“Thẻ thông hành” cho nông sản xuất khẩu Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ năm, 30/6/2022 | 7:43:13 AM

YênBái - Mã số vùng trồng (MSVT) được coi là "thẻ thông hành” để nông sản xuất khẩu sang thị trường chính ngạch. Tuy nhiên, Yên Bái là một trong số ít các tỉnh, thành còn lại chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp MSVT.

Quế là nông sản chủ lực của Yên Bái nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng.
Quế là nông sản chủ lực của Yên Bái nhưng chưa có tổ chức, cá nhân nào được cấp mã số vùng trồng.

Là một tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ hợp lý, đến nay, Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực gồm: vùng quế trên 81.000 ha, tre măng Bát độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha. 

Nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 40 triệu USD/năm, chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện hầu hết các vùng nông sản kể trên chưa được cấp MSVT. 

Theo Điều 64, Luật Trồng trọt số 31/2018/QH14 thì MSVT là mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đây cũng là điều kiện bắt buộc cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu. 

Việc cấp MSVT không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu, giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm. 

Chính vì vậy, tại các địa phương khác, việc cấp MSVT luôn được quan tâm và xác định là con đường nhanh nhất để các loại nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ... 

Đơn cử như Sơn La, hiện, tỉnh này được cấp 220 MSVT với tổng diện tích 4.852 ha gồm các vùng cây ăn quả như: nhãn, xoài, chuối, thanh long để xuất khẩu chính ngạch đi một số nước: Úc, New Zealand, Trung Quốc. 

Điển hình về lợi ích thiết thực về cấp MSVT phải kể đến quả vải Bắc Giang, khi giữa tâm dịch năm 2021, địa phương này vẫn xuất khẩu được 90.000 tấn vải với tổng doanh thu trên 6.800 tỷ đồng khi quả vải có đầy đủ "thẻ thông hành”. Trong đó, có cấp MSVT, cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý và có sự liên kết chặt chẽ với những đơn vị xuất khẩu. Qua đó để thấy được tầm quan trọng của MSVT đối với các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh. 

Nguyên nhân chính việc cấp MSVT trên địa bàn còn hạn chế là do hầu hết các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh chủ yếu phục vụ thị trường nội địa. 

Hơn nữa, không phải quốc gia, thị trường nhập khẩu nông sản nào cũng đưa tiêu chuẩn về MSVT vào quy định xuất, nhập khẩu, dẫn đến các cơ sở, tổ chức cá nhân sản xuất trồng trọt chưa chú trọng. Hơn nữa, quy trình được cấp và duy trì MSVT còn mất nhiều công sức, nông sản phải được sản xuất theo một quy trình nhất định từ yêu cầu về diện tích, điều kiện canh tác đến sổ sách ghi chép, vệ sinh trên đồng ruộng, thành phần dịch hại trong vùng sản xuất, yêu cầu về thuốc bảo vệ thực vật… 

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT& BVTV) thực hiện nhiệm vụ cấp MSVT cho các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa năm 2022-2025. 

Theo đó, Chi cục TT&BVTV xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cấp MSVT và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa trên địa bàn tỉnh theo từng năm. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh đăng ký cấp MSVT, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. 

Được biết, hiện, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam đã tổ chức khảo sát đánh giá sơ bộ một số vùng trồng chè có tiềm năng cấp MSVT phục vụ xuất khẩu; trong đó, có vùng trồng chè thuộc Công ty TNHH Thành An thôn Bu Thấp, xã Suối Bu, huyện Văn Chấn; vùng trồng chè thôn Giàng B xã Suối Giàng thuộc Công ty TNHH Sổng Gia Trà; vùng trồng chè Công ty Thực phẩm Phú Tài. 

Thời gian tới, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau Nhập khẩu I sẽ phối hợp cùng Chi cục TT&BVTV tập huấn cho các doanh nghiệp này để thực hiện cấp MSVT. Ngoài ra, hiện nay, Chi cục TT&BVTV cũng đang trực tiếp đến tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ cho các cơ sở, tổ chức cá nhân sản xuất trồng trọt trên địa bàn các bước để đăng ký cấp MSVT phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Trong đó, phải kể đến các vùng trồng cây ăn quả như cam, bưởi tại các huyện Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình… 

Việc làm này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường và hướng tới xuất khẩu mà còn đáp ứng một trong các nội dung về tiêu chí số 13 về "Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn” trong Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là xã phải có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững; thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực của xã gắn với xây dựng vùng nguyên liệu và được chứng nhận VietGAP hoặc tương đương… 

Do đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh rà soát, đánh giá tiềm năng sản xuất các nông sản chủ lực, cây trồng có lợi thế có doanh nghiệp thu mua, chế biến để cấp mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa, hướng tới xuất khẩu. 

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân về sự cần thiết cấp MSVT cũng như các điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn sản xuất để cấp MSVT; phối hợp với ngành nông nghiệp tập huấn cho cán bộ kỹ thuật về tiêu chí liên quan đến kiểm tra, giám sát vùng trồng. 

Ngoài ra, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách liên kết tiêu thụ sản phẩm của tỉnh trong việc cấp MSVT với các dự án liên kết phù hợp nhằm động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp MSVT, mã số cơ sở đóng gói. 

Qua đó, góp phần quan trọng đưa nông sản có thể tiếp cận với các thị trường lớn và khó tính, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường và nâng cao giá trị nông sản; đồng thời, giúp người nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Thông Nguyễn

Tags Yên Bái nông sản xuất khẩu tre măng Bát độ quế sơn tra

Các tin khác
Dự kiến kế hoạch cấp mới chứng chỉ rừng FSC, VFCS/PEFC của Yên Bái năm 2022 là 12.894,4 ha. Trong ảnh: Rừng trồng trên địa bàn huyện Yên Bình.

Đến thời điểm hiện tại, Yên Bái hoàn thành cấp chứng chỉ rừng FSC, VFCS/PEFC cho 4.347,9 ha. Diện tích đã hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đánh giá, hiện đang khắc phục sửa lỗi, chờ cấp chứng chỉ rừng FSC là 6.757,8 ha.

Nông dân huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, nhổ bỏ lúa ma.

Không chỉ Hà Nam, lúa ma còn xuất hiện tại nhiều tỉnh thành miền Bắc với tổng diện tích bị thiệt hại gần 1.800 ha, theo Cục Bảo vệ thực vật.

Ra mắt thành viên Ban chấp hành mới.

Chiều 29/6, Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Ban chấp hành (BCH) lần thứ XIV (mở rộng) đánh giá công tác Hội 6 tháng đầu năm. Dự Hội nghị có đồng chí Đỗ Quang Minh - Bí thư Đảng uỷ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh.

Phát triển chăn nuôi theo hình thức bán công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Minh An, huyện Văn Chấn.

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái quyết tâm xây dựng, phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) bền vững.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục