HỢP TÁC XÃ KIỂU MẪU - TƯ DUY MỚI
Sau 10 năm Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 đi vào thực tiễn, các HTX không chỉ thay đổi cơ cấu bộ máy, mở rộng quy mô mà còn đổi mới tư duy, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Tiên phong liên kết chuỗi
HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, xã Bình Thuân, huyện Văn Chấn được thành lập năm 2004, đến năm 2015 thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX và tập trung đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Sau khi chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới, HTX Kiến Thuận đã tiến hành ký hợp đồng cung cấp dịch vụ và bao tiêu sản phẩm với từng thành viên HTX và các hộ dân liên kết. Hiện tại, HTX đang ký hợp đồng cung cấp dịch vụ, bao tiêu sản phẩm với thành viên HTX và hàng trăm hộ trồng chè.
Theo đó, các hộ thành viên và người dân được HTX hoạch định chiến lược phát triển, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường từ 300 - 500 đồng/kg. Cuối năm, dựa trên hiệu quả xuất khẩu, HTX sẽ hỗ trợ bà con 150.000 - 300.000 đồng/hộ/tháng. Đến nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu của HTX đạt khoảng 300 ha và đang liên tục gia tăng theo từng năm.
Bên cạnh đó, HTX còn ký kết hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với các công ty trong và ngoài tỉnh để nâng cao chất lượng sản phẩm. Với những cải tiến không ngừng, hiện sản phẩm của HTX đã đạt tiêu chuẩn, chất lượng của Công ty Unilever Việt Nam để xuất khẩu trực tiếp sang các nước châu Âu.
Với những giải pháp cụ thể, đúng hướng trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận đã từng bước khẳng định được uy tín, vị thế, trở thành một trong những HTX quy mô nhất tỉnh. Từ bước khởi đầu thành lập HTX chỉ có 30 thành viên, vốn điều lệ trên 800 triệu đồng, đến nay, HTX đã có 65 thành viên và gần 100 người lao động, số vốn điều lệ tăng lên 3,9 tỷ đồng.
Ông Đỗ Văn Lừng - Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận cho biết: "Thời gian tới, HTX tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích vùng nguyên liệu chè, hướng dẫn thành viên, người lao động và bà con đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chú trọng thực hiện bón đúng, đủ theo quy trình, tăng cường sử dụng các loại phân hữu cơ, phân vi sinh, phân bón lá, sản xuất chè theo quy trình an toàn để vừa tăng năng suất, sản lượng, vừa nâng cao chất lượng chè, từ đó nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, tăng khả năng tiếp cận với một số thị trường khó tính như các nước EU”.
Cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng và hiệu quả
Năm 2014, HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên chính thức đi vào hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới. Cùng với tinh gọn bộ máy quản lý, điều hành, HTX chú trọng áp dụng các biệp pháp cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Theo đó, HTX đầu tư dây chuyền băm, nghiền ép cành, lá quế tận dụng cành, lá đã chiết xuất tinh dầu ép thành chất đốt, phục vụ các nhà máy sản xuất nhiệt tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội và Bắc Ninh; sản xuất phân bón hữu cơ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản..., nâng giá trị cây quế lên 40% so với trước.
Bên cạnh đó, HTX 6/12 liên kết hợp tác với HTX nông lâm nghiệp tổng hợp Công Tâm (huyện Văn Yên) và Công ty An Thịnh Cường Phát (huyện Văn Yên) phát triển chuỗi sản phẩm quế để tạo ra vòng tròn khép kín giữa người sản xuất - HTX - doanh nghiệp - thị trường.
Nhờ đó, HTX 6/12 đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, trở thành mô hình HTX nông nghiệp điển hình của tỉnh Yên Bái, được phát triển nhân rộng trên địa bàn huyện Trấn Yên và một số huyện của tỉnh như Văn Yên, Văn Chấn...
Doanh thu năm 2021 của HTX đạt trên 33 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 35 thành viên và trên 50 lao động tại địa phương với mức lương bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng; hàng năm nộp ngân sách từ 500 - 800 triệu đồng.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của các HTX được tăng cường quảng bá, bày bán tại các hội chợ, gian hàng thương mại.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX 6/12 cho biết: "Việc tổ chức lại hoạt động của HTX theo Luật HTX mới đã nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của chính quyền địa phương, thành viên HTX và các hộ dân trên địa bàn. Số lượng thành viên tham gia HTX tăng lên 30 người, vốn điều lệ tăng 3,15 tỷ đồng".
Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc mới với sự tin tưởng ủng hộ của các thành viên trong xây dựng phát triển kinh tế tập thể, cùng với sự tác động đúng đắn của Luật HTX 2012 đã từng bước giúp HTX 6/12 nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; biết gắn kết giữa sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, đổi mới, đầu tư mở rộng nhà xưởng, mua sắm, nâng cấp máy móc thiết bị phù hợp, cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Mở hướng đi mới
Hơn 2 năm qua, trong khó khăn chung của nền kinh tế, các thành phần kinh tế trong đó có kinh tế tập thể phải chịu những tác động tiêu cực do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nhiều HTX, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí phải dừng hoạt động hoặc rút lui khỏi thị trường.
Song, vẫn có những đơn vị vượt khó đi lên, năng động, sáng tạo, mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm để tìm hướng đi mới, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi, huyện Văn Yên là một điển hình như thế. Hội đồng Quản trị HTX, đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Ký đã xác định chủ trương ngay từ khi mới thành lập HTX, đó là: Sản xuất hiện đại là điều kiện tất yếu để tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với giá trị bền vững.
Qua khảo sát, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa có đơn vị nào đầu tư vào lĩnh vực tái chế nhiệt phân lốp xe và sản xuất dầu nhiệt phân F0-R. Sau quá trình học hỏi kinh nghiệm, HTX Thắng Lợi tiên phong và mạnh dạn đầu tư Nhà máy sản xuất dầu F0-R tại Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh Yên Bái với diện tích 10.000 m2 , vốn đầu tư ban đầu là 35 tỷ được huy động từ các thành viên của HTX.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định, đảm bảo quyền lợi và chế độ cho người lao động với mức thu nhập từ 9 - 16 triệu đồng/người/tháng; trong quý I/2022, nộp ngân sách Nhà nước trên 500 triệu đồng.
Bằng sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, nhiều năm nay, HTX Thắng Lợi không chỉ là lá cờ đầu của kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái mà còn là đơn vị điển hình trong hệ thống Liên minh HTX Việt Nam. Với hướng đi mới, sản phẩm dầu F0-R và các phụ phẩm do HTX Thắng Lợi sản xuất không chỉ đem lại hiệu quả về mặt kỹ thuật và kinh tế mà còn an toàn, thân thiện môi trường.
■ Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh:
Để kinh tế tập thể (KTTT) cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, trong thời gian tới, chúng tôi xác định phải bám sát Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20) và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy Yên Bái để khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy KTTT tỉnh phát triển về số lượng, đảm bảo về chất lượng hoạt động.
Bên cạnh đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng tăng cường định hướng cho các tổ chức KTTT hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho thành viên và người lao động, phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 8.400 tổ hợp tác, 1.200 hợp tác xã với khoảng 77.000 thành viên; bảo đảm trên 65% tổ chức KTTT của tỉnh đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị.
■ Ông Hà Ngọc Toanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, huyện Trấn Yên:
Hiện nay, việc vận động thành viên tham gia vào HTX còn nhiều khó khăn, nhất là về vốn góp, về trình độ nhận thức cũng như độ tin cậy. Vì thế, để đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức tập thể, theo tinh thần Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương, thời gian tới, khi sửa đổi Luật HTX cần quy định mỗi HTX có ít nhất 10 thành viên trở lên, đồng thời thay đổi tỷ lệ góp vốn của mỗi thành viên lên thành 30% thay vì 20% như hiện nay. Có như vậy, HTX mới hoạt động hiệu quả trong bối cảnh nền kinh tế đang có những bước chuyển dịch mạnh mẽ.
■ Ông Lù A Câu - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông, huyện Mù Cang Chải:
Thời gian tới, chúng tôi dự định không chỉ mở rộng quy mô sản xuất, chế biến chè xanh thông thường mà còn sản xuất các loại chè chất lượng cao như: chè xanh chất lượng cao loại đặc biệt, hồng trà, bạch trà…
Ngoài ra, HTX còn phát triển các ngành nghề như dịch vụ du lịch sinh thái, sản xuất các loại tinh dầu thực vật mà địa phương có sẵn nguyên liệu hoặc có tiềm năng phát triển nguyên liệu như quả bằng tang, xả....
Tuy nhiên, để làm được điều đó, HTX cần có nguồn vốn nhất định, nhưng việc tiếp cận nguồn vốn của ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn do HTX không có tài sản thế chấp.
Do vậy, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách dành riêng cho các HTX khởi nghiệp, đặc biệt là HTX nông nghiệp đang hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, do người dân tộc thiểu số ít người trực tiếp điều hành. |
KINH TẾ HỢP TÁC CHUYỂN ĐỘNG ĐÚNG HƯỚNG
Nghị quyết số 20 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng, "Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”.
Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, thời gian qua, khu vực KTTT với nòng cốt là các HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực về cả số lượng và chất lượng, thể hiện vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Vùng nguyên liệu chè của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, huyện Văn Chấn.
Phát triển cả lượng và chất
KTTT với lực lượng cốt lõi để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, tỉnh Yên Bái luôn quan tâm và triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ thành lập mới HTX.
Những tháng đầu năm 2022, mặc dù đối mặt với giá cả thị trường, nguyên liệu đầu vào thường xuyên biến động, khu KTTT với nòng cốt là các HTX đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh vẫn thành lập mới được 44 HTX và 287 THT đăng ký thành lập mới.
Đến nay, toàn tỉnh có 610 HTX hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực, trong đó có 370 HTX nông nghiệp, 89 HTX công nghiệp, 107 HTX thương mại dịch vụ, 18 HTX xây dựng, 9 HTX giao thông vận tải và 17 quỹ tín dụng nhân dân. Không chỉ quan tâm phát triển số lượng, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được nhiều mô hình HTX kiểu mới, HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực có quy mô lớn và sức lan tỏa.
Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nhiều HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực như quế, măng tre Bát độ, chè... Điển hình là HTX Quế Hồi Việt Nam xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên.
Được thành lập tháng 4/2017 với 22 thành viên, tạo việc làm ổn định cho hơn 100 công nhân và hơn 200 lao động thời vụ.
Với chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông sản xuất khẩu, HTX đã góp phần tạo bước chuyển biến lớn trong phát triển cây quế theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo đó, HTX hướng dẫn người dân sản xuất hữu cơ; quá trình trồng, chăm sóc, thu hoạch đều tuân thủ theo tiêu chuẩn quốc tế.
Nhờ vậy, giá trị cây quế, hồi tăng lên gấp hai lần, từ 40 triệu đồng lên 80 đến 100 triệu đồng/ha/năm. Hiện, hơn 500 ha quế, hồi hữu cơ chất lượng cao của HTX đạt chứng nhận quốc tế về an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), đang cung cấp cho các thị trường lớn là EU, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản...
Cũng phát triển gắn với chuỗi giá trị, các HTX đã phát huy được khả năng hợp tác của HTX từ khâu cung cấp nguyên liệu đầu vào, khâu hướng dẫn kỹ thuật, sơ chế cho đến tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, góp phần tạo việc làm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên.
Phải kể đến mô hình sản xuất chè đen thành phẩm xuất khẩu của HTX dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, HTX Vạn Hoa (Văn Chấn); mô hình sản xuất quế hữu cơ xuất khẩu của HTX Quế Hồi Việt Nam; mô hình sản xuất măng tre Bát độ của các HTX tại huyện Trấn Yên; mô hình chưng cất tinh dầu quế và sả của các HTX của huyện Văn Yên và huyện Trạm Tấu; mô hình chăn nuôi gà của HTX dịch vụ tổng hợp MQ; mô hình trồng rau, củ an toàn của HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Thành...
Tăng nguồn lực để phát triển
Bên cạnh những kết quả ban đầu đã đạt được kinh tế HTX còn nhiều hạn chế. Số lượng các HTX đã tăng, nhưng tỷ lệ HTX hoạt động trung bình, yếu chiếm tỷ lệ còn cao. Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế; việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; đất đai để mở mang nhà xưởng, hạng mục công trình của các HTX còn khó khăn...
Để KTTT, HTX ngày càng khẳng định vị trí, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục quan tâm lãnh đạo, thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của KTTT, HTX thông qua hàng loạt các cơ chế, chính sách về phát triển KTTT, trong đó phải kể đến Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 về một số chính sách về hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của KTTT, HTX, xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục tăng cường huy động nguồn lực xã hội để phát triển KTTT, HTX; bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách trung ương và địa phương để hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách phát triển HTX.
Nâng cao hiệu quả các hoạt động chuyển đổi số; đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất; tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực...
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh... để hỗ trợ tích cực cho KTTT, HTX. Tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX ở trung ương và nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, các quỹ khác để hỗ trợ HTX.
Theo lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh, để KTTT phát triển, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh phát triển các THT, HTX sản xuất gắn với ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao, công nghệ 4.0, an toàn thực phẩm, sản xuất hàng hóa lớn tập trung, có chất lượng đồng đều.
Qua đó, từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ ổn định về số lượng và chất lượng; tăng cường mối liên kết giữa các HTX với nhau và với các doanh nghiệp.
Hiện nay, doanh thu bình quân của một HTX đạt khoảng 945 triệu đồng; lãi bình quân của một HTX đạt khoảng 203 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt khoảng 4,83 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 5.930 THT thu hút 29.600 thành viên; doanh thu bình quân của một THT khoảng 300 triệu đồng; lãi bình quân của một THT khoảng 75 triệu đồng. Khu vực kinh tế HTX đã nộp ngân sách Nhà nước 19,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021.
|
Hùng Cường - Thanh Phúc