Em Nguyễn Thị Lan, sinh viên năm 2 một trường đại học ở Hà Nội, một hành khách quen thuộc với dịch vụ xe ghép, cho biết: "Hiện nay, dịch vụ "xe ghép” được chia sẻ hàng ngày trên mạng xã hội Facebook, Zalo với khung giờ đi, đến, giá vé và đầy đủ số điện thoại lái xe. Chỉ cần lựa chọn một nhà xe bằng hình thức tương tác qua mạng xã hội là vài phút sau sẽ nhận được cuộc gọi kết nối để chốt chuyến".
Theo một số người đã sử dụng dịch vụ này, mặc dù giá thành cao hơn so với sử dụng các loại hình vận tải truyền thống, nhưng sử dụng "xe ghép” khá tiện lợi, khách hàng được đưa đón tận nơi, giờ giấc có thể linh hoạt bởi 1 tuyến sẽ có nhiều đầu xe phục vụ.
Trong vai hành khách, chúng tôi đặt tuyến xe từ Yên Bái đi Hà Nội qua Facebook. Sau 5 phút đặt lịch, chủ xe gọi điện hỏi điểm đón, nơi đến, với 250.000 nghìn đồng/lượt cho quãng đường từ Yên Bái đến Hà Nội. So với dịch vụ xe khách công cộng thì giá "xe ghép” cao hơn 2 lần. Tuy nhiên, thay vì phải chờ xe và chỉ đến một bến cố định thì dịch vụ "xe ghép” đón khách tại nhà và trả tại điểm muốn đến, bảo đảm trong khung thời gian khách cần. Tương tự, với những địa phương khác, như: Yên Bình, Trấn Yên... đều có thể dễ dàng tìm kiếm những fanpage của dịch vụ "xe ghép”.
Để nâng cấp dịch vụ và bảo đảm khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi, hầu hết tại các tuyến, các tài xế "xe ghép” đều thành lập các hội và san sẻ khách cho nhau. Vì vậy, việc chờ xe đủ khách đã không còn lâu như trước. Theo tìm hiểu, hiện có nhiều lái xe đã thành lập nhóm, hội "xe ghép” phục vụ các tuyến liên tỉnh và một số tuyến ngoại tỉnh.
Anh Hoàng Văn Hải, một lái xe ghép tuyến Yên Bái - Hà Nội, cho biết: "Nhóm của tôi có 4 đầu xe từ 4 đến 6 chỗ, luân phiên chạy vào các giờ cố định trong ngày. Các xe cùng nhận khách và dồn khách cho nhau trong cùng nhóm, khách không phải chờ lâu, quan trọng là cùng gây dựng chất lượng, uy tín để phục vụ lâu dài. Chuyển từ taxi sang "xe ghép”, tôi có lượng khách ổn định, đều hơn”.
Theo khảo sát nhanh của phóng viên, các tuyến xe Yên Bái - Hà Nội, Yên Bái - Lào Cai, Yên Bái - Thái Nguyên... đều có từ 4 đến 6 đầu xe thành lập nhóm vận chuyển hành khách. Tuy nhiên, khi được hỏi về việc các quy định cho xe được chở, vận chuyển hành khách, các lái xe đều có chung câu trả lời: "Nếu bị kiểm tra cứ nói xe chở người nhà đi du lịch, thăm họ hàng hoặc đi chơi...”.
Trên thực tế, các "xe ghép” đều không đăng ký kinh doanh chở khách. Giá từng chuyến đi do chủ xe và khách hàng tự thỏa thuận, đương nhiên là không bán vé cho khách như các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống. Do đó, việc nở rộ hình thức "xe ghép” bên cạnh mang lại những lợi ích trước mắt cho khách hàng thì vô hình chung dịch vụ này không chỉ làm hỗn loạn thị trường kinh doanh vận tải hành khách mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải hành khách truyền thống.
Trao đổi với anh Nguyễn Văn Hùng, lái xe taxi Sơn Hòa, được biết: Chạy "xe ghép” điều kiện khá dễ dàng, chỉ cần có một chiếc xe, không phải kê khai đăng ký, không nộp thuế, không phải trích đóng doanh thu... nên loại dịch vụ xe này ngày càng nhiều; đã có nhiều người từng là lái taxi, xe khách đường dài, thậm chí đang làm công nhân cũng chuyển sang lái thuê cho các ông chủ xe ghép hoặc tự sắm xe để làm dịch vụ.
Song, đây là hình thức vận tải tự phát, chưa được cơ quan có thẩm quyền quản lý nên nếu xảy ra sự cố ngoài ý muốn, hành khách sẽ không được bảo vệ và giải quyết quyền lợi theo quy định của pháp luật. Vì vậy, bên cạnh những khách hàng chuyên dùng dịch vụ xe ghép thì tỷ lệ khách hàng trung thành với các dịch vụ vận tải truyền thống vẫn khá cao.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid -19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc khách hàng lựa chọn một loại hình dịch vụ không được cơ quan chức năng kiểm duyệt, quản lý sẽ gây khó khăn trong việc bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Quang Thiều