Yên Bái khôi phục hoạt động sau giãn cách

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2020 | 8:00:29 AM

YênBái - Sau một thời gian tạm nghỉ để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đến đầu tháng 5, một số loại hình kinh doanh dịch vụ đã được phép hoạt động trở lại.

Cán bộ y tế phường Đồng Tâm kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào chợ.
Cán bộ y tế phường Đồng Tâm kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào chợ.

Dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng, trong đó, thương mại dịch vụ là lĩnh vực chịu nhiều tác động nhất. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ như vận tải, du lịch, lữ hành, lưu trú, ăn uống… 

Phải dừng hoạt động do nhu cầu thị trường không có, hoặc phải ngừng cung cấp các sản phẩm theo quy định của Chính phủ về cách ly xã hội. Các điểm du lịch trên địa bàn đều dừng hoạt động, khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phải cắt giảm nhân sự. Thậm chí, một số doanh nghiệp không còn khả năng chi trả lương và chế độ cho người lao động. 

Theo báo cáo của Cục Thống kê, do thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Yên Bái đã yêu cầu ngừng kinh doanh các quán hàng ăn uống, nhà nghỉ; số ít chỉ phục vụ khách hàng mua mang về nên doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tháng 4/2020 trên địa bàn chỉ đạt khoảng 5,7 tỷ đồng, giảm 90,68% so tháng trước, giảm 95,67% so cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 4 tháng năm 2020 doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành, du lịch đạt 284,5 tỷ đồng, giảm 44,58% so cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú đạt 19,7 tỷ đồng, giảm 39,25%; ăn uống đạt 264,6 tỷ đồng, giảm 44,91%; dịch vụ lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch chỉ đạt 0,16 tỷ đồng, giảm 69,19% so cùng kỳ năm trước... 

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội, tỉnh đã cho phép mở cửa trở lại một số hoạt động thương mại dịch vụ. Thời gian này, nhiều nhà hàng, khách sạn, vận tải, lữ hành quyết tâm thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phòng dịch, vừa khôi phục kinh tế. 

Để thu hút khách hàng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ đưa ra các chương trình khuyến mại, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng dịch nhằm bảo đảm sự an toàn của khách hàng. 

4 tháng đầu năm 2020, nhà hàng ăn uống Sen Việt, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái không có doanh thu. Hàng tháng, nhà hàng vẫn phải gánh nhiều chi phí mặc dù không có khách, khiến nhà hàng buộc phải cắt giảm nhân sự để cố gắng duy trì hoạt động qua mùa dịch. Sau thời gian giãn cách xã hội, nhà hàng được mở cửa trở lại. 

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhà hàng hạ giá thành các món ăn nhằm thu hút thực khách. Ngoài ra, nhà hàng cũng tăng cường việc quảng bá món ăn trên các trang online và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh. 

Anh Trần Văn Hải, chủ nhà hàng cho biết: "Hiện, kinh tế khó khăn nên tôi quyết định hạ giá món ăn để kích cầu. Tuy giá giảm nhưng nhà hàng vẫn đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt nhất. Vừa qua, để chuẩn bị đón khách, chúng tôi đã huy động nhân viên phun khử khuẩn toàn bộ nhà hàng, dọn dẹp lại phòng, tổng vệ sinh môi trường. Trong quá trình đón khách, nhà hàng cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”. 

Bến xe khách Yên Bái hiện đang quản lý hơn 160 đầu xe chạy các tuyến nội tỉnh và ngoại tỉnh, hiện toàn bộ xe vận tải hành khách đã được hoạt động trở lại. Để bảo đảm an toàn, Bến xe khách Yên Bái đã chỉ đạo các nhà xe thực hiện nghiêm việc yêu cầu hành khách khi lên xe phải đeo khẩu trang, sắp xếp khách không vượt quá 50% số ghế, giường theo quy định. 

Phụ xe Bùi Hồng Hà - nhà xe Đức Tiến, thành phố Yên Bái cho biết: "Trước khi xuất bến nhà xe chúng tôi phun khử trùng quanh xe và chuẩn bị nước sát khuẩn, khẩu trang y tế để mỗi khách hàng khi lên xe phải đeo khẩu trang và thực hiện rửa tay sát khuẩn, ngoài ra khách hàng phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách, thực hiện khai báo tên, địa chỉ và số điện thoại để liên hệ. Là người làm kinh doanh thì mục tiêu đầu tiên là phải có lợi nhuận, tuy vậy trong thời gian này chúng tôi luôn đặt sự an toàn cho hành khách lên hàng đầu”. 

Thời gian qua Yên Bái đã và đang triển khai nhiều giải pháp để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh thương mại dịch vụ. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì các cấp chính quyền, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương cần triển khai nhanh, kịp thời các gói hỗ trợ để các đơn vị, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh hiệu quả. 

 Quang Thiều

Tags Yên Bái biện pháp khôi phục hoạt động kinh doanh

Các tin khác
Sắn củ thu hoạch trên các đảo ở hồ Thác Bà.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,02 triệu tấn, trị giá tương đương với 349 triệu USD (tăng 11,5% về khối lượng và giảm 0,01% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị.

Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

Sáng 9/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Sáng nay, 9-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phục hồi nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục