Yên Bái phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/8/2022 | 1:48:59 PM

YênBái - Chăn nuôi đại gia súc theo hướng tập trung đang dần khẳng định là hướng đi hiệu quả, mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ nông dân. Cùng với đó, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm chăn nuôi.

Ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình tiêm phòng định kỳ cho đàn bò.
Ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình tiêm phòng định kỳ cho đàn bò.

Xác định chăn nuôi là nguồn thu nhập chính của gia đình, những năm qua, ông Vương Văn Cương ở thôn Phạ 1, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung đầu tư chuồng trại phát triển chăn nuôi bò. 

Để bảo vệ đàn bò, ông Cương thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun khử trùng khu vực chăn nuôi. Ngoài nguồn thức ăn tự nhiên, gia đình ông còn trồng thêm cỏ voi để làm nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò. Nhờ tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi, đàn bò của gia đình ông luôn cho chất lượng tốt. Hiện tại, gia đình ông có 25 con bò, mỗi con có giá trị từ 10 đến 20 triệu đồng.

Ông Cương cho biết: "Hiện tại, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông vào đàn bò này. Tôi thấy chăn nuôi theo phương pháp bán công nghiệp này cũng nhàn, chất lượng thịt ngon. Nếu thuận lợi thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm quy mô”. 

Được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản, năm 2021, gia đình anh Phan Tuấn Quỳnh ở thôn Hồng Thái, xã Nga Quán, huyện Trấn Yên bắt đầu chăn nuôi gia súc. 

Nhờ lựa chọn giống bò lai Shin có chất lượng tốt, lại ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi theo khoa học, sử dụng nguồn thức ăn cỏ voi tự nhiên nên đàn bò của gia đình anh phát triển tốt. Từ đó, anh mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện tại, gia đình anh thường xuyên duy trì 10 con bò trong chuồng. 

Tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh có đàn trâu gần 97.300 con, đàn bò trên 36.750 con. Những năm qua, tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như dự án liên kết chuỗi giá trị, hỗ trợ nâng cao chất lượng con giống vật nuôi, hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ… 

Đặc biệt là Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo đà cho chăn nuôi gia súc phát triển. 

Nhờ đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hình thành các vùng chăn nuôi đại gia súc có quy mô lớn đáp ứng nhu cầu của thị trường, hình thành các vùng chăn nuôi hàng hóa theo quy mô trong đó chú trọng tới phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Để phát triển đàn gia súc chất lượng, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chú trọng đến chất lượng con giống. 

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai phối giống được 2.456 liều cho trâu, bò sinh sản; thực hiện 280 cơ sở chăn nuôi trâu, bò quy mô 10 con; nghiệm thu 247 cơ sở, giải ngân được 196 cơ sở với kinh phí trên 5,8 tỷ đồng. 

Với sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự triển khai đồng bộ của các cấp, ngành và sự chủ động của người dân quy mô chăn nuôi gia súc đang ngày càng tăng, phương pháp chăn thả tự nhiên đã được thay thế bằng phương pháp nuôi bán công nghiệp, người dân đã có sự chú trọng vào nguồn thức ăn, khâu phòng chống dịch bệnh, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi từ đó đã hình thành nhiều mô hình quy mô theo hướng hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao. Ngành chăn nuôi đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Do trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư chăn nuôi quy mô lớn mà hầu hết chăn nuôi ở quy mô nông hộ nhỏ lẻ. Đây là rào cản, thách thức lớn đối với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh cũng như việc tiêu thụ sản phẩm. 

Cùng với đó là dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn còn xảy ra, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò… Việc tổ chức liên kết sản xuất gắn với chế biến còn hạn chế, chưa có các cơ sở giết mổ tập trung và các chuỗi liên kết sản xuất.

Để khắc phục những khó khăn trên, phát huy lợi thế của địa phương, tỉnh Yên Bái xác định đến năm 2025 tập trung phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển chăn nuôi trâu, bò là theo hình thức chăn nuôi trang trại từ quy mô nhỏ đến vừa, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng và gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên doanh. 

Ông Đàm Duy Đức - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Hiện nay, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân chuyển dần phương thức sản xuất chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn sinh học, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, năng suất cao, chất lượng tốt, sức cạnh tranh cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất tạo ra các giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; trong đó, chú trọng triển khai lai tạo, cải tạo nâng cao chất lượng đàn trâu, bò”. 
Thanh Phúc

Tags Yên Bái phát triển đại gia súc hàng hóa chuỗi giá trị Nghị quyết số 69 Chi cục Chăn nuôi

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ngày 29/8, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 13/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Khách hàng giao dịch vàng miếng.

Phiên sáng 30/8, thương hiệu SJC tại các doanh nghiệp trong nước cộng thêm từ 50.000-150.000 đồng mỗi lượng, trong khi giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh 110.000 đồng/lượng.

Các siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố  Yên Bái tung nhiều gói khuyến mại hướng đến nhu cầu mua sắm cho người dân thuận lợi nhất. (Ảnh: Thủy Thanh)

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2022 so với tháng trước tăng 0,09%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 7 nhóm chỉ số giá tăng.

Cán bộ Cục Thuế tỉnh hỗ trợ người nộp thuế.

Tuy còn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng công tác thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực. Cục Thuế tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu quyết tâm hoàn thành và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu thu được giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục