Các cơ sở thu mua, chế biến quế cũng tạo ra nhiều việc làm cho người lao động... Hiệu quả kinh tế từ cây quế mang lại có lẽ không phải bàn nhiều. Tuy nhiên, chính những giá trị và lợi thế ấy đã khiến việc trồng quế ở Yên Bái không được kiểm soát, phá vỡ quy hoạch và nguy cơ canh tác thiếu bền vững. Thương hiệu quế Yên Bái có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Bắt đầu từ khâu giống. Các cụ xưa đã có câu "Tốt giống, tốt má - tốt mạ, tốt lúa” để nhấn mạnh vai trò của khâu giống trong sản xuất nông nghiệp. Kỹ sư Trần Quốc Thịnh - nguyên cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Một thành viên Lâm trường Việt Hưng cho biết: "Trong sản xuất lâm nghiệp, việc lựa chọn giống có yếu tố quan trọng và cần được thực hiện tốt các quy trình. Theo đó, chúng ta phải có vườn giống, rừng giống đạt tiêu chuẩn, cây bố mẹ khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, cây con sạch bệnh, đồng đều, không nhiễm sâu, bệnh từ vườn ươm”.
Ý kiến của chuyên gia là vậy, thực tế lại khác. Tại "thủ phủ” ươm quế giống (xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên), việc sản xuất giống ồ ạt, hạt giống không rõ nguồn gốc, không được lấy từ rừng giống được công nhận.
Khảo sát của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên cho thấy, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh giống trên địa bàn huyện có giấy đăng ký kinh doanh, đạt chứng nhận còn ít (20/509 cơ sở), chiếm 3,9% tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp. Số rừng giống hoặc vườn giống quế được công nhận để cung cấp vật liệu giống tốt, đảm bảo chất lượng cho sản xuất trên địa bàn tỉnh còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu trồng rừng của người dân.
Khâu giống là vậy, việc trồng, chăm sóc quế cũng còn rất nhiều vấn đề, cụ thể như: nhiều diện tích trồng trên đất không phù hợp, nghèo dinh dưỡng, đất chua... dẫn tới cây sinh trưởng chậm, chất lượng tinh dầu thấp, nhiều diện tích chưa áp dụng các biện pháp cải tạo, chống xói mòn sau nhiều chu kỳ trồng quế dẫn đến đất bị thoái hóa, nghèo kiệt dinh dưỡng.
Kỹ sư Triệu Khánh Thiện - nguyên cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp Trấn Yên cho biết: Đáng ngại nhất trong quá trình trồng quế của bà con ta là trồng quá dày. Nhiều nơi trồng với mật độ 10.000 - 15.000 cây/ha, cá biệt có hộ trồng tới 18.000 cây/ha. Với suy nghĩ trồng thật dày cho cỏ đỡ mọc, cây vươn nhanh, đỡ phải trồng dặm nếu cây chết và nhất là để tỉa thưa dần dần... dẫn tới tình trạng nương quế thiếu ánh sáng, cây quế chỉ tăng chiều cao, hạn chế tăng trưởng chiều ngang, vỏ mỏng, chất lượng quế giảm.
Chưa kể, nhiều diện tích quế sau thu hoạch vẫn còn tình trạng tận dụng chồi quế, sâu, bệnh còn lưu lại dẫn đến quế sinh trưởng không đồng đều, nhiều tầng cây. Ngoài ra, bà con chưa chú trọng đầu tư thâm canh. Hầu hết các hộ dân không sử dụng phân bón hoặc có sử dụng chưa đảm bảo quy trình kỹ thuật, không bón phân hữu cơ, chủ yếu tận dụng nguồn hữu cơ từ tự nhiên.
Khoảng 10 năm trở lại đây, rừng quế Yên Bái xuất hiện hai loại sâu hại với mức độ lây lan và tàn phá rất mạnh, đó là sâu đo và sâu róm. Nếu sâu, bệnh bùng phát vào đầu vụ ba thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây quế vì cây quế vừa ra lá non. Nếu sâu bùng phát vào vụ 8 thì còn nguy hiểm hơn vì cây quế sẽ kiệt sức khi bước vào mùa đông nên tỷ lệ cây chết là rất lớn.
Do diện tích quế quá lớn, rừng quế xa nhà, ít có điều kiện thăm rừng nên nhiều hộ khi phát hiện ra rừng quế nhà mình bị sâu hại đã quá muộn, việc diệt trừ bằng phương pháp thủ công kém hiệu quả, buộc lòng phải phòng trừ sâu, bệnh chủ yếu bằng biện pháp hóa học. Đây là vấn đề rất lớn, ảnh hưởng đến thương hiệu quế Yên Bái, đặc biệt là khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng những vườn quế hữu cơ và chinh phục những thị trường khó tính.
