Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, những năm qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lục Yên đã đẩy mạnh Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững”.
Hàng năm, Hội đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện tổ chức 450 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho gần 20.000 lượt hội viên, góp phần nâng cao nhận thức cho hội viên về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi từ nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với quy mô lớn.
Huyện đã hình thành một số vùng thâm canh tập trung như: lúa, ngô, rau, đậu ở các xã Lâm Thượng, Yên Thắng, Minh Xuân, Liễu Đô; nuôi cá lồng ở Phan Thanh; trồng và chế biến chè ở Trúc Lâu, Động Quan; măng mai ở Lâm Thượng, Khánh Thiện, Mai Sơn, An Phú; cam sành, cam Vinh, quýt vỏ giòn, bưởi da xanh ở Khánh Hòa, An Lạc, Mường Lai… Một số sản phẩm chất lượng cao có uy tín trên thị trường tiếp tục được phát triển mở rộng như: lạc đỏ, gạo nếp cái Khánh Thiện, cam sành, măng mai, cà pháo giòn, vịt bầu, cá bỗng, gà thiến…
Để liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, Hội đã thành lập 95 mô hình kinh tế tập thể với gần 600 hội viên tham gia gồm: 13 hợp tác xã, 82 tổ hợp tác và 73 tổ hội nghề nghiệp với 396 thành viên hoạt động ở tất cả 24 xã, thị trấn.
Bà Lương Vân Hường - Chủ tịch HND huyện Lục Yên cho biết: "Những mô hình kinh tế tập thể thực hiện với quy mô lớn đều hoạt động rất hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động tại chỗ. Các chương trình dự án hỗ trợ hội viên, chúng tôi thường xuyên kiểm tra và được đánh giá đạt kết quả khá tốt, giúp nhiều gia đình hội viên trước đây là hộ nghèo, cận nghèo thì nay vươn lên có kinh tế trung bình và khá giả.
Hội còn phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua 94 tổ tiết kiệm vay vốn tạo điều kiện cho 3.239 hộ vay vốn với số tiền trên 144 tỷ đồng; với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông qua 182 tổ tiết kiệm vay vốn cho 4.022 hộ vay số tiền trên 234 tỷ đồng. Sử dụng hiệu quả đồng vốn vay nên hàng năm, trên 500 hộ hội viên thoát nghèo bền vững”.
Những năm gần đây, nhiều chủ hộ đã đầu tư chuồng trại chăn nuôi, hệ thống làm mát, uống nước tự động, hầm biogas…, đảm bảo vệ sinh môi trường. Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong việc bón phân sinh học.
Thực hiện Phong trào "Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, từ năm 2016 đến nay, trên lĩnh vực trồng trọt toàn huyện có 12.125 lượt mô hình được công nhận SXKDG; lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản có 12.742 lượt mô hình được công nhận SXKDG; lĩnh vực lâm nghiệp có 99.896 lượt mô hình được công nhận SXKDG; lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp và kinh doanh dịch vụ có 106 lượt hộ được công nhận SXKDG…
Điển hình như các hội viên: Nguyễn Thị Hiền, thôn Thâm Pồng, xã Yên Thắng trồng cây ăn quả và chăn nuôi, thu nhập gần 200 triệu đồng/năm; Nguyễn Hữu Chỉnh, tổ dân phố số 8 thị trấn Yên Thế, chăn nuôi và kinh doanh tổng hợp, thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; Đăng Văn Đính, Chi hội 4 - Vàn, xã Phúc Lợi, sản xuất VAC tổng hợp, thu nhập trên 150 triệu đồng/năm...
Với nhiều nỗ lực, từ 2016 đến nay, toàn huyện có 2.409 lượt tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành khen thưởng về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội. Hàng năm, trên 13.000 hộ hội viên đạt gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ trên 80%...
Thời gian tới, Hội Nông dân huyện Lục Yên tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, đẩy mạnh các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; chú trọng việc kết nạp hội viên mới; triển khai hiệu quả các phong trào thi đua; tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm… phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thạch Phong