Vụ đông có vai trò quan trọng trong tận dụng diện tích sản xuất để góp phần tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo nhu cầu thực phẩm tại chỗ, phục vụ chăn nuôi. Vì vậy, những năm qua, các địa phương trong tỉnh luôn chú trọng phát triển cây vụ đông, đặc biệt là ngô đông trên đất 2 vụ lúa. Trong đó, vụ đông 2021, toàn tỉnh sản xuất được 10.552 ha, đạt 106,4% so với kế hoạch, sản lượng đạt 68.996 tấn.
Các địa phương đưa vào gieo trồng 5.704 ha ngô, sản lượng đạt 19.176,5 tấn; trên 1.103 ha khoai lang, sản lượng đạt 5.932 tấn; rau, đậu các loại đạt trên 3.520 ha, sản lượng đạt 43.086 tấn. Sản xuất vụ đông đã đem về cho nông dân toàn tỉnh khoảng 500 tỷ đồng.
Trong sản xuất vụ đông, ghi nhận một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng giống rau cải mầm đá tại bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải của Hợp tác xã Sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu Mù Cang Chải.
Với 7 ha đất trồng cải mầm đá, vốn đầu tư 150 triệu đồng/ha, năng suất 30 tấn/ha, vụ đông vừa qua, HTX đã thu hoạch được trên 200 tấn rau thương phẩm, bán với giá 20.000 -30.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 600 triệu đồng/ha, mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn.
Mô hình liên kết sản xuất ớt xuất khẩu tại thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn với quy mô 1,5 ha và tại xã Thanh Lương, thị xã Nghĩa Lộ 5 ha do Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh liên kết với các hộ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sau khi trừ chi phí mỗi héc - ta cho lãi 15 triệu đồng.
Mặc dù hiệu quả từ sản xuất vụ đông đã thấy rõ, song diện tích sản xuất vụ đông đã giảm dần qua các năm. Đặc biệt, vụ đông năm 2021 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên sản xuất nông nghiệp gặp những bất lợi, sức ép đối với hoạt động sản xuất, lưu thông, kinh doanh vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm nông lâm sản như rau, hoa quả... có giá tiêu thụ chưa cao.
Cùng đó, giá cả các loại vật tư nông nghiệp tăng cao, đặc biệt là giá các loại phân bón vô cơ đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc đầu tư thâm canh của nông dân, giá thành sản xuất tăng cao, lợi nhuận giảm. Quy mô sản xuất còn manh mún dẫn đến khó thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết. Cơ giới hóa và hiệu quả một số cây trồng chưa cao, chưa đủ sức hấp dẫn với nông dân. Nguồn lao động nông nghiệp ở nông thôn thiếu, đa số là lao động cao tuổi; tình trạng thiếu hụt lao động trẻ, khỏe ở nông thôn rơi vào thời điểm đầu vụ gieo trồng vụ đông và thu hoạch lúa mùa sớm cũng gây khó khăn cho tiến độ làm đất và thời vụ gieo trồng.
Với định hướng phát triển sản xuất vụ đông theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với nâng cao giá trị, phát triển bền vững, vụ đông năm 2022, các địa phương tiếp tục xác định là vụ sản xuất đặc biệt quan trọng đối với tăng trưởng của ngành nông nghiệp cho năm tiếp theo và tăng thu nhập cho nông dân. Toàn tỉnh sẽ phấn đấu gieo trồng trên 9.742 ha cây vụ đông các loại.
Trong cơ cấu cây trồng thì cây ngô vẫn là chủ lực với diện tích 5.600 ha nhằm đáp ứng mục tiêu tăng sản lượng lương thực có hạt và sản xuất cung cấp thức ăn chăn nuôi để phòng chống đói, rét cho đại gia súc; cây khoai lang 1.017 ha, năng suất phấn đấu 55,92 tạ/ha, sản lượng 5.685 tấn; cây rau các loại 3.125 ha, sản lượng trên 37.000 tấn.
Trong sản xuất cây vụ đông, khó khăn lớn nhất là điều kiện thời tiết và lịch thời vụ. Do đó, các địa phương đã có kế hoạch bố trí cơ cấu trà lúa lúa mùa sớm trong khung thời vụ tốt nhất để giải phóng đất cho vụ đông. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 9/2022 sẽ có khoảng 10.000 ha có khả năng thu hoạch để làm vụ đông.
Để hoàn thành mục tiêu sản xuất vụ đông, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương cần bố trí thời vụ, cơ cấu giống phù hợp, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật nhằm né tránh thiên tai, phát huy lợi thế, giảm tối đa chi phí, đạt hiệu quả sản xuất cao nhất; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đất, làm đất; áp dụng các biện pháp kỹ thuật gieo trồng đúng thời vụ, nhất là nhóm cây ưa ấm, trồng càng sớm càng tốt theo phương châm khẩn trương thu hoạch lúa mùa và gieo trồng ngay cây vụ đông.
Đối với các loại cây rau màu, chú trọng trồng rải vụ nhằm giảm áp lực tiêu thụ và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp tết Nguyên đán. Đẩy mạnh sản xuất rau ở những vùng quy hoạch, vùng sản xuất tập trung; sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao giá trị thu nhập.
Cùng đó, các địa phương tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, bổ sung các giống mới nhằm nâng cao năng suất, giá trị trong sản xuất vụ đông; xây dựng mô hình liên kết tổ chức sản xuất vụ đông theo chuỗi giá trị để tạo ra vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo hướng an toàn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các đối tác tham gia trong chuỗi như: nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Thông Nguyễn