Có một lưu ý là năm 2021, VCCI đã điều chỉnh phương pháp luận và cách tính toán Chỉ số PCI. Nếu như năm 2020, VCCI đánh giá 10 chỉ số thành phần với 128 chỉ tiêu thì năm 2021 đánh giá 10 chỉ số thành phần với 142 chỉ tiêu.
Quá trình điều chỉnh này nhằm mục đích phản ánh trung thực môi trường kinh doanh tại Việt Nam và sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó VCCI đã loại bỏ 45 chỉ tiêu không còn phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng lại 2 chỉ số thành phần, đặc biệt đã bổ sung 59/142 chỉ tiêu mới.
VCCI đã tập trung đánh giá tính năng động và sự ủng hộ của chính quyền địa phương với khu vực kinh tế tư nhân; hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính; cắt giảm chi phí không chính thức; tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch; hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả, lợi ích do hiệp định FTA mang lại.
Đây là những yếu tố liên quan trực tiếp đến hạ tầng, nhân lực và các yếu tố môi trường, xã hội, cần sự nỗ lực liên tục trong nhiều năm thì mới đạt được sự cải thiện, chuyển biến rõ nét. Mặt khác, sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng, tác động trực tiếp, tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp cả nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Yên Bái nói riêng kỳ vọng nhiều hơn vào sự đồng hành của chính quyền các cấp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời, tận dụng tối đa hiệu quả, lợi ích do các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay.
Trên cơ sở dữ liệu kết quả báo cáo Chỉ số PCI của tỉnh Yên Bái năm 2021, có 6 chỉ số thành phần tăng điểm, 4 chỉ số thành phần giảm điểm.
Với 6 chỉ số thành phần tăng điểm, có 5 chỉ số thành phần có điểm số ở mức khá là trên 7 điểm, trong đó các chỉ số có sự cải thiện mạnh mẽ, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là: Chỉ số Tính năng động và tiên phong của chính quyền đạt 7,95 điểm, xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố, tăng 26 bậc so với năm 2020; Chỉ số Tiếp cận đất đai đạt 7,58 điểm, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm trước.
Đặc biệt, Chỉ số Tính minh bạch có sự gia tăng mạnh nhất về thứ hạng, tăng 36 bậc, từ vị trí 45/63 lên vị trí 9/63 tỉnh, thành; Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố, tăng 25 bậc; Chỉ số Cạnh tranh bình đẳng và Chi phí thời gian lần lượt tăng 32 bậc và 13 bậc.
Bên cạnh đó, có 4 chỉ số giảm điểm và không duy trì ổn định xu hướng cải thiện là: Chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp giảm 23 bậc, Chỉ số Đào tạo lao động giảm 19 bậc, Chỉ số Chi phí không chính thức giảm 19 bậc, Chỉ số Gia nhập thị trường giảm 1 bậc.
Đây là một trong những tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh.
Để sớm khắc phục vấn đề này, đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu cơ quan thường trực phối hợp với các thành viên Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh đánh giá lại toàn bộ các nội dung đạt thấp, đề ra các giải pháp cụ thể; chủ động triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi, đề xuất giải pháp tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp…
Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Yên Bái phấn đấu nâng cao chất lượng quản lý, điều hành từ tỉnh đến cơ sở, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn. Qua đó, tiếp tục thể hiện sự năng động, tinh thần tiên phong, thái độ làm việc trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề thực tiễn trong phát triển kinh tế của các cấp, các ngành, các địa phương đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá tích cực những năm qua.
Nguyễn Thơm