Giá thịt lợn “leo thang”, sức mua giảm mạnh

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/12/2019 | 11:17:32 AM

YênBái - Trong vòng 2 tháng qua, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh liên tục biến động mạnh. Trong ngày 23/12, giá lợn hơi ở mức 92.000 - 93.000 đồng/kg. Mức giá tăng cao kỷ lục từ trước tới nay và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, sức mua của người tiêu dùng cũng giảm, nên lượng thịt bán ra tại các chợ rất chậm.

Đã gần 11 giờ trưa mà quầy thịt của chị Đặng Thị Quý - tiểu thương tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái gần như vẫn còn nguyên.
Đã gần 11 giờ trưa mà quầy thịt của chị Đặng Thị Quý - tiểu thương tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái gần như vẫn còn nguyên.

Lượng tiêu thụ giảm 50%

Theo khảo sát tại các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái, giá các loại thịt lợn bán lẻ liên tục tăng trong khoảng 2 tháng qua. Cụ thể, giá thịt lợn nạc hiện 170 - 180.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, vai sấn, xương sườn từ 160 - 180.000 đồng/kg; xương khe 80.000 đồng/kg; gan lợn 70.000 đồng/kg… Nhiều tiểu thương cho biết sức mua thịt lợn của người tiêu dùng hiện giảm mạnh (khoảng 50% so với đầu năm). Vì thế, các quầy thịt bán khá chậm, nhiều tiểu thương đã nghỉ bán. 

Mặc dù đã gần 11 giờ trưa, nhưng quầy thịt của chị Đặng Thị Quý - tiểu thương kinh doanh thịt lợn tại chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái vẫn còn khá nhiều. 

Chị Quý cho biết: "Tôi bán thịt ở chợ này đã hơn 20 năm mà chưa bao giờ giá tăng cao và khó bán như hiện nay. Ngày trước, mổ con lợn hơn 1 tạ chỉ bán buổi sáng là hết, nhưng bây giờ bán cả ngày mà hôm nào cũng ế. Đấy là tôi còn bán buôn cho 3 quán làm giò, chả, 4 bếp ăn tập thể mà tính ra hòa vốn. Tôi còn 1 con lợn nữa và mổ nốt rồi cũng nghỉ”. 

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao trong thời gian qua, một số tiểu thương bán thịt tại các chợ đã tạm thời nghỉ bán vì không bắt được lợn trong dân, mà bắt tại các trại thì phải bắt nhiều, trong khi lượng tiêu thụ giảm mạnh. Đối với những tiểu thương duy trì bán hàng thì phải chia sẻ lượng thịt để bán chung. 

Bà Đỗ Thị Hà - tiểu thương bán thịt tại chợ Đồng Tâm, thành phố Yên Bái than thở: "Giá thịt lợn hơi tăng gần như hàng ngày, khiến cho giá thịt bán lẻ không thể không tăng theo. Đây là lần tăng giá mạnh nhất từ khi tôi bán thịt ở đây. Giá thịt lợn tăng cao nên người tiêu dùng cũng không ăn thịt mà sẽ lựa chọn thực phẩm khác thay thế; do đó, lượng thịt tiêu thụ cũng giảm theo. Trước đây, mỗi ngày tôi bán hết 1 con hoặc bán trong buổi sáng là hết. 

Hiện tại, 1 con lợn trên dưới 1 tạ 3 người chung nhau bán và tính ra có trên 30 kg thịt mà bán cả ngày không hết. Vì còn phải cung cấp thực phẩm cho một số bếp ăn tập thể và cũng là dịp cuối năm rồi nên tôi phải duy trì chứ một số quầy khác cũng đã nghỉ”. 

Thịt lợn tăng giá chóng mặt, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang mua các loại thực phẩm khác hoặc nếu có mua thì cũng mua ít hơn so với trước. "Trước đây hầu như ngày nào các bếp ăn tập thể cũng lấy thịt, nhưng bây giờ chỉ lấy có 2 lần/tuần. Đồng thời, trước đây họ ăn ngon nên mua thịt thăn, thịt vai, còn bây giờ thì chỉ mua ít ba chỉ...”- chị Nguyễn Thị Liên - tiểu thương chợ Yên Thịnh, thành phố Yên Bái phân trần. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc ở tổ 11 phường Yên Ninh chia sẻ: "Nhà tôi cả 2 vợ chồng đều làm ngoài và ngày có việc, ngày thì không nên thu nhập không ổn định lại nuôi 2 đứa con ăn học nên phải đến nửa tháng nay do thịt lợn đắt quá tôi chuyển qua ăn cá, trứng, đậu phụ, thịt gà...”. Do người tiêu dùng không chấp nhận được mức giá thịt lợn ngày một "leo thang” nên đã đổi món cho gia đình bằng các loại thực phẩm khác; do đó, lượng thịt tiêu thụ tại chợ giảm khoảng 50%.
                                                        
Lo thiếu nguồn cung

Giá thịt lợn tăng nhanh, mỗi ngày một mức tăng và kỷ lục khi giá lợn hơi đến trung tuần tháng 12 đã lên tới 93.000 đồng/kg. Sản lượng thịt lợn hơi trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể, bởi trong suốt 8 tháng qua bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn. 

Thông thường hàng năm, vào thời điểm tháng 9, tháng 10, người chăn nuôi đang tập trung tái đàn, tăng đàn để phục vụ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên người chăn nuôi không dám tái đàn. 

Theo dự báo từ giờ đến cuối năm, đặc biệt dịp trước và sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nguồn cung sẽ tiếp tục bị thiếu kéo theo giá lợn hơi vẫn có xu hướng tăng cao. 

Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, sản lượng thịt lợn hơi thiếu hụt khoảng 22% so với nhu cầu và nguồn thiếu hụt này chủ yếu do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi sau 8 tháng bùng phát vẫn chưa được khống chế hoàn toàn, khiến tổng số lợn mắc bệnh trên địa bàn tỉnh buộc phải tiêu hủy đã lên tới gần 29.000 con với tổng trọng lượng gần 1.300 tấn. 

Ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên hiện nay trên 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh không còn lợn. Bên cạnh giải pháp bù đắp sản lượng thịt lợn thiếu hụt bằng cách chăn nuôi vỗ béo trâu, bò, nuôi các loại gia cầm, thủy cầm thì sản lượng thịt lợn hơi hiện tại còn chủ yếu ở các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn. Do đó, thị trường thịt lợn hiện nay phụ thuộc vào các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi này. 

Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: "Hiện nay, lượng thịt lợn hơi tại các trang trại chăn nuôi lớn vẫn bảo đảm đủ cung ứng cho thị trường; tuy nhiên, nếu giá đẩy lên cao quá thì người tiêu dùng sẽ không chấp nhận được”. 

Liệu có hiện tượng găm hàng, tăng giá?

Giá lợn tăng cao đột biến nhưng ở hầu hết các địa phương, các hộ chăn nuôi không còn lợn để bán. Nguồn cung chính hiện nay phụ thuộc vào các trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi lớn. Yếu tố phụ thuộc nguồn cung của thị trường liệu có tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, chủ trang trại này có cơ hội găm hàng, nâng giá? Gần một tháng nay, lò mổ của gia đình anh Phan Đăng Châu ở tổ dân phố 5, thị trấn Cổ Phúc, huyện Trấn Yên đã không mua được lợn từ dân về mổ bán mà phải mua lợn từ trại chăn nuôi của Công ty Hòa Phát. Mỗi lần anh Châu nhập khoảng 10 con lợn để mổ dần nhưng giá lần nhập sau đều tăng hơn so với lần trước, nên việc kinh doanh giết mổ gia súc của anh cũng giảm vì giá lợn quá cao. 

Anh Châu cho biết: "Giờ lợn trong dân không còn nên tôi phải bắt lợn trại, giá thì nóng lên từng ngày. Đầu tháng 12 tôi bắt giá 71.500 đồng/kg, sau đấy 1 tuần tăng lên 85.000 đồng/kg và hiện nay đã 92.000 đồng/kg”. 

Anh Nguyễn Thành Trung - một thương lái chuyên nhập lợn thịt từ các các trang trại lớn trên địa bàn trong và ngoài tỉnh nhận định: "Vấn đề thổi giá lợn hơi lên cao là hoàn toàn có thể xảy ra vì nguồn lợn nuôi trong dân đã cạn. Đây chính là yếu tố giúp cho các trại chăn nuôi lớn độc quyền nguồn cung cấp lợn hơi chính ra thị trường, khi đó không ai có thể điều chỉnh được giá và số lượng lợn bán ra ngoài”. 

Ông Nguyễn Trung Ninh - chủ lò mổ tổ dân phố Cầu Đền, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái cho biết: "Hiện nay, thị trường lợn hơi đang phụ thuộc vào Công ty Hòa Phát và Công ty bán giá thế nào thì chúng tôi phải mua vậy, như cách đây 1 tuần họ bán 85.000 đồng/kg và giờ là 92.000 đồng/kg và trong có 1 tuần mà tăng 7 giá. Lò mổ của tôi chắc phải đóng cửa vì giá tăng quá cao, người dân cũng không ăn thịt lợn nữa”.

Như vậy, có thể nhận thấy, giá lợn hơi đang phụ thuộc vào các chủ trang trại lớn nếu các thương lái không mua lợn tại đây thì sẽ không có nguồn cung nào khác và cuối cùng chịu ảnh hưởng chính là người tiêu dùng. Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng sẽ cung ứng đủ nhu cầu nhưng vấn đề làm sao cải thiện được giá khi mà hiện nay thị trường thịt lợn đang có dấu hiệu găm hàng, tăng giá. 

Chỉ còn chưa đầy tháng nữa là đến tết Nguyên đán Canh Tý, nhưng nếu không có giải pháp căn cơ từ cơ quan quản lý và cứ để giá thị trường tăng tự do như thời gian qua, chắc chắn giá lợn hơi sẽ chưa thể dừng ở mốc 92.000 - 93.000 đồng/kg. Mặc dù hiện nay, nhu cầu thị trường đã giảm nhiều so với trước, nhưng khi giá tăng kiểu đó, người tiêu dùng có lựa chọn khác, người bán thịt tại chợ gặp khó khăn trong khi nguồn lợi lại rơi vào tay các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lớn. 

Hồng Duyên

Tags Giá thịt lợn “leo thang” sức mua giảm mạnh Yên Bái

Các tin khác

Ngày 30/12, Sở Tài chính tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Đây là đề xuất của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Lạng Sơn.

Ảnh minh họa

Tết Nguyên đán Canh tý đang đến gần, nhu cầu tiền lẻ lại “nóng” không chỉ tại các ngân hàng mà còn trên thị trường “đen”. Thị trường đang có những biểu hiện khan tiền lẻ trong khâu thanh toán, người đi chùa thì mong muốn có mấy thếp tiền mệnh giá nhỏ để… “hối lộ” thần Phật.

Dự ước tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2019 (theo giá so sánh) đạt trên 17.379 tỷ đồng, đạt 7,03%, là năm có tốc độ tăng GRDP cao nhất trong 4 năm trở lại đây. GRDP bình quân đầu người/năm ước đạt 36,74 triệu đồng, tăng 8,89% so với năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục