Mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt, bán chăn thả đã hiệu quả cao cho gia đình anh Bùi Văn Bắc, tổ dân phố số 2, thị trấn Trạm Tấu. Tận dụng nguồn thức ăn từ cây ngô, rơm khô đã giúp gia đình anh Bắc giảm chi phí đầu tư, thu nhập cũng cao hơn. Năm 2021, anh được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Anh Bắc cho biết: "Với số tiền tích lũy của gia đình và tiền hỗ trợ của Nhà nước, gia đình mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại, trồng gần 1 ha cỏ làm nguồn thức ăn cho trâu, bò.
Hơn thế, từ khâu chọn mua con giống, chăm sóc cho tới phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, tôi luôn được cán bộ thú y tư vấn, chuyển giao kỹ thuật trực tiếp nên đàn trâu, bò luôn béo tốt, khỏe mạnh”. Đến nay, gia đình anh Bắc có 6 con bò, 10 con trâu. Tiền bán trâu, bò mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ngày càng khá giả.
Những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đã chú trọng triển khai nhiều dự án, chính sách để phát triển chăn nuôi gia súc. Đàn gia súc của huyện phát triển ổn định, tổng đàn gia súc chính gần 41.600 con, tăng 115% so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đạt trên 92%.
Trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện 1 dự án của chính sách hỗ trợ xây dựng và nhân rộng các mô hình mới với kinh phí hỗ trợ trên 670 triệu đồng; hỗ trợ 42 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đặc sản hữu cơ với kinh phí gần 790 triệu đồng…
Đối với gia đình anh Nguyễn Văn Lục, thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn, từ nguồn hỗ trợ kinh phí truyền tinh nhân tạo (TTNT) của tỉnh, anh Lục đã áp dụng phương pháp TTNT cho đàn bò. Bê con mới sinh được sinh ra nhờ TTNT mới hai tháng tuổi đã có trọng lượng trên 70 kg.
Anh Lục cho biết: "Được sinh ra nhờ phương pháp TTNT nên bê con có ngoại hình to, khỏe, đạt năng suất cao hơn khoảng 20 - 25% so với bò địa phương. Không chỉ riêng bò mà gia đình tôi còn thực hiện phương pháp này đối với đàn trâu. Trâu, bò giống địa phương 1 năm tuổi bán ra thị trường có giá 20 triệu đồng/con thì trâu được lai tạo có giá trên 30 triệu đồng/con”.
Thấy rõ hiệu quả từ phương pháp TTNT mang lại nên nhiều hộ nông dân ở xã Minh An đã mạnh dạn mở rộng chuồng trại, mua thêm con giống, mở rộng diện tích trồng cỏ. Đặc biệt, Minh An đã có 11 hộ gia đình được hỗ trợ chăn nuôi mở rộng quy mô chăn nuôi trâu, bò theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh Yên Bái triển khai thực hiện 3 chính sách hỗ trợ chăn nuôi. Trong đó, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 15 của HĐND tỉnh ngày 15/12/2015 về việc ban hành Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 đã hỗ trợ được 1.779 cơ sở phát triển chăn nuôi hàng hóa với tổng kinh phí 22 tỷ 335 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí TTNT cho 16.000 liều phối đạt.
Thực hiện Nghị quyết số 13 của HĐND tỉnh ngày 26/4/2020 ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ sản xuất nông nghiệp năm 2020 để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, toàn tỉnh đã hỗ trợ được 1.981 cơ sở với tổng kinh phí trên 22 tỷ 134 triệu đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2021 đã hỗ trợ TTNT cho 4.000 liều cho trâu, bò cái sinh sản với kinh phí gần 1,6 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa hoặc đặc sản, hữu cơ với 1.025 cơ sở, kinh phí gần 25 tỷ đồng.
Ông Ninh Trần Phương - Phó Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Chăn nuôi trong giai đoạn 2015 - 2021 gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019, đại dịch Covid-19. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đã góp phần rất lớn trong việc tăng đầu đàn, tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp nói chung và giá trị ngành chăn nuôi nói riêng; kịp thời giúp các hộ dân phần nào giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu cho phát triển sản xuất”.
Có thể thấy, các dự án phát triển chăn nuôi cơ bản duy trì và phát triển, nâng cao thu nhập cho các hộ, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng, làm thay đổi phương thức sản xuất nhỏ lẻ của người dân, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao, đưa thêm nhiều giống mới vào sản xuất.
Bên cạnh đó, nội dung các chính sách hỗ trợ đã làm đổi mới cách tiếp cận, giúp người dân dễ dàng nhận thấy hiệu quả kinh tế cao nếu tham gia sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị. Đồng thời, nâng cao nhận thức của người dân về việc gắn sản xuất với thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo cho sản xuất phát triển ổn định, bền vững.
Mạnh Cường