Theo ông Phạm Trung Lân - Phó Giám đốc Sở Công Thương, tỉnh chủ trương phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả và thân thiện với môi trường. Một số ngành, lĩnh vực: công nghiệp sản xuất chế biến nông lâm sản; khai thác chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất điện và công nghiệp chế tạo, lắp ráp, sửa chữa cơ khí; điện tử; hỗ trợ là các ngành công nghiệp mà tỉnh có tiềm năng thế mạnh. Đến nay, sản phẩm tinh bột sắn của Yên Bái đã đạt sản lượng 20.000 tấn/năm, có 65 nhà máy sản xuất chè với sản lượng đạt 30.000 tấn chè khô xuất khẩu/năm. Ngành sản xuất chế biến gỗ có trên 400 cơ sở, sản lượng gỗ chế biến các loại hàng năm đạt trên 200.000 m3.
Với tiềm năng lớn về khoáng sản, đặc biệt là đá vôi trắng, Yên Bái đã có 112 mỏ được đưa vào khai thác; trên 50 doanh nghiệp đầu tư chế biến khoáng sản. Nhiều loại khoáng sản đã được khai thác và chế biến hiệu quả cao, công nghệ hiện đại như: xi măng lò quay đạt 1,8 triệu tấn/năm; khai thác và chế biến đá vôi trắng đạt sản lượng 1,5 triệu tấn/năm; khai thác một số khoáng sản khác phục vụ cho chế biến trong và ngoài tỉnh như quặng sắt, chì kẽm, graphite, đất hiếm...
Cùng với các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, tỉnh đã quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng 3 khu công nghiệp với tổng diện tích là hơn 628 ha; 12 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 548 ha. Qua đó, hàng năm, sản xuất công nghiệp đóng góp cho ngân sách Nhà nước 30% tổng thu cân đối trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động.
Để công nhiệp Yên Bái trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, công nghiệp chế biến nông lâm sản sẽ được cơ cấu lại trên cơ sở gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao trong sản xuất, chế biến theo hướng tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; tăng cường liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ưu tiên thu hút một số dự án có quy mô vừa và lớn, chủ lực trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm gỗ dán, gỗ ghép thanh, gỗ ván ép như: đồ gỗ nội thất, dân dụng, gỗ lắp ráp; các sản phẩm tinh bột sắn, tinh dầu quế, măng tre, tơ tằm, chè cao cấp; các sản phẩm thực phẩm, thủy sản; chế biến rau quả, phát huy lợi thế của từng địa phương, phù hợp với mục tiêu phát triển công nghiệp nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chế biến nông lâm sản, thực phẩm ở vùng cao.
Với ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sẽ tăng cường đầu tư chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm, thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường; rà soát, thu hồi các dự án đầu tư không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ theo quy định của pháp luật, tiến tới chấm dứt cấp phép đầu tư đối với các dự án khai thác, tiêu thụ sản phẩm thô. Tập trung phát triển một số sản phẩm có tiềm năng, sản lượng lớn, giá trị cao tạo bước đột phá: đá vôi trắng, Kaolin, Felspat, Grafit, đất hiếm, chì kẽm, đồng...
Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng công nghệ cao như: sản xuất kính, đá ốp lát nhân tạo, sơn, vật liệu Composite, gạch chịu lửa, gạch xây xốp, ngói màu, tấm lợp tôn xốp, ống nhựa, tấm nhựa, ống kẽm, sơn công nghiệp, sứ điện cao cấp, sứ dân dụng, sứ vệ sinh và các sản phẩm cao cấp khác...
Công nghiệp sản xuất điện, sẽ phát triển theo hướng khuyến khích đầu tư các dự án sản xuất điện mới, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, điện áp mái, điện sinh khối, điện khí sinh học). Chỉ xem xét, chấp thuận cho khảo sát, nghiên cứu đầu tư các dự án thủy điện nhỏ có quy mô công suất từ 10 MW trở lên đảm bảo không tác động lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân, không ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, không sử dụng đất rừng tự nhiên...
Phát triển ngành công nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành công nghiệp cả nước, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là định hướng cho thời gian tới của tỉnh Yên Bái. Từ đó, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của địa phương và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Yên Bái quan tâm ưu tiên đầu tư nguồn lực để phát triển dựa trên tiềm năng, thế mạnh là định hướng phát triển theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Ưu tiên lựa chọn các dự án công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghiệp sạch, công nghệ sinh học. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, trên cơ sở xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ngành công nghiệp với nông nghiệp và các ngành dịch vụ liên quan. |
Thành Trung