Công bố 3 mục tiêu và 4 nhóm vấn đề chính tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp ngày 9/5

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/5/2020 | 2:03:44 PM

90 triệu người dân đều được theo dõi, lắng nghe phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ý kiến của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị ngày 9/5 sắp tới.

Quang cảnh cuộc họp báo sáng 7/5
Quang cảnh cuộc họp báo sáng 7/5

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay (7/5) nhằm cung cấp thông tin liên quan đến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp ngày 9/5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo về mục tiêu chính cũng như các nhóm vấn đề chính của Hội nghị.

Nhằm cổ vũ, động viên, khơi gợi tinh thần yêu nước, sáng tạo đối với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức Hội nghị với doanh nghiệp và giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan để tổ chức Hội nghị.

Theo đó, Hội nghị hướng tới một số mục tiêu chính sau:

1. Nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, ghi nhận nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua.

2. Hội nghị nhằm khơi gợi, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của DN cùng Chính phủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.

3. Hội nghị nhằm thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của DN, đồng thời tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.

Với mục tiêu đó, Hội nghị dự kiến tập trung thảo luận 4 nhóm vấn đề chính như sau:

1. Đánh giá chung về ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp; ghi nhận, khích lệ các nỗ lực vượt khó, tự lực, tự cường, hỗ trợ lẫn nhau, trách nhiệm xã hội, đồng hành cùng Chính phủ của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình chống dịch COVID-19.

2. Đánh giá tác động và khả năng hấp thụ của các chính sách đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với dịch cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.

3. Nhận định các cơ hội và thời cơ phát triển trong bối cảnh mới và thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch bệnh; khuyến khích doanh nghiệp tái cấu trúc, chủ động sáng tạo phát hiện cơ hội mới, thích ứng với hoàn cảnh mới, nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh để ứng phó linh hoạt với tác động của dịch COVID-19, từng bước tạo tính tự chủ cho nền kinh tế.

4. Các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nêu sáng kiến, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng về các giải pháp cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Nội dung thảo luận cần tập trung vào các nội dung như: hình thành chuỗi liên kết, chuỗi cung ứng mới trong bối cảnh bị đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống; chủ động khai thác hiệu quả thị trường trong nước; chủ động nguồn cung ứng nguyên vật liệu trong nước để sản xuất kinh doanh; cơ hội cho những ngành nghề tiềm năng như kinh tế số, chuyển đổi số, trang thiết bị, sản phẩm y tế…

Về nội dung chương trình, sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hội nghị có báo cáo chung của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), báo cáo tham luận của các Bộ, cơ quan liên quan, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và chuyên gia độc lập. Hội nghị cũng dành thời gian để các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giải đáp kiến nghị của các doanh nghiệp và người dân trong quá trình diễn ra Hội nghị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Thủ tướng sẽ tổng kết các sáng kiến, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, chuyên gia, người dân để nghiên cứu ban hành kế hoạch hành động hoặc nghị quyết của chính phủ nhằm phục hồi nền kinh tế, thích ứng, đổi mới và phát triển.

Tại cuộc họp báo, ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ mong muốn lắng nghe sự hiến kế của các doanh nghiệp và cho biết các thành viên Chính phủ cũng sẽ trực tiếp đưa ra những thông điệp, cộng đồng doanh nghiệp tại Hội nghị lần này.

"Với tính chất quan trọng của Hội nghị, đây là lần đầu tiên tổ chức trực tiếp tới 63 điểm cầu cộng với 30 điểm cầu của Bộ, ban, ngành trung ương và được tường thuật trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam. Có nghĩa là, tất cả 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, mở rộng hơn là 90 triệu người dân đều được theo dõi, lắng nghe phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như ý kiến của người đứng đầu Chính phủ" – ông Vũ Đại Thắng chia sẻ.

Theo kế hoạch, Hội nghị bắt đầu từ 8h đến 12h ngày 9/5 theo hình thức trực tuyến tại Hà Nội, các bộ, cơ quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

(Theo VTV)

Các tin khác
Bộ Công thương cho biết sẽ sớm trình phương án sửa biểu giá bán lẻ điện

Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt đã được đưa ra lấy ý kiến, nhưng Bộ Công thương cho biết đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 nên kiến nghị Chính phủ xin lùi thời gian báo cáo.

Giá vàng ngày 7.5 đi xuống khi nhà đầu tư kỳ vọng nền kinh tế khắp nơi sẽ sớm khởi động lại.

Đến tháng 4/2020, toàn tỉnh hỗ trợ tạo việc làm 4.973 người, đạt 27,63% kế hoạch. (Ảnh: Đức Toàn)

Theo Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, trong tháng 4/2020, Yên Bái đã giải quyết việc làm cho 1.216 lao động.

Các công trình thủy lợi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ phục vụ nước tưới cho hàng trăm héc-ta ruộng ở Mù Cang Chải.

Năm 2020, huyện Mù Cang Chải được đầu tư 68 công trình; trong đó, 41 công trình chuyển tiếp thi công và thanh toán khối lượng hoàn thành, 27 công trình khởi công mới. Đến trung tuần tháng 4, huyện đã thực hiện xong công tác lựa chọn nhà thầu và thương thảo ký kết hợp đồng toàn bộ các danh mục công trình được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục