghiệp sản xuất trong nước thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và nhiều lao động đã phải nghỉ việc.

Khi quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương đã xem xét, cân nhắc ý kiến của các bên liên quan trong vụ việc và các cơ quan nhà nước có liên quan khác cũng như dựa trên thông lệ áp dụng của nhiều nước thành viên khác của WTO.

Đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trong hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ chỉ áp dụng mức thuế chống bán phá giá tương ứng của từng doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Đối với lượng hàng hóa nhập khẩu ngoài hạn ngạch của biện pháp tự vệ, sẽ so sánh giữa mức thuế chống bán phá giá và thuế ngoài hạn ngạch tự vệ và sử dụng mức thuế nào cao hơn. Việc áp dụng này nhằm loại bỏ tình trạng đánh thuế 2 lần đối với các doanh nghiệp nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thép phủ màu đặc biệt mà hiện tại ngành sản xuất trong nước chưa sản xuất được như các sản phẩm PCM, VCM dùng để sản xuất các mặt hàng điện lạnh và điện tử gia dụng, các sản phẩm PVDF dùng cho các nhà máy nhiệt điện, và một số sản phẩm đặc biệt khác... được miễn trừ áp dụng biện pháp chống bán phá giá.

Có thể thấy mức thuế chống bán phá giá dao động từ 2,53% đến 34,27% áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc đã được đưa ra theo đúng các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, pháp luật Việt Nam và phản ánh đúng hành vi về giá bán của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài.

Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán đúng quy luật thị trường được xác định biên độ bán phá giá phù hợp. Trong khi đó, hàng hóa trôi nổi, chất lượng thấp, bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế chống bán phá giá tương đối cao.

Kể từ ngày biện pháp chống bán phá giá chính thức có hiệu lực, các bên liên quan có thể nộp hồ sơ yêu cầu Bộ Công Thương tiến hành điều tra, rà soát lại về vấn đề phạm vi sản phẩm, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho nhà xuất khẩu mới hoặc mức thuế hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài theo quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam.

Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu không thuộc phạm vi hàng hóa theo mô tả tại Điều 1 của Thông báo ban hành kèm Quyết định số 3198/QĐ-BCT, doanh nghiệp có thể đề nghị rà soát phạm vi hàng hóa theo quy định của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại hoặc nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ theo quy định của Thông tư số 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.

(Theo Vietnam+)

Các tin khác

Bộ Công Thương vừa ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT (ngày 26-10-2019) về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2019 và dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Một mô hình nuôi gà quy mô lớn, cho thu nhập cao của người dân huyện Lục Yên.

Thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, huyện Lục Yên được tỉnh giao nhiệm vụ phát triển sản phẩm chủ lực trên địa bàn, đến nay, đã cơ bản đạt 90% khối lượng công việc.

Bảng thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh.

Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều hành vi, thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ðặc biệt, cùng với sự phát triển nhanh của các trang mạng xã hội, tình trạng nêu trên có xu hướng ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những giải pháp phòng ngừa kịp thời, hữu hiệu.

Ảnh minh họa

Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh mùa khô năm 2019-2020 , Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp -PHát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch tổng thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục