Nhiều hộ dân đã đầu tư mở rộng quy mô chuồng trại, đàn vật nuôi, chuyển từ chăn nuôi nhỏ, lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân...
Vốn là hộ có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, nên ngay khi được chính quyền địa phương thông tin về những chính sách hỗ trợ trong NQ 69, gia đình ông Nguyễn Văn Hàm, thôn Đập Đóm, xã Đông An mạnh dạn đăng ký mô hình chăn nuôi trâu quy mô từ 10 con trở lên.
"Nhà tôi nuôi trâu từ nhiều năm nay, nhưng do vốn ít nên chỉ dừng lại ở vài ba con. Khi biết thông tin các cấp chính quyền triển khai chính sách hỗ trợ về chăn nuôi theo NQ 69 của tỉnh, vợ chồng tôi đăng ký tham gia. Từ số tiền tích cóp và vay mượn được, tôi mở rộng quy mô chuồng trại nuôi thêm trâu nái. Hiện nay, với 3 con trâu nái, 1 trâu đực, bình quân mỗi năm gia đình tôi xuất bán được 3 con nghé trở lên”.
Theo rà soát của xã Đông An, từ năm 2021, toàn xã đã có trên 60 hộ đăng ký tham gia chăn nuôi hàng hóa; trong đó, đa phần là các mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con trở lên; nuôi lợn nái sinh sản 15 con trở lên; nuôi kết hợp 5 lợn nái, 50 lợn thịt...
Ông Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trên cơ sở các mô hình đăng ký, xã tổ chức lựa chọn, rà soát các hộ có tiềm lực, tâm huyết để tư vấn kỹ thuật, tư vấn hồ sơ làm thủ tục; đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị nông nghiệp huyện đến tư vấn về kỹ thuật chăm sóc, vệ sinh chuồng trại, cách nhận biết và phòng, chống các loại dịch bệnh có thể phát sinh. Nhờ đó, phần lớn các mô hình chăn nuôi hàng hóa theo NQ 69 đều đang phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị ngành chăn nuôi và quan trọng hơn là tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người dân”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, từ năm 2021 đến nay, Văn Yên có trên 530 hộ đăng ký tham gia chương trình hỗ trợ chăn nuôi theo hướng hàng hóa của NQ 69. Để tạo "đòn bẩy” đưa chăn nuôi phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, phổ biến nội dung của NQ 69 đến toàn thể người dân; xây dựng kế hoạch, tổ chức các hội nghị, hội thảo bàn các nhiệm vụ, kế hoạch và giải pháp thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn...
Với sự vào cuộc quyết liệt đó, NQ 69 đã bước đầu tạo nên những chuyển biến tích cực trong sản xuất nông - lâm nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng ở huyện Văn Yên.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "NQ 69 của HĐND tỉnh đã trở thành động lực giúp hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện có thêm nguồn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống, phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung quy mô lớn, thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, thông qua chính sách này, đã hạn chế tình trạng chăn thả gia súc tự do tại các xã vùng cao, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng đàn gia súc gắn với việc kiểm soát được dịch bệnh, tận dụng được nguồn chất thải sử dụng làm phân bón cho sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường. Kết thúc năm 2021, đàn gia súc của huyện đạt gần 128.000 con, vượt gần 21% so với cùng kỳ năm 2020; tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt gần 13.700 tấn, vượt hơn 5.000 tấn so với cùng kỳ năm 2020”.
Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các nội dung của NQ 69, huyện Văn Yên tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ đăng ký đợt 2; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi; đẩy nhanh tiêm phòng vắc - xin các loại; tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng con giống. Đồng thời, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ đăng ký thực hiện hoàn thiện chuồng trại, mua con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu, giải ngân theo quy định.
Hùng Cường