Bà Lê Phương Nga - tiểu thương ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái cầm nắm tiền lẻ (mệnh giá 2, 5, 10 nghìn đồng) trên tay, vẻ mặt hoan hỉ: "Đổi được tiền lẻ đây rồi, rõ khổ, không có tiền lẻ để trả lại khách, không bán được hàng đâu”.
Ông bà Du - Tươi kinh doanh ngành thép trên đường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái thì chạy đôn, chạy đáo đi nhờ người đổi hộ tiền lẻ: "Bác có quen ai bên ngân hàng thì đổi hộ em ít tiền lẻ. Cuối năm khách mua hàng nhiều mà không có để trả lại, bí quá”.
Dù chưa có thông tin chính thức từ phía Ngân hàng Nhà nước nhưng thiếu tiền lẻ (tiền mệnh giá nhỏ) thực tế đang diễn ra và ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình kinh doanh buôn bán của các tiểu thương. Vấn đề tiền lẻ cho lưu thông càng nóng khi tết nguyên đán đến gần, ngành bán lẻ vào mùa phục vụ.
Cùng với sự khan hiếm tiền lẻ trong khâu lưu thông, nhu cầu tiền lẻ nhưng phải mới để đi lễ đền, chùa đang nóng lên từng ngày, không chỉ phật tử hành hương mà dân công chức, văn phòng cũng í ới hỏi nhau xem: "Có nguồn tiền lẻ chưa?”, "Có quan hệ với bên ngân hàng không, kiếm mấy thếp đi lễ đầu xuân cho may mắn cả năm”. Và có cầu thì ắt sinh cung, dịch vụ đổi tiền lẻ đã xuất hiện.
Trên mạng xã hội, không khó để chúng ta bắt gặp những lời mời chào, quảng cáo cho dịch vụ rất hót vào dịp cuối năm này: "Nhận đổi tiền lẻ mới 100%, ship tận nhà”, "Đổi tiền lẻ đi lễ, giá rẻ”… cùng những hình ảnh là những cục tiền, đống tiền mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 mới 100%.
Liên hệ với bất kỳ tài khoản Facebook nào đang quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ cũng được mời chào đon đả: "Đảm bảo tiền mới 100%, còn nguyên sê - ri, số lượng bao nhiêu cũng có”.
Hơn nữa, những người làm dịch vụ này còn công khai đưa ra những mức phí như: đổi loại mệnh giá 20.000, 50.000, 100.000, 200.000, phí 5%; tiền mệnh giá nhỏ như 1.000, 2.000, 5.000 thì theo phương thức "10 ăn 8”, nghĩa là 10 nghìn tiền chẵn lấy 8 nghìn tiền lẻ (tức 20%). Khi đặt câu hỏi "Nguồn tiền lẻ ở đâu mà nhiều vậy?” thì câu trả lời chỉ là… hình mặt cười!
Bên cạnh nhu cầu đổi tiền VNĐ mới mệnh giá lớn để mừng tuổi, biếu tặng nhau, tiền mệnh giá nhỏ để đi lễ đền chùa, mấy năm gần đây xuất hiện nhu cầu đổi đô la Mỹ (loại 2 USD) để mừng tuổi nhau, nếu là những đồng tiền có năm sản xuất lâu đời, đặc biệt là có số sê - ri đẹp như 12345, 6789, 6666, 8888, 9999 hoặc 6886, 8668 thì càng quý đôi khi một tờ mệnh giá 2 USD có giá lên tới cả trăm, cả triệu đồng. Quan niệm được lì xì tờ 2 USD mà có số sê - ri đẹp sẽ rất may mắn đang rất thịnh nên nhu cầu tìm mua tiền đô la mệnh giá thấp luôn ở mức cao.
Mặc dù việc phát hành tiền phải theo cơ cấu loại tiền nhất định và dịp tết năm nay Ngân hàng Nhà nước cũng cương quyết không phát hành thêm lượng tiền mới, mệnh giá nhỏ nhưng trước diễn biến trên thị trường tiền tệ dịp cuối năm, Ngân hàng Nhà nước cần cung ứng thêm lượng tiền lẻ vào lưu thông, giúp tiểu thương và ngành bán lẻ bớt phiền phức. Người dân và các cơ sở kinh doanh cần tạo thói quen chi tiêu không dùng tiền mặt, thay thế nó bằng các phương tiện thanh toán khác vừa văn minh, vừa an toàn hơn.
Với những người đi lễ đầu năm, cần bỏ thói quen hối lộ thần Phật bằng cách dúi vào tay mấy đồng bạc lẻ” như nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền đã nhiều lần phát biểu. Tỏ lòng thành tâm, đóng góp công sức xây dựng đền chùa thì bỏ một lần, một vài tờ tiền dù cũ, dù mới, có mệnh giá lớn vào hòm công đức là được, không nên cố gắng đổi tiền mệnh giá nhỏ để ném, thả lung tung vào các bậc thánh nhân vừa ảnh hưởng đến chốn linh thiêng vừa coi thường biểu tượng quốc gia, dân tộc!
Cần phải thêm rằng, hành vi đổi tiền lẻ, thu phí, hưởng chênh lệch là hành vi vi phạm pháp luật. Theo quy định hiện hành, hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch là trái pháp luật và bị nghiêm cấm. Theo Điểm a, Khoản 5, Điều 30, Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ, người nào thực hiện các hành vi đổi tiền không đúng quy định như: đổi tiền có phí, đổi tiền không đúng mệnh giá sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 - 40 triệu đồng.
Lê Phiên