Đây là những nguyên nhân được Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ rõ khi đề cập đến câu chuyện giá thịt lợn ngoài chợ vẫn neo ở mức 140.000-150.000 đồng/kg.
Ông Tiến cho biết, gần 2 năm qua, giá thịt lợn hơi luôn ở mức thấp. Trong khi ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trên thế giới, giá nguyên liệu TĂCN trong nước từ đầu năm đến nay đều tăng từ 30-45% so với cùng kỳ năm 2021. Kéo theo đó, giá TĂCN thành phẩm cũng tăng từ 36-38%.
Nếu tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá TĂCN đã tăng gần 20 lần liên tiếp, chưa một lần giảm.
Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong một thời gian dài đẩy giá thành sản xuất lên mức trên dưới 60.000 đồng/kg lợn hơi nên giá bán thành phẩm cũng được điều chỉnh tăng theo.
Ngoài ra, giá thịt lợn tại Trung Quốc biến động lớn, Bộ NN-PTNT đã có chỉ đạo, cử đoàn lên biên giới kiểm tra nắm bắt tình hình và báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, kiểm soát vận chuyển lợn. Dù đã siết chặt nhưng việc giết mổ rồi chặt mảnh thịt lợn để tiện cho việc chở sang Trung Quốc vẫn xảy ra. Điều này cũng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn trong nước những ngày qua.
Chưa kể, kênh phân phối bây giờ đã khác trước khi có sự bao cấp của Nhà nước. Nay giá thịt lợn từ cửa chuồng trại đến bàn ăn chênh nhau khoảng 1,7 lần. Vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp điều tiết.
Những nguyên nhân trên dẫn tới giá thịt lợn tăng cao dịp gần đây. Tuy nhiên, theo ông Tiến, việc vận chuyển lợn qua biên giới đang được kiểm soát chặt hơn, tốc độ tăng trưởng đàn lợn trong nước duy trì ở mức 4,8% nên nguồn cung đảm bảo.
"Năm 2021, chúng ta giết mổ khoảng 51 triệu con lợn thương phẩm, năm nay, số lượng sẽ nhiều hơn. Bên cạnh đó, phấn đấu giữ đà tăng trưởng các loại thịt bò, thịt trâu, thịt gia cầm, các loại thủy hải sản để phục vụ thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán”, ông cho hay.
Do đó, giá lợn hơi đang dần hạ nhiệt về mức 68.000-70.000 đồng/kg. Theo ông, đây là mức chấp nhận được, không quá thấp cũng không quá cao, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi.
Bộ NN-PTNT đã và đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là các địa phương, doanh nghiệp, hộ chăn nuôi… đồng bộ các giải pháp để cố gắng kiềm chế, điều chỉnh giá TĂCN. Từ đó, đưa giá thành thực phẩm thịt lợn về mức hợp lý, không chênh lệch quá nhiều giữa giá từ chuồng tới chợ. Như vậy, người tiêu dùng có thể chấp nhận và người chăn nuôi được hưởng lợi, đồng thời không ảnh hưởng tới chỉ số CPI nói chung trong rổ thực phẩm, ông khẳng định.
Còn về vấn đề nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ông Phùng Đức Tiến thừa nhận, do năng lực sản xuất của ta còn hạn chế. Ví dụ, năng suất ta chỉ đạt 4,8 tấn/ha, trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, ở Mỹ năng suất đạt tới 132 quả/cây, còn chúng ta chưa được đến 70 quả…
Qua đó cho thấy, năng suất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam rất thấp.
Việc nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn là một nhu cầu. Tuy nhiên, không có nghĩa chúng ta để yên. Chính phủ đã có chỉ đạo kiểm soát và xây dựng một nền chăn nuôi tự chủ, như chuyển một số diện tích đất trồng trọt không hiệu quả sang trồng cây làm thức ăn chăn nuôi.
Bộ NN-PTNT vừa qua cũng chỉ đạo Tập đoàn Chăn nuôi phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi xây dựng một số HTX trồng sắn, trồng ngô ở các tỉnh Tây Nguyên, đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp việc sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đây là một trong những biện pháp đem lại hiệu quả trực tiếp vào việc giảm phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.
Cùng với đó, tập trung vào trồng ngô sinh khối, đẩy mạnh chế biến 1,5 triệu tấn phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho đại gia súc. Đây chính là giải pháp nhanh nhất nhằm tiết kiệm ngoại tệ, giảm lệ thuộc vào nhập khẩu, ông Tiến nhấn mạnh.
(Theo Vietnamnet)