Đứng trước thực trạng kể trên, tỉnh cần quản lý chặt chẽ hơn khâu sản xuất cây giống. Cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đánh giá chất lượng, nguồn gốc giống, vườn giống và tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc cây giống. Cần rà soát, đánh giá cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống và giấy đăng ký kinh doanh quế giống tại các địa phương. Tuyên truyền để người sản xuất cây giống và người trồng quế thấy được quyền lợi, cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Chính quyền các cấp cần có biện pháp mạnh mẽ và quyết liện hơn trong việc quy hoạch và bảo vệ quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chấm dứt tình trạng "hở đất là trồng quế” như hiện nay.
Duy trì diện tích quế hiện có; đồng thời, nâng cao chất lượng và giá trị cây quế theo hướng sản xuất quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, gắn liền với đó là chế biến sâu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cần chấm dứt tình trạng trồng hàng vạn cây quế/ha, thay vào đó là trồng với mật độ từ 5.000 đến 6.600 cây/ha, kết hợp với kỹ thuật thâm canh chăm sóc, cải tạo đất, bảo vệ cây trồng theo hướng hữu cơ....
Khảo sát tại các vùng quế Kiên Thành, Y Can, Hồng Ca, Lương Thịnh, huyện Trấn Yên cho thấy, mối lo thường trực và lớn nhất của người trồng quế chính là sâu ăn lá. Những rừng quế trụi lá, thâm đen, chậm lại quá trình sinh trưởng hoặc hàng loạt cây chết đứng đã trở thành nỗi kinh hoàng của người dân. Do diện tích quế quá lớn, nương quế trên đồi, trên núi, đặc biệt là khi cây quế đã cao 5 - 6 m thì việc sớm phát hiện ra sâu hại là rất hạn chế, áp dụng các biện pháp diệt trừ thủ công gần như là không thể.
Việc phun thuốc cũng hết sức khó khăn và vất vả, chưa kể tới việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá độc hại, thời gian phân hủy chậm khiến việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm quế.
Sâu hại quế, nỗi lo của người nông dân.
Kỹ sư Trần Thị Hoàn Liên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ nông nghiệp huyện Trấn Yên cho biết: Những năm trở lại đây, sâu hại quế ngày càng trầm trọng thêm. Nguyên nhân bởi biến đổi khí hậu, trồng quá dày, chăm sóc, làm cỏ không thường xuyên khiến sâu có nơi trú ngụ…
Liên tục thời gian qua, các ngành trong khối nông - lâm nghiệp đã cử cán bộ xuống cơ sở để hướng dẫn bà con phòng trừ sâu hại quế như: thường xuyên kiểm tra nương quế, đặc biệt là những diện tích ở xa, để phát hiện sớm sâu, bệnh hại.
Thực hiện các biện pháp canh tác, thủ công, phương châm phòng là chính; trừ sớm, kịp thời, nhanh chóng và triệt để. Áp dụng các biện pháp sinh học trong phòng trừ sâu, bệnh (như dùng bẫy/bả sinh học, bắt sâu bằng biện pháp thủ công, bẫy đèn…) và tạo môi trường thuận lợi cho thiên địch phát triển, dẫn dụ, xua đuổi côn trùng.
Trong trường hợp bắt buộc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phải ưu tiên dùng thuốc có nguồn gốc sinh học, thuốc có thời gian phân hủy nhanh; sử dụng thuốc rõ nguồn gốc, đảm bảo thời gian cách ly và dư lượng tối đa cho phép; sử dụng theo nguyên tắc "4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng cách, đúng đối tượng). Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại và rủi ro cao đối với người, động vật, hệ sinh thái.
Nỗ lực của ngành nông - lâm nghiệp trong việc bảo vệ rừng quế cho người nông dân không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, quá trình biến đổi khí hậu chắc chắn chưa dừng lại nếu không muốn nói là ngày thêm trầm trọng; việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân khó có thể diễn ra một sớm, một chiều, nhất là khi việc trồng quế thật mau, thật dày vẫn cho người nông dân có thu nhập thường xuyên… đồng nghĩa với đó chính là sâu hại quế chắc chắn còn diễn ra phức tạp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện canh tác quế bền vững, nghiên cứu chương trình hợp tác phòng trừ sâu hại quế.
Theo đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần nghiên cứu, khảo sát và đưa ra những khuyến cáo, tìm kiếm hoặc xây dựng một đơn vị chuyên sử dụng máy bay không người lái thực hiện phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu, bệnh hại quế. Với cách làm này, chúng ta sẽ tránh được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách bừa bãi, kém hiệu quả, chỉ sử dụng những loại thuốc an toàn, không ảnh hưởng đến tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, giảm chi phí cho người trồng quế…
Với những giá trị to lớn mà cây quế mang lại, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng như các địa phương có diện tích quế lớn: Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn cần có những giải pháp bài bản, mang tính đồng bộ cao để bảo vệ thương hiệu quế Yên Bái, giúp người nông dân canh tác quế bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Lê Phiên