Chất lượng của gạo ST25 đã được thế giới công nhận khi giành danh hiệu "Gạo ngon nhất thế giới năm 2019” và giải Nhì cuộc thi "Gạo ngon nhất thế giới năm 2020”. Trong khi đó, nhiều năm qua, huyện Văn Yên tập trung duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với giống chủ lực là lúa thuần Chiêm hương thì nay đang bộc lộ một số hạn chế, có chiều hướng giảm về chất lượng sau nhiều năm sản xuất đại trà.
Bởi vậy, vụ mùa năm 2021 và vụ xuân năm 2022, huyện Văn Yên đã tiến hành trồng thử nghiệm giống lúa ST25 tại 6 xã trên địa bàn huyện với tổng diện tích là 17 ha, gần 200 hộ tham gia.
Kết quả khảo nghiệm tại 2 vụ cho thấy giống lúa ST25 thích ứng tương đối tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của địa phương; có sức chống chịu tốt và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại cảnh bất lợi, nhất là trong vụ xuân thời tiết rét đậm, rét hại xen với mưa kéo dài nhưng lúa vẫn sinh trưởng phát triển tốt.
Khả năng kháng sâu bệnh tốt, chỉ nhiễm ở mức nhẹ rầy nâu, khô vằn, đạo ôn. Hạt gạo thuôn dài, chất lượng gạo ngon, cơm dẻo, vị đậm. Năng suất trung bình vụ mùa đạt 48 tạ/ha, vụ xuân đạt 50,1 tạ/ha, hiệu quả kinh tế sau khi trừ chi phí đạt từ 30-31 triệu đồng/ha. Bên cạnh những tính ưu việt, giống lúa ST25 cũng gặp khó khăn trong chế biến vì hạt thóc dài nên khi xay xát hạt gạo bị gãy, tỷ lệ hạt gạo nguyên chưa cao, chỉ đạt trên 50%.
Những ưu điểm, hạn chế đã được bộc lộ sau 2 vụ thử nghiệm. Đây cũng là cơ sở để huyện đưa giống lúa này vào sản xuất đại trà; từ đó, dần thay thế giống lúa thuần Hương chiêm, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa hàng hóa của huyện, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Vụ mùa năm 2022, huyện Văn Yên đã hỗ trợ 40kg giống/ha cho 873 hộ dân thuộc 4 xã trên địa bàn huyện để sản xuất đại trà 100ha giống lúa ST25.
Bà Nguyễn Thanh Huyền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ, Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện Văn Yên cho biết: Trung tâm đã tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nhân dân từ gieo cấy, trồng, chăm sóc, phân công mỗi xã một cán bộ kỹ thuật phụ trách, thường xuyên thăm đồng, theo dõi quá trình sinh trưởng, tình hình sâu bệnh hại, thực hiện báo cáo hàng tuần.
Với bất cập trong việc chế biến, đến nay, các hộ dân đã tìm hiểu tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình để đầu tư máy xát chuyên dụng sẽ khắc phục được nhược điểm bị gãy hạt.
Về tiêu thụ, nhiều hợp tác xã và người nông dân cũng đã chủ động liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp ở Hà Nội, Nam Định, Thái Bình để tìm đầu ra; Công ty Nông sản Tiến Vua - đơn vị cung ứng giống cũng đặt vấn đề nếu nhân dân có nhu cầu họ sẽ thu mua.
Về phía người dân, với kinh nghiệm, trình độ thâm canh cao, cơ bản những hộ dân tham gia canh tác đều đã được hướng dẫn và thực hiện theo quy trình kỹ thuật, dần thay đổi tư duy theo hướng giảm thiểu hóa chất, tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, bảo vệ sức khỏe người làm nông, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.
Ông Nguyễn Văn Phương ở thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh cho biết: Gia đình tôi tham gia trồng 3 sào lúa giống ST25. Là một giống mới nhưng kỹ thuật canh tác không quá khó, cần lưu ý bón ít đạm, tăng phân hữu cơ vì càng bón nhiều phân hữu cơ chất lượng gạo sẽ càng tốt.
Vụ năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, có mắc nhẹ một số bệnh như: khô vằn, đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ nhưng dưới sự hướng dẫn, thường xuyên kiểm tra thăm đồng của các cán bộ nông nghiệp đã xử lý tốt, không để ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây, dự kiến đến cuối tháng 9 sẽ được thu hoạch.
Giống lúa ST25 đi vào sản xuất đại trà không những chuyển đổi cơ cấu giống trên đất lúa mà còn góp phần phát triển hàng hóa chất lượng cao theo hướng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hoài Anh