Tham dự Hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các Ban Đảng và Quốc hội; lãnh đạo các địa phương; đại diện các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và trong nước.
Mỗi năm có trên 126.000 doanh nghiệp thành lập mới
Điểm lại những chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho tất cả người dân phát huy tinh thần tự do kinh doanh theo pháp luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, tình hình phát triển doanh nghiệp thời gian qua "có nhiều điểm sáng ấn tượng”. Tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ, thể hiện qua số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cao liên tục trong 5 năm gần đây. Trung bình giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126 ngàn doanh nghiệp thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên khoảng 760 ngàn doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp diễn ra theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỷ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt. Đồng thời, những năm gần đây, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo đang diễn ra sôi động.
Quang cảnh Hội nghị
Hiện có khoảng 4.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (startup) đang hoạt động. Trong đó có nhiều startup thành công, được rót vốn hàng triệu đô la từ các quỹ đầu tư nước ngoài như: Cốc Cốc, VeXeRe, Tiki, NCT... Nhiều doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin khởi nghiệp thành công như: Công ty Giải pháp phần mềm Hòa Bình, Công ty Phần mềm iSphere, Công ty VinaGame, Navigos Group, Công ty cổ phần Dịch vụ giải pháp không dây, VC Corporation, CyVee.com, Công ty cổ phần Tài Việt, MJ Group,…góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng các thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin trên bản đồ khởi nghiệp thế giới.
Theo kết quả điều tra của Bộ Khoa học và Công nghệ, năm 2018 có khoảng 30% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo (đạt mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020). Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các tập đoàn đầu tư vào khoa học và công nghệ như: Vietel, FPT, Vingroup, TTC, Phenikaa...và được kỳ vọng tạo bước tiến đột phá. Năm 2018, theo số liệu thống kê sơ bộ, tổng nguồn vốn đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm ngành hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đã có mức tăng đột phá, đạt 965 ngàn tỷ đồng: tăng 53,2% so với năm 2017 (630 ngàn tỷ đồng) và là mức tăng cao nhất trong tất cả các nhóm ngành, nghề.
Liên kết còn yếu, nhiều hạn chế
Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực doanh nghiệp vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%.
Bên cạnh đó, mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong 2-3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa của Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn; năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu; chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp, đặc biệt là những công nghệ lõi, công nghệ tiên phong; trình độ quản trị doanh nghiệp còn thấp…
Đặc biệt, mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất yếu và có nhiều hạn chế. Theo một cuộc khảo sát của JETRO, các công ty Nhật Bản - một trong những nền kinh tế đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, mua sắm khoảng 32,4% các dịch vụ và sản phẩm đầu vào từ các nhà cung cấp địa phương trong năm 2016. Con số này thấp hơn nhiều với các doanh nghiệp FDI của Nhật tại các nước láng giềng ví dụ như Trung Quốc (67,8%), Thái Lan (57,1%) và Indonesia (40,5%).
Cũng cần nhấn mạnh rằng trong số các doanh nghiệp cung cấp cho các công ty FDI của Nhật Bản tại Việt Nam, 58,9% các doanh nghiệp đó là các công ty FDI có trụ sở tại Việt Nam. Chỉ có 13% nguồn dịch vụ, sản phẩm đầu mua tại địa phương được cung cấp bởi các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, chỉ 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% DNNVV đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng FDI được đầu tư trong nước là rất lớn.
Chính vì vậy, Hội nghị là dịp để người đứng đầu Chính phủ và các thành viên Chính phủ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia, hiệp hội, tổ chức quốc tế đề xuất các giải pháp và cam kết nỗ lực cùng Chính phủ thúc đẩy lực lượng doanh nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Qua Hội nghị này, Chính phủ cũng truyền đi thông điệp kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần tăng cường đoàn kết, liên kết sức mạnh, phát huy lòng tự hào dân tộc để phát triển lớn mạnh, đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc, tạo dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường.
Năm 2019, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH, điều kiện kinh doanh tiếp tục được thực hiện cắt giảm một cách thực chất hơn. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí gắn với hoàn thiện thể chế, pháp luật tiếp tục được triển khai quyết liệt.
100% các Bộ, cơ quan đã thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Hiện đã đưa vào vận hành một số hệ thống thông tin nền tảng có ý nghĩa, như: Trục liên thông văn bản quốc gia, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (ECabinet).
Có 7 Bộ, cơ quan trong số 12 Bộ, cơ quan kiểm tra đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 (theo Quyết định số 846/QĐ-TTg và Quyết định số 877/QĐ-TTg). Trên 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực hiện kê khai thuế, nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện còn tới 355 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, gây khó cho doanh nghiệp thực hiện tra cứu, cập nhật. Không ít trường hợp kiểm tra chồng chéo, một mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý của nhiều bộ, chịu sự kiểm tra của nhiều đơn vị trong cùng một bộ...
Về trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, theo báo cáo của VCCI, trong năm 2019, mặc dù nhận được số kiến nghị khá lớn nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính trả lời kiến nghị doanh nghiệp kịp thời, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Bộ trả lời khá nhanh và số lượng kiến nghị quá hạn trả lời ít so với tổng số kiến nghị đã nhận được. Một số bộ, ngành trả lời kiến nghị chậm như: Bộ Y tế; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh…
Qua theo dõi của VCCI, từ 1-1-2019 đến hết 31-10-2019, còn 158 kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp chưa được các bộ, ngành, địa phương trả lời. Lượng kiến nghị tồn đọng chưa trả lời tính đến hết tháng 10 năm 2019 là 133 kiến nghị.
(Theo SGGP